Thành phố xanh

Trong nước - Ngày đăng : 09:36, 20/11/2009

Hiệu ứng “gia tăng nhiệt đô thị” là hệ quả từ việc sử dụng năng lượng trong việc vận hành một thành phố với các hệ thống điều hoà, động cơ của các loại phương tiện giao thông,
Thành phố xanh

Những thành phố đang và sẽ thay đổi như thế nào trước sự biến đổi khí hậu?

Những thay đổi này sẽ thể hiện rất rõ nét tại các trung tâm đô thị được thể hiện qua những ví dụ dưới đây:

- Hiệu ứng “gia tăng nhiệt đô thị” là hệ quả từ việc sử dụng năng lượng trong việc vận hành một thành phố với các hệ thống điều hoà, động cơ của các loại phương tiện giao thông, các nhà máy cho đến các thiết bị sử dụng điện thông thường như máy tính, đèn chiếu sáng.

- Khi mà nhiều trung tâm đô thị lớn trên thế giới nằm cạnh bờ biển, thì sự dâng cao của mực nước biển sẽ là một sự đe doạ lớn và trực tiếp lên toàn bộ sinh hoạt, sản xuất của đô thị.

Các đô thị trên thế giới tiêu thụ 75% nhu cầu năng lượng toàn cầu và sản sinh ra gần 80% các khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, cũng chính các đô thị này sẽ có thể làm những điều gì đó góp phần giảm thiểu những con số đáng báo động này.

Ngày hôm qua, những đô thị của thế kỷ 20 đã thay thế người đi bộ và đẩy lùi thiên nhiên nhằm thế chỗ bằng các phương tiện giao thông như xe hơi. Ngày hôm nay, để chống chọi lại với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, và cũng để tái tạo lại các đô thị sạch, các đô thị cần phải đưa người đi bộ và thiên nhiên về đúng vị trí ưu tiên vốn có.

Tất cả các siêu đô thị lớn trên thế giới đang xây dựng và thực hiện nhiều đề án nhằm giảm thiểu việc sử dụng của xe hơi cũng như những hệ quả của nó gây ra cho khí hậu trái đất và cho sức khoẻ con người: khu phố đi bộ tại New York, trạm thu phí đô thị tại London, 40.000 xe đạp phục vụ miễn phí tại Paris, Le Velib. Đây chính là những ví dụ điển hình để minh hoạ cho nỗ lực của các nhà điều hành đô thị trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh những hành động của chính quyền, các doanh nghiệp các nhà công nghiệp cũng tham gia vào những chuyển hoá này thông qua việc nhìn nhận những ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu lên các hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình. Tất cả những hành động này đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của các đô thị mà chúng ta đang sống.

Trong những bài viết trước chúng ta đã đề cập đến những cải tiến trong các lĩnh vực công nghiệp xanh. Lần này, chúng ta lại lấy một ví dụ khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đây là trường hợp của Walk Score. Walk Score –một phần mềm tương tác với Google Map để xác định bất cứ vị trí nào trên trái đất cùng với các khả năng tiếp cận vị trí này bằng đi bộ từ các tiện ích, dịch vụ khác trong đô thị. Thoạt nhìn, ứng dụng này mang khía cạnh thông tin đơn thuần.

Tuy nhiên, các văn phòng môi giới bất động sản đang sử dụng công cụ này để quảng bá về các sản phẩm bất động sản của mình để cho thuê hoặc bán. Và điều này sẽ đem đến cho chúng ta những gì khi mà nhiều khả năng một khi ứng dụng này được phổ biến thì sẽ tác động lên diện mạo mà đô thị chúng ta đang sống. Kết quả có thể hình dung là việc hình thành nhiều khu đô thị mật độ cư dân cao với các không gian dành cho người đi bộ và cho phép tiếp cận nhiều loại hình dịch vụ và tiện ích của đô thị mà không cần sử dụng đến các phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Đô thị tại Việt Nam đang ở trong một giai đoạn ghi nhận nhiều thay đổi lớn, chính sự thay đổi này cho phép những đô thị Việt Nam có đầy đủ các khả năng để đem đến cho thế giới nhiều giải pháp mới, sáng tạo. Những sản phẩm mới không chỉ liên quan đến lĩnh vực lưu thông và các giải pháp về không gian dành cho người đi bộ mà còn những lĩnh vực khác liên quan đến mối liên hệ với thiên nhiên.
Thế kỷ 20, thiên nhiên đã từng được xem như một nhân tố cản trở đến việc phát triển và xây dựng các đô thị. Thế kỷ 21, cây xanh, nước, mặt trời, hệ động thực vật sẽ là nhân tố cơ bản cho việc xây dựng các thành phố tương lai.

Và khi một người nước ngoài đi trên đường phố và các khu đô thị tại Việt Nam, anh ta thật sự ngỡ ngàng trước một “tự nhiên” rất linh hoạt: công viên, các vườn ươm, sông suối, chiếm những vị trí quan trọng. Một nền văn hoá với sự hiện diện rõ nét của các yếu tố tự nhiên không chỉ trong cấu trúc của một đô thị truyền thống mà còn tham gia vào việc kiến tạo các thành phố hiện đại. Đây chính là những thế mạnh cho phép đem đến những hệ quả tích cực trong việc chuyển đổi từ một xã hội công nghiệp sang một xã hội được xây dựng trên kỹ nghệ xanh.

Do đó những đô thị tại Việt Nam không chỉ là nơi ứng dụng những giải pháp tiến bộ của văn minh nhân loại đối mặt với sự biến đổi khí hậu, mà đây còn là nơi sản sinh ra những “giá trị xanh” góp phần kiến tạo những thành phố xanh đặc trưng của Việt Nam thông qua những sáng tạo bản địa mang giá trị toàn cầu.

Nguồn SGTT