Tám ngày và bảy đêm ở bốn nước
Luyện tập - Ngày đăng : 05:53, 30/11/2009
![]() |
Xa mà gần, quen mà lạ, thuận mà nghịch… là những cảm nhận của du khách trong hành trình du lịch đường bộ dài 2.550km, từ Vinh qua Vientiane (Lào) xuống Bangkok (Thái Lan), Xiêm Riệp (Campuchia) và về đến cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam.
![]() |
Chùa Phật vàng ở Bangkok |
Chuyến bay đi Vinh lúc sáu giờ sáng chỉ rời đường băng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi kim đồng hồ đã chỉ chín giờ. Lúc ấy, đối với khoảng 150 hành khách, sự bực tức là hành lý buộc phải mang theo khi cất cánh bay trên một chiếc Airbus A321 của Vietnam Airlines. Nhưng khi máy bay hạ độ cao, từ từ tiếp cận đường băng sân bay Vinh, mọi người mới hiểu việc khởi hành trễ có lý do rất chính đáng.
Các tầng mây dày đặc, đen kịt đã hạ xuống rất thấp bao phủ sân bay. Khi càng máy bay chạm mặt đường băng thì mưa tuôn xối xả. Hai động cơ phản lực đã được cho quay ngược chiều, các cánh cản lực được bật lên nhưng con chim sắt vẫn cứ lao nhanh trên đường băng trơn ướt. Cuối cùng, nó cũng giảm tốc độ, thân tàu hết rung lên bần bật để rồi dừng lại. “Cơ trưởng này lái giỏi”, tiếng một hành khách cất lên. Từng hành khách ra khỏi máy bay, vào nhà ga hàng không với dù che mưa bung rộng và những bước chân hối hả. Hành trình đường bộ dài 2.550km thăm ba nước Đông Dương và Thái Lan do Công ty Du lịch Bến Thành Tourist tổ chức đã khởi đầu như thế. Ra đi trong ấm ức nhưng đến nơi trong cơn mưa làm dịu mát thiên nhiên lẫn lòng người, dấu hiệu của một cuộc đi xa thú vị!
Dùng điểm tâm buffet trong khách sạn Phương Đông ở TP Vinh (Nghệ An), đoàn 20 khách gồm người Việt trong nước và người Việt hải ngoại thú vị phát hiện các món ăn đem lại chút hoài cảm thời ăn độn hơn một phần tư thế kỷ trước. Đó là khoai lang, khoai mì, bánh lá, bánh chuối và xôi đậu phộng. Muốn thưởng thức hải sản tươi sống, khách đến bãi biển Cửa Lò, tha hồ chọn mua mực ống dày thịt kiểu như bánh mì đặc ruột. Hướng dẫn viên Nguyễn Trần Danh, một chàng trai địa phương có duyên kể chuyện tiếu lâm cho biết tên loại mực này là mực xôi, và dặn du khách đừng quên thưởng thức món thịt dê nướng chấm với tương Bần, hai đặc sản nổi tiếng nhất của miền đất này.
![]() |
Công viên Xiengkuane ở gần Vientiane |
Trên quốc lộ 8A, nay được mọi tay lái quen gọi là quốc lộ 8, nằm ở bên trái, cách cửa khẩu Cầu Treo khoảng sáu cây số, du khách bất ngờ phát hiện một cái miếu nhỏ nằm khuất trong các bụi cỏ voi cao quá đầu người. Thì ra đó là cột mốc biên giới được dựng lên từ thời Vua Gia Long. Tại cửa khẩu Cầu Treo, mọi người lo đổi tiền Việt, tiền đô sang tiền Kip của Lào hoặc tiền Baht của Thái, sẵn sàng cho việc mua sắm ở đất nước triệu voi và sau đó là đất nước của những nụ cười. Ở bên phần đất Lào, cửa khẩu này mang tên Trạm kiểm soát quốc tế Namprao (đọc theo tiếng Việt là Nặm Pao).
Lào là một đất nước bốn bề được bao bọc bởi đất liền của các nước láng giềng, 47% diện tích là rừng nên du khách không hy vọng thấy có tôm tươi trong món canh chua Lào (rất giống món tom yang gum trong ẩm thực Thái Lan). Ngược lại trong ẩm thực Lào có nhiều loại cá tươi đánh bắt từ sông, từ suối nấu canh chua, chiên giòn, chiên chua ngọt ăn rất ngon. Trong suốt thời gian tham quan thủ đô Viêng Chăn (Vientiane, trước đây người Việt gọi là Vạn Tường, đọc trại từ Vạn Tượng vì có nhiều voi), du khách tìm đỏ mắt cũng không thấy bóng dáng con voi nào, ngoại trừ những chú voi nhỏ làm bằng bạc, đồng, gỗ bán trong chợ Sáng (Morning market) được giới thiệu là chợ tạp hóa lớn nhất ở đây, chủ đầu tư là một người Việt.
