Những cuộc thôn tính kiểu mới

Bình luận - Ngày đăng : 00:13, 27/11/2009

Hơn 40 triệu ha đất của nhiều nước đã được bán lại cho nhiều quốc gia theo các hợp đồng thuê mua phức tạp. Đó là những hợp đồng “hai bên cùng có lợi” hay những cuộc thôn tính đất kiểu mới?
Những cuộc thôn tính kiểu mới

Hơn 40 triệu ha đất của nhiều nước đã được bán lại cho nhiều quốc gia theo các hợp đồng thuê mua phức tạp. Đó là những hợp đồng “hai bên cùng có lợi” hay những cuộc thôn tính đất kiểu mới mà người dân bản địa bị mất đất ngay trên quê hương mình?

Mua đất - những thương vụ quốc gia

Tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nhiều tổ chức phi chính phủ đã tố cáo các tập đoàn đa quốc gia chiếm đất của nông dân tại các nước nghèo. Trong khi đó, tố cáo cũng chỉ trích chính sách của FAO đã ủng hộ các tập đoàn đa quốc gia chiếm đất đai của những tiểu nông ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Chính Tổng giám đốc FAO, ông Jacques Diouf đã từng tuyên bố, lĩnh vực tư nhân là “một đối tác chủ chốt để đối phó trước vấn đề sản xuất lương thực” không những về mặt đầu tư mà cả về mặt kiến thức và tính chuyên nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cho chính sách thuê mua đất nông nghiệp ở châu Phi

Theo thống kê, đã có hơn 100 tỷ USD đã được chỉ cho việc mua 40 triệu ha đất canh tác trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia đã gây sức ép để mua đất canh tác của các nước nghèo và xem đó là chiến lược mới để bảo đảm lương thực mà không phải thông qua hệ thống mậu dịch quốc tế. Từ năm 2007 đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã tung ra 1,5 tỷ USD để mua đất canh tác tại nhiều nước với mục tiêu chính là cung cấp những mặt hàng mà Trung Quốc không sản xuất đủ để cung ứng nhu cầu nội địa như gạo, đậu nành hay bắp.

Đến nay, hơn 40 tập đoàn nông nghiệp của Trung Quốc đã chen chân vào hơn 30 quốc gia. Trung Quốc phải xúc tiến mở rộng các chương trình thuê đất vì nước này chỉ có 9% đất trồng trọt, mà lại phải nuôi đến hơn 20% dân số và phải giải quyết vấn đề việc làm cho 40% nông dân trên toàn thế giới.

Theo tổ chức phi chính phủ GRAIN, sau khi giá thực phẩm leo thang vào hồi tháng ba năm ngoái, Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách ngoại giao để tìm kiếm những nông trại mới ở nước ngoài, đặc biệt là ở Brazil, Campuchia, Sudan... Bắc Kinh đã mua lại hơn 80 ngàn hecta đất tại Nga với giá chưa đầy 22 triệu USD. Trên thực tế từ lâu nay, Bắc Kinh đã coi nhiều vùng đất sát biên giới hai nước là “một tỉnh miền Bắc” của Trung Quốc.

Tại châu Á, từ năm 2000, nhiều tập đoàn nông nghiệp của Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều chương trình hợp tác tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar, Campuchia. Tại châu Phi, nhiều tập đoàn nông nghiệp Trung Quốc đã coi Mozambique, Zambie là “sân nhà” và Bắc Kinh đang có kế hoạch đưa khoảng 100 triệu nhân công, từ nông dân đến các nhà nghiên cứu Trung Quốc sang châu lục này.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mượn đất ở nơi khác. Hàn Quốc đã mua lại đất của Argentina để chăn nuôi. Nhật Bản quan tâm đến đến Ai Cập, nguồn ung cấp dầu thực vật và đường quý giá. Ấn Độ nhòm ngó đến vựa dầu cọ của Malaysia. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực (Institute for Food Policy Reseach) trụ sở tại Washington, tính từ năm 2006 đã có khoảng từ 15 đến 20 triệu ha đất canh tác của các nước nghèo đã được các công ty nước ngoài mua lại.

Trao “nồi cơm” cho người khác

Theo nhận xét của nhà nông học Marc Dufumier thuộc Trường Nông học Paris AgroParisTech, các hình thức thuê mua đất trồng trọt của các nước nghèo đã có từ lâu nay. Nhưng đó thường là các khoản hợp đồng dài hạn có hiệu lực trong vòng 99 năm và các vụ thuê mua đó liên quan đến những phần đất rộng không quá một chục ngàn ha. Đối với những người ủng hộ các dự án thuê mua đất của những nước chậm phát triển thì đây là một tính toán khôn ngoan mà đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, với những hợp đồng mua đất mới đây, giáo sư Hubert Cochet, Trường Nông học Paris AgroParisTech nghi ngờ về hứa hẹn mang lại công việc cho nông dân của các nước nghèo. Trước hết, giới đầu tư, cho dù là chính phủ hay tư nhân, đều nhắm vào các phần đất mầu mỡ nhất và đấy là những vùng đất đông dân cư.

Hậu quả trước tiên là nông dân sống tại đây bị đuổi đi hoặc bị dời đi nơi khác. Trường hợp một quốc gia mang cả nông dân đến định cư tại một vùng đất mới mua lại thì tình trạng còn tệ hại hơn rất nhiều. Có thể coi đấy là một hình thức “đô hộ kiểu mới”, không mang lại một chút lợi lộc nào cho người dân địa phương.

Nhiều chính phủ đem đất đi bán hay cho thuê cho rằng đây là giải pháp hay nhất để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi vì thực tế cho thấy, tính đa dạng của mô hình nông nghiệp truyền thống cũng như sự cần mẫn của nông dân là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, với điều kiện là nông dân cần được giúp đỡ để có phương tiện sản xuất.

Có hơn 1 tỷ người đang thiếu ăn trên thế giới và nạn đói phát triển theo tốc độ phi mã ở những vùng đất nghèo nhất. Phần lớn những người đói ăn là dân khu vực châu Á - Thái bình dương (642 triệu người), tiếp theo là vùng phía Nam châu Phi (265 triệu người). Nạn hạn hán đang thiêu đốt các thảo nguyên, giết hại gia súc, người nông dân đã nghèo càng nghèo thêm và một cộng đồng cư dân trên vùng đất này đang đi dần vào con đường của thần chết.

Nói đến nạn đói thường trực ở nhiều nước châu Phi, giáo sư nông học Võ Tòng Xuân đã phân tích: Châu Phi cần cải thiện phương pháp canh tác, học tập kinh nghiệm trồng lúa của châu Á, khuyến khích nông dân tự lực cánh sinh. Về mặt chính sách, chính phủ các nước này nên cảnh giác trong việc cho nước ngoài thuê đất canh tác, không nên vì cái lợi trước mắt mà để cả dân tộc sống mãi trong cảnh khốn cùng.

Đối với các quốc gia mang đất đi bán hay ít ra là cho thuê, ngoài đe dọa về an ninh lương thực khi trao cả vựa lúa cho nước ngoài, còn đặt ra vấn đề chủ quyền quốc gia. Ngày càng có nhiều tiếng nói ở Nga cũng như Kazakhstan chỉ trích chính quyền mang những mảnh đất của tổ tiên để lại bán cho Trung Quốc để tự biến mình thành một thuộc địa của Bắc Kinh. Trong khi đó, mới đây, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ký sắc lệnh cấm mọi hình thức cho thuê, mua bán đất liên quan tới nước ngoài.

LAM HỒNG (tổng hợp)