Vì sao EIB lại giao dịch mạnh?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:30, 05/11/2009

Cổ phiếu EIB của Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Eximbank vừa lên sàn ngày 27/10, ngay phiên đầu tiên đã giao dịch được hơn 14 triệu cổ phiếu...
Vì sao EIB lại giao dịch mạnh?

Cổ phiếu EIB của Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Eximbank vừa lên sàn ngày 27/10, ngay phiên đầu tiên đã giao dịch được hơn 14 triệu cổ phiếu và giá khớp lệnh chỉ hơn giá tham chiếu 1.000đ/CP (29.000đ/CP), không giống các cổ phiếu khác ngày đầu mới lên sàn.

Đại gia từ hồi OTC

Nhận xét về lượng giao dịch khổng lồ của EIB, nhiều nhà đầu tư không tỏ ra ngạc nhiên vì cổ phiếu này là "đại gia" trên thị trường OTC trước khi niêm yết. Nếu như cổ phiếu trên thị trường này có giao dịch thì EIB gần như chiếm 80% thị phần. Nhiều cò môi giới đã nhờ EIB mà thu được phí. Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đơn vị quản lý sổ cổ đông cho EIB thừa nhận, nhờ có cổ phiếu này mà VDSC đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi thị trường chứng khoán ảm đạm. Nếu như mức phí môi giới tại hai sàn niêm yết bị giảm, thì nhờ độc quyền thu phí chuyển nhượng mà VDSC đã bù đắp được phần nào chi phí hoạt động trong suốt thời gian dài. Có người nói vui rằng, có lẽ vì nguồn thu lớn mà VDSC không muốn EIB sớm lên sàn, chỉ có nhà đầu tư mong cổ phiếu này sớm niêm yết để cổ phiếu được thanh khoản hơn, dễ bề giao dịch.

Một lý do nữa giúp EIB giao dịch nhiều là khối lượng niêm yết khá lớn, hơn 876 triệu cổ phiếu và giá của EIB lại thấp hơn các mã cổ phiếu ngân hàng khác đang giao dịch trên sàn. Cổ phiếu VCB của Vietcombank đang ở mức giá trên 5 chấm, STB của Sacombank và CTG của Vietinbank thì trên 3 chấm. Ngoài ra, nếu so với ACB giao dịch tại sàn Hà Nội thì ACB cũng đang giao dịch với giá trên 4 chấm. SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội cũng có giá cao hơn chút. Điều này khiến nhà đầu tư từ lâu muốn sở hữu cổ phiếu EIB nay đã có dịp mua vào. Ngay những phiên đầu tiên, không riêng gì nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ mua hơn 3,4 triệu cổ phiếu EIB trong vòng 3 phiên.

So với các cổ phiếu cùng ngành

Tính đến thời điểm này, theo ông Huỳnh Tuần Khánh, chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, Eximbank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ đứng vào hàng thứ 3 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, nhưng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch ít hơn ACB và STB. Thị phần tín dụng EIB cũng thấp hơn so với hai ngân hàng này. Tốc độ tăng trưởng số dư tiền gửi từ dân cư trong 6 tháng đầu năm là 17,8%, trong khi mức tăng của ACB là 41% và STB là 24%. Muốn mức tăng này cao hơn, EIB phải mở rộng mạng lưới giao dịch để cạnh tranh với các ngân hàng khác, nhất là trong tình hình lãi suất huy động không ngừng biến đổi. Có một điểm đáng lưu ý là EIB có tốc độ tăng trưởng dư nợ khá nhanh, 6 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng 42,6%, trong khi mức tăng trưởng bình quân của ngành ngân hàng chỉ có 17%. Theo ông Khánh, hiện nay thị trường chứng khoán chưa xác định xu thế rõ rệt, hơn nữa, các cổ phiếu tài chính ngân hàng vẫn còn bình lặng, trong khi các cổ phiếu có thông tin bất thường dễ dàng tăng giá đột biến, bất chấp hoạt động kinh doanh tốt hay không.

Có khả năng bức phá trong dài hạn

Tính đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng Việt Nam có hơn 40 ngân hàng thương mại cổ phần, 40 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5 ngân hàng liên doanh. Điều này chứng tỏ ngành ngân hàng Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng, nhất là các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng về tín dụng và huy động vốn đã sụt giảm trong năm 2008, khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần bị tụt giá trong năm vừa qua.

Năm nay, các chính sách tiền tệ đã được nới lỏng, chính sách kích cầu được thực hiện, tín dụng tiêu dùng được triển khai trở lại sau một thời gian tạm dừng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển. Tốc độ tín dụng trong 9 tháng đầu năm lên đến 29%, cao hơn mức dự kiến của Ngân hàng Nhà nước ước tính trước đó. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm so với đầu năm. Do vậy, mức lợi nhuận và phát triển của ngành ngân hàng sẽ tăng cao vào năm tới. Hiện nay, hầu hết ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch năm.

Các chuyên gia chứng khoán thường nhận định, khi nền kinh tế trong nước hồi phục, ngành ngân hàng sẽ được phục hồi sớm nhất. Do vậy, nhà đầu tư kỳ vọng vào các cổ phiếu ngành ngân hàng vì độ thanh khoản của nhóm cổ phiếu này thường cao. 

LƯƠNG MINH