Có khá nhiều điểm tương đồng ở ba nước Lào, Thái và Campuchia. Phật giáo tiểu thừa là tôn giáo chính ở cả ba quốc gia. Nếu như Bangkok có nhiều ngôi chùa lớn nổi tiếng, như chùa Phật vàng, chùa Phật ngọc, thì Vientiane cũng có chùa Sisaket là nơi cất giữ tổng cộng 10.136 tượng Phật lớn, nhỏ. Ngoài ra, cách thủ đô Lào khoảng 25km là Công viên bãi Phật Xiengkuane với hàng trăm tượng Phật. Còn ở Campuchia, không ngôi làng, thị trấn nào mà không có chùa. Chùa lớn là dấu chỉ kinh tế địa phương phát triển sầm uất. “Sabaidi” là tiếng chào của người Lào, còn “Sawasdee” là tiếng chào của người Thái. Ở vùng nông thôn, hầu như mọi phụ nữ Lào vẫn còn mặc váy như phụ nữ ở Thái và phụ nữ ở Campuchia. Gà nướng ăn với xôi nếp trắng được bày bán ở trước đền That Luong (Thạt Luổng, có nghĩa là tháp lớn) không khác gì so với gà và xôi bày bán ở gần cửa khẩu Nongkhai (Nông Khai) trên đường về Bangkok cách đó 560km, hay ở chợ Puok nằm ven đường quốc lộ nối liền cửa khẩu Poipet với thành phố du lịch Xiêm Riệp. Nhà nông Lào cũng như nhà nông Campuchia, bất kể thời tiết tốt hay xấu, chỉ trồng một vụ lúa mỗi năm.
Trên quốc lộ số sáu từ Xiêm Riệp về Phnom Penh (316km), có rất nhiều biển cảnh báo có bò, heo qua đường, nhiều hơn số biển cảnh báo học trò qua đường.
![]() |
Gà nướng bán trước cổng chùa ở Vientiane |
Xiêm Riệp hiện là điểm đến của nhiều du khách Việt Nam, nên tiếng Việt trở nên một thứ sinh lãi. Những người biết nói, nghe và hiểu tiếng Việt có cơ hội đáp ứng nhu cầu mua đường thốt nốt, cá Biển Hồ phơi khô và lạp xưởng Xiêm Riệp của du khách Việt.
Còn người Việt khi đến với thành phố có khu đền cổ Angkor, một trong bảy kỳ quan thế giới, thì thích thú cảm thấy mình như vẫn còn ở quê nhà khi được dùng bữa trưa với món canh chua nấu cá, cà chua, dứa và rau thơm. “Người Xiêm Riệp gọi món canh này là canh chua Việt Nam, vì được bộ đội Việt Nam chỉ cho cách nấu. Đổi lại người Campuchia truyền cho bộ đội Việt thói quen ăn mắm bò hóc và mắm amok làm với cá lóc”, hướng dẫn viên cho biết. Thời toàn cầu hóa, nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc đã bị “hòa tan” vào nhau. Bây giờ, món lẩu suki yuki phổ biến ở cả ba nước Đông Dương và Thái Lan, còn món hủ tíu Nam Vang được phục vụ trong nhà hàng Amazon Angkor với 400 chỗ ngồi, cũng như trong rất nhiều khách sạn mới xây và đều có tên là Angkor ở Xiêm Riệp.
Đi du lịch đường dài 2.550km qua ba xứ lạ quê người, nhưng nhờ vẫn có những món ăn quen thuộc nên cả đến một du khách là cụ ông đã gần 80 tuổi vẫn thích thú hưởng thụ tất cả, và khỏe mạnh khi về đến cửa khẩu Bavet (bên phần đất Campuchia) - Mộc Bài (bên phần đất Việt). Chỉ có một thứ ông cụ và mọi thành viên trong đoàn không thử, đó là thử vận đen đỏ trong chín casino ở sát cửa khẩu Bavet. Có lẽ mọi người đều nhớ những hàng chữ ghi trên tấm bảng to dựng ở cửa khẩu Aranyaprathet bên phần đất Thái Lan, rằng: “Chính phủ Thái Lan không chịu trách nhiệm về tính mạng và tài sản của bất kỳ công dân Thái nào sang Campuchia chơi bài”.