Nghị định thư Kyoto: Ngộp thở
Quốc tế - Ngày đăng : 09:51, 13/11/2009
Thời hạn chấm dứt Nghị định thư Kyoto đã cận kề nhưng thế giới vẫn chưa tìm ra được một thỏa thuận có tính ràng buộc để giải quyết những đe dọa nghiêm trọng của khí hậu toàn cầu.
Các đại diện đến họp tại Barcelona (Tây Ban Nha) nguyên một tuần lễ nhằm đưa ra một kế hoạch mở đường cho 192 quốc gia ký kết một thỏa thuận giảm biến đổi khí hậu thế giới vào tháng tới. Tuy nhiên, vào ngày sau cùng của hội nghị, lãnh đạo các quốc gia công bố rằng một hiệp ước về biến đồi khí hậu toàn cầu có thể sẽ bị dời lại đến một năm. Ông Yvo de Boer, chịu trách nhiệm soạn thảo Thỏa ước Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc phát biểu: Quyết định nào được đưa ra vào tháng tới tại Copenhagen (Đan Mạch) sẽ chỉ có tính cách "ràng buộc về đạo đức", còn ràng buộc về pháp lý có thể cần cả năm mới xong.
Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt cho biết, trì hoãn này là vì một số nước chưa sẵn sàng về chính trị để ký vào thỏa ước. Trong khi đó, ông Hugh Cole thuộc tổ chức Từ thiện Oxfam, nói rằng: Giới lãnh đạo châu Âu cần chú tâm vào sự thiếu ý chí về chính trị của chính họ thì hơn. Điều lo ngại là chính các quốc gia đang phát triển sẽ bị tác hại nặng nhất bởi sự đình đốn này.
Trước đó, các đại diện châu Phi đã tẩy chay một số cuộc thảo luận bởi vì họ cho rằng các nước công nghiệp phát triển không đưa ra được những lời hứa cụ thể về việc cắt giảm khí thải nhà kính. Họ nói các nước giầu phải có những cam kết về tài chính để giúp những nước đang phát triển đối phó với thay đổi do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đã nói các nước đang phát triển sẽ phải cần tới gần 150 tỷ USD viện trợ mỗi năm từ nay đến năm 2020 để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng mỗi khi bàn đến nghĩa vụ đóng góp tài chính thì nội bộ châu Âu lại bất đồng.
Hầu hết các nước thành viên mới thuộc Đông Âu từ chối viện trợ với lý do bản thân họ cũng là những “nước nghèo”. Ba Lan, Slovakia, Hungary, Litva, Latvia, Cộng hòa Czech, chỉ muốn đóng góp trên cơ sở tự nguyện, đến giai đoạn sau, từ 2013 trở đi, thì mức đóng góp “viện trợ khí hậu” tỷ lệ thuận với tổng mức viện trợ cho phát triển.
Theo giới chuyên gia, vấn đề cấp bách hiện nay là kìm chế, không để cho nhiệt độ trên Trái đất tăng quá 2oC, trong giai đoạn 2010 - 2030. Để đạt mục tiêu này, thế giới phải đầu tư khoảng 10 ngàn tỷ USD vào trong lĩnh vực năng lượng. Trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, các nước phát triển được yêu cầu từ nay đến 2050, sẽ giảm thải từ 80 - 95% lượng khí CO2 so với mức của năm 1990.
Ngoài những nỗ lực đầu tư trong nước, các nước giàu còn phải tài trợ cho các nước nghèo phát triển các dự án năng lượng sạch. Ủy viên Châu Âu phụ trách môi trường Stavros Dimas cảnh báo: Các vị lãnh đạo phải quyết định về vấn đề tài chính, bởi vì nếu không có tiền trên bàn đàm phán thì các cuộc thương lượng tại Copenhagen sẽ không đạt kết quả. Theo ông, hội nghị Copenhagen sẽ khó đạt được một thỏa thuận hoàn chỉnh mà có lẽ chỉ đạt được một thỏa thuận khung về mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân làm tăng nhiệt độ trên Trái đất.