Những hình mẫu khu đô thị mới

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 08:31, 11/11/2009

Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, mà các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng sôi động với nhiều dự án khu đô thị mới.
Những hình mẫu khu đô thị mới

Cách đây một năm, số lượng đô thị và khu đô thị ở nước ta là 730, nay đã lên tới 752. Nếu giai đoạn 2007-2008, các nhà đầu tư quốc tế dẫn đầu về số dự án đầu tư khu đô thị mới, trong đó riêng nhà đầu tư Hàn Quốc nắm giữ trên 10 dự án lớn, thì hiện tại, nhà đầu tư trong nước lại vươn lên mạnh mẽ với nhiều dự án, tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhưng cũng tạo ra nỗi lo về quy hoạch và đầu ra của thị trường căn hộ, biệt thự.

Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, mà các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng sôi động với nhiều dự án khu đô thị mới.

Hà Nội: Kỳ vọng một siêu đô thị

Dẫn đầu cả nước về số lượng dự án khu đô thị (KĐT) mới, như KĐT sinh thái 6 sao Sông Cà Lồ (Sóc Sơn và Đông Anh), Ciputra, Bắc Linh Đàm, Bắc An Khánh..., nhưng Hà Nội được trông chờ với diện mạo lớn hơn, chứ không phải chỉ có những dự án ấy.

Dự án Khu đô thị Đa Phước

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước về quy hoạch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, cho biết, chiến lược quy hoạch Thủ đô sẽ khiến Hà Nội có 10 đô thị vệ tinh và một sân bay dự phòng, đồng thời sẽ hình thành một quần thể chung là trung tâm hành chính quốc gia ở khu tây Hồ Tây.

Có thể hình dung, vào năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành một đô thị trung tâm đa hệ, đa tầng với hàng chục đô thị vệ tinh, khoảng 10 triệu dân. Những vùng ngoại thành như Xuân Mai, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh... sẽ trở thành những đô thị mới.

Năm 2007, Hà Nội triển khai xây dựng 38 KĐT với hơn 300 nhà ở cao tầng. Năm 2009, những dự án bất động sản (BĐS) đã hoàn thành, hoặc đang dở dang, hoặc mới chỉ trên giấy của Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng về số lượng, tiếp tục thu hút những người thực sự có nhu cầu nhà ở và giới đầu cơ. Điều đó lý giải vì sao giá căn hộ chung cư và giá đất ở Hà Nội chỉ có tăng mà không có giảm suốt ba năm qua.

Nhận xét về việc quy hoạch đất cho các “tiểu khu nhà ở” này, TS. Phạm Sĩ Liêm - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng: “Trước đây, đất đô thị được quy hoạch để xây dựng các tiểu khu nhà ở, là khu vực chỉ có chức năng làm chỗ ở, tách khỏi các khu vực có chức năng hành chính, thương mại, sản xuất, nghỉ ngơi, giải trí, nay, với nhiều dự án KĐT, Hà Nội vẫn không thoát khỏi tầm mức của những “tiểu khu nhà ở”, dù có biến tướng đôi chút.

Đà Nẵng: Những đô thị của tương lai

Đà Nẵng đang có khoảng 10 tập đoàn, DN nắm các dự án xây dựng KĐT với mức đầu tư lên đến vài trăm triệu USD mỗi dự án, hoặc hơn.
Một trong các dự án đáng chú ý nhất ở đây là KĐT Đa Phước trị giá 250 triệu USD, được xây trong vịnh Đà Nẵng, rộng 210ha, mang hình trăng lưỡi liềm, do Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn chỉnh vào năm 2018. Đây sẽ là một quần thể kiến trúc đẹp, hài hòa với thành phố và thiên nhiên xung quanh là bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, sông Hàn. Để làm dự án đô thị lấn biển này, riêng công đoạn xây dựng hệ thống đập ngăn nước biển và bồi đất đã tốn 80 triệu USD và kéo dài trong 30 tháng.

FPT Land tới Đà Nẵng với một ước vọng mới: triển khai KĐT công nghệ cao 181ha “Vì công dân điện tử”. Trong dự án, đây là KĐT hiện đại tích hợp các tiện ích công nghệ cao áp dụng vào đời sống, công việc của cả cộng đồng và từng cá nhân, với tổng đầu tư gần 1 tỷ USD, nằm tại Q. Ngũ Hành Sơn. KĐT FPT sẽ là KĐT “thông minh” đầu tiên ở VN, là nơi sống và làm việc của khoảng 20 ngàn người trẻ chuyên ngành điện tử trong trường đại học, các đơn vị sản xuất phần mềm. Hiện tại, dự án hạt nhân của KĐT FPT đã khởi động với việc giải tỏa và xây dựng Đại học FPT (25ha). Dự kiến Đại học FPT sẽ hoàn thành vào năm 2013.

Đà Nẵng cũng đang xây dựng hơn 10 đô thị vệ tinh cho khu trung tâm, đậm bản sắc sinh thái - du lịch, với xu thế dựa núi, bám biển như KĐT Quan Nam - Thủy Tú (342ha, 1,6 tỷ USD ), KĐT Mân Quang, KĐT Ngũ Hành Sơn...

