Lường trước việc “vùng tay quá trán”
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:38, 03/12/2009
![]() |
Thẻ tín dụng đã không còn xa lạ đối với đa số người dân, nhưng thực tế cho thấy, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ... đang tiềm ẩn nguy cơ đẩy chủ thẻ vào vòng luẩn quẩn của những khoản nợ, và rất nhiều bất ổn phát sinh trong hệ thống ngân hàng (NH).
Dễ dãi xài trước, trả sau
Văn Việt Đức, giám đốc một công ty kinh doanh vận tải khoe anh có 34 thẻ ATM, trong đó có đến 5 thẻ tín dụng của 5 NH khác nhau. Anh Đức kể, với một việc làm ổn định và mức lương kha khá, anh trở thành đối tượng của các NH trong mục tiêu phát hành thẻ tín dụng. Theo đó, anh có thể nợ mỗi NH tối đa 50 triệu đồng/tháng, nếu trả nợ trong 45 ngày thì không phải trả lãi.
![]() |
Phát hành thẻ tín dụng quá dễ dãi tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng |
Trường hợp khác, Lan Hương, 27 tuổi, với thu nhập khá cao của một nhân viên phân tích tài chính, Lan Hương vạch ra một kế hoạch lớn trước khi lập gia đình. Chị mạnh tay mua sắm một số vật dụng đắt tiền như xe hơi, căn hộ... bằng thẻ tín dụng của 4 NH mà chị đã mở tài khoản tín dụng. Thậm chí, để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm, các trung tâm thẻ còn tăng cường liên kết với doanh nghiệp, trung tâm thương mại. Chẳng hạn, trung tâm mua sắm Parkson vừa tung ra một chương trình hấp dẫn là “Dùng thẻ MasterCard và thỏa sức mua sắm tại Parkson”...
Có thể nói, đây là xu hướng chung của giới trẻ hiện nay, bởi điều kiện và thủ tục làm thẻ tín dụng khá dễ dàng. Chỉ cần chứng minh thu nhập hằng tháng đủ điều kiện, thanh toán một số nhỏ trong khoản nợ, chủ thẻ sẽ tiếp tục được chi tiêu thoải mái. “Nguồn lợi tức chính của nhiều NH không phải là cho các công ty lớn vay mượn hàng trăm triệu, mà là tiền lời và lệ phí thu được từ các thẻ tín dụng. Do vậy, hiện nay các NH khá dễ dãi trong việc phát hành thẻ”, TS. Lê Thẩm Dương, Trường ĐH Ngân hàng tại TP.HCM nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc NH Đông Á (DongA Bank) cho biết, từ năm 2003 đến nay, việc phát hành thẻ ATM và thẻ tín dụng quốc tế của DongA Bank mỗi năm tăng gấp ba lần. Mảng dịch vụ này được NH rất quan tâm phát triển, hình thành một bộ phận chuyên trách để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm. Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc NH Techcombank, NH này cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ một mặt nhằm mang đến sự tiện lợi và khả năng tiếp cận cao cho khách hàng; mặt khác sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới.
Rủi ro bóc ngắn, cắn dài
Có thể nói, với lợi thế không cần thế chấp, không cần phải dè sẻn mà vẫn có thể mua nhà, mua xe, đồ đạc đắt tiền, đi du lịch..., thẻ tín dụng đã thu hút khá nhiều người tham gia. Các NHTM đều khẳng định mình có nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro, và nghiệp vụ này có tính thông lệ quốc tế. Theo đó, để được mượn trước tiền tiêu xài, khách hàng phải chứng minh được mức lương và thu nhập theo lương ổn định hằng tháng, dựa trên tài sản đảm bảo tiền vay là cầm cố sổ tiết kiệm, cổ phiếu hay chứng từ có giá khác.
Có đủ các điều kiện này, khách hàng sẽ được NH cấp cho một hạn mức thấu chi trên tài khoản, hay hạn mức chi tiêu theo từng loại thẻ tín dụng, có thể từ 20 - 250 triệu đồng. Trên cơ sở đó, chủ thẻ tín dụng hay chủ tài khoản thấu chi được phép thanh toán vượt quá số dư trên tài khoản (nhưng phải trong hạn mức) với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất vay tiêu dùng; đến hết tháng thì phải trả nợ NH, sau đó tiếp tục được chi tiêu.
Tuy nhiên, với dạng cho vay này, NH sẽ chỉ an toàn nếu khách hàng có một công việc thực sự ổn định, và chỉ sử dụng một dịch vụ mượn nợ của một NH.
Trước các bài học “vỡ nợ thẻ tín dụng” tại Hàn Quốc, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác, nhiều chuyên gia tài chính băn khoăn, việc quá dễ dãi trong việc phát hành thẻ tín dụng tiềm ẩn mối họa đối với các NH trong nước. Lo ngại này có cơ sở, bởi ngay cả TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cũng khuyến nghị NHNN cần tăng cường năng lực để thanh tra các NH, bảo đảm các NH phải ước tính đúng và báo cáo thỏa đáng các rủi ro tín dụng đối với các khoản cho vay.
Còn theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc NH Sacombank cho biết, hiện thẻ credit có hai loại: Tín chấp (không cần ký quỹ, NH sẽ xem xét cấp hạn mức thẻ dựa trên uy tín, thu nhập) và Thế chấp (phải đóng tiền quỹ đảm bảo với lãi suất thấp và không được rút ra khi vẫn còn sử dụng). Ngoài ra, để kiểm soát rủi ro, các NH phát hành thêm thẻ debit kết hợp thẻ ATM. Hình thức này khá linh động và phù hợp cho đại đa số người dùng Việt Nam bởi tính linh động của nó.
Đến nay, phần lớn các NH đều nói rằng, các dịch vụ mà NH cung cấp là một trong những kế hoạch quản lý nợ (DMP). Việc quản lý rủi ro chủ yếu do cách sử dụng thẻ hơn là loại thẻ. Thêm một hạn chế nữa là trên 50% người dùng thẻ cũng không hiểu rõ cách tính lãi suất phạt của NH, chỉ đến khi thấy cao quá mới giật mình vì đa số tính theo lãi gộp ngày. Do vậy, người dùng cần cân nhắc và hiểu rõ chi phí, thời gian ân hạn nợ, và cách phạt lãi suất của từng ngân hàng.
Có thể nói, thị trường thẻ tín dụng, khủng hoảng kinh tế là con đường hai chiều. Khó khăn đối với người sử dụng, nhưng lại là thuận lợi cho các tổ chức phát hành thẻ và thị trường phái sinh dựa trên nợ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên giống như các sản phẩm phái sinh khác, với mức rủi ro không thể kiểm soát, thị trường này sẽ có điểm kết thúc.