TP.HCM: Tập trung xây dựng đô thị tiện ích

Một khu đô thị tiện ích tại Q7, TP.HCM

Sau thành công của KĐT Nam Sài Gòn, TP.HCM được xem là thành phố hình mẫu về phát triển KĐT mới. Không kể KĐT Thủ Thiêm (Q.2) đã được xác định là KĐT hiện đại nhất của thành phố, hàng loạt địa điểm khác được các nhà đầu tư chấm để triển khai dự án KĐT ở Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Q.2, Q.9..., dù tiến độ triển khai còn chậm.

Kề sát KĐT Nam Sài Gòn cơ bản định hình, Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) được UBND TP.HCM chấp thuận cho phép đầu tư dự án KĐT mới ở Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, 349ha, 168 triệu USD, là đô thị mang đặc trưng sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở khu vực phía Nam. Thế nhưng, sau một năm triển khai, đến nay hạ tầng dự án cũng chưa xong, mới chỉ đền bù giải phóng mặt bằng được hơn 100ha. Ông Vũ Huy Sơn, phụ trách dự án cho biết, theo kế hoạch, cuối năm 2009 sẽ phải xong toàn bộ hạ tầng, nhưng khó khăn nằm ở chỗ thỏa thuận đền bù với người dân vẫn chưa giải quyết xong, nên dự án sẽ phải chậm lại. Ông Sơn cho biết, tập đoàn còn có một dự án KĐT 100ha ở Q.9, nhưng triển khai bên đó còn khó khăn hơn vì ở gần trung tâm thành phố.

Cùng chung hoàn cảnh, tại KĐT Tây Bắc, với tâm điểm là trường đại học quốc tế ở Củ Chi, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD do Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia) đầu tư, xây dựng vẫn chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng 196ha.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án khu căn hộ cao cấp tại TP.HCM tiếp tục được xây dựng, trong đó, riêng tại khu Nam Sài Gòn, dự án Kenton 9,1ha, 300 triệu USD và Sunrise City 5ha, 500 triệu USD đang xây dựng rốt ráo, như một điểm nhấn về sức hút căn hộ cao cấp. Ông Huỳnh Dư An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nova, chủ đầu tư Sunrise City cho biết, dự án này sẽ có 27 căn hộ Pent house, giá trên 18 tỷ đồng (trên 1 triệu USD/căn), nhưng đã có khá nhiều khách hàng đăng ký mua.

Đông Nam bộ sôi động

Tại Bình Dương, sau hàng loạt dự án đầu tư khu công nghiệp, khu dân cư, Công ty Becamex đã nhanh chóng đầu tư xây dựng KĐT Mỹ Phước, Becamex Center.... Nhưng dự án thành phố mới Bình Dương rộng 4.200ha mới chính là tham vọng lớn nhất của Becamex. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, hạ tầng của thành phố gần như đã hoàn tất; trường đại học, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế đã xây dựng xong; các tuyến đường chính nối đến TP.HCM, sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đều đã được triển khai. Ngay cả hệ thống tàu điện ngầm cũng đã được bàn tới. Với dân số ước tính lên đến 2 triệu, thành phố mới không chỉ đáp ứng cho cư dân nội tỉnh, mà còn là “bến đậu” của nguồn nhân lực đến từ khắp nơi, trong đó có người nước ngoài.

Tỉnh Đồng Nai đang có sức hút lớn về dự án KĐT mới, tập trung vào Long Thành (nơi sẽ có sân bay quốc tế) và Nhơn Trạch, thành phố công nghiệp, với hơn 10 dự án KĐT.

Dù đã có hàng loạt dự án được chủ đầu tư công bố, như KĐT Phú Thạnh - Long Tân hơn 700ha, 16.000 tỷ đồng; KĐT Hoa Sen Đại Phước 200ha, 400 triệu USD..., nhưng phải đến dự án KĐT Đông Sài Gòn (940ha) với 150.000 người, nơi có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu, các đường 25B, 25C nối Nhơn Trạch với sân bay quốc tế Long Thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và được UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch vừa tiến hành khởi công, cho thấy sức bật thật sự của Nhơn Trạch. Cũng dự án này, Tập đoàn Berjaya Berhad dù đang còn dở dang với dự án ở Củ Chi, nhưng vẫn không bỏ qua khu vực này khi vừa công bố chủ trì dự án khu trung tâm hành chính Nhơn Trạch trị giá 2 tỷ USD.

Cũng “ăn theo” dự án sân bay quốc tế, khu hành chính tỉnh, nhiều dự án khu ĐTM tại Long Thành bắt đầu xuất hiện. Nhưng sự khác biệt của dự án thành phố du lịch Sơn Tiên của Tập đoàn Suối Tiên, mới gây nhiều chú ý. Với diện tích 374ha, tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, ngoài áp dụng những mô hình kiến trúc, các loại hình vui chơi hiện đại, điều đáng chú ý là Tập đoàn Suối Tiên còn dự định biến nơi đây trở thành một thành phố du lịch tầm cỡ quốc tế với đầy đủ trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch. Chỉ sau khi dự án khởi công một tháng, giá đất quanh khu vực này đã tăng gấp 3 - 5 lần.

M. DƯƠNG - K. HOA - B. HỒNG