T + mấy?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:39, 03/12/2009

Tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu từ 1/12, tất cả các công ty chứng khoán phải chấm dứt cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4, hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán.
T + mấy?

Tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản yêu cầu từ 1/12, tất cả các công ty chứng khoán (CTCK) phải chấm dứt cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4, hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

Theo UBCKNN, yêu cầu trên nhằm đảm bảo tính công bằng, công khai trong hoạt động kinh doanh của các CTCK. Tuy nhiên, không chỉ các CTCK, nhà đầu tư (NĐT) mà cả UBCKNN, các chuyên gia đều nhận thấy T+4 ngày càng không thích hợp với thị trường chứng khoán

Ảnh: Quý Hòa

Hiện nay, phải sau bốn ngày mua hoặc bán chứng khoán, NĐT mới có tiền hoặc chứng khoán về tài khoản để được phép giao dịch. Theo Trung tâm Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSD), vào ngày giao dịch T+0, VSD nhận kết quả kinh doanh từ hai Sở GDCK. Dựa trên kết quả này, VSD in báo cáo, rồi chuyển cho các thành viên lưu ký của CTCK để sao khớp. Thành viên lưu ký phải kiểm tra đối chiếu, xác minh chính xác giao dịch và xác nhận với VSD chậm nhất vào ngày T+2. Dựa vào đó, VSD xác nhận với các thành viên ngày T+2.

Ngày T+3, VSD kiểm tra tiền, xác định số chứng khoán trên tài khoản thành viên, có biện pháp khắc phục nếu thành viên để xảy ra tình trạng thiếu tiền, chứng khoán, và hoàn tất giao dịch vào 15 giờ ngày T+3. Như vậy, nhanh nhất đến sáng ngày T+4, cổ phiếu mới về tài khoản và NĐT mới được đặt lệnh bán.

Phương pháp “thủ công” này đã bị các thành viên tham gia thị trường đề nghị thay đổi do những bất tiện của nó, nhưng đến nay VSD vẫn chưa đáp ứng. Theo bà Phương Hoàng Lan Hương - Tổng giám đốc VSD, muốn cải thiện tình trạng kéo dài thời gian trên, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ của VSD, còn phụ thuộc vào khả năng kết nối trực tuyến giữa VSD, hai sở giao dịch và các CTCK. Trong khi đó các CTCK và những NĐT VIP đã tìm cách khác.

Thị trường chứng khoán biến động từng phút, nhiều trường hợp thắng hay thua chỉ quyết định trong vài giây, cho nên T+4 bị xem “dài như thế kỷ”. Lợi dụng việc VSD không quản lý chi tiết từng tài khoản của NĐT, mà chỉ quản lý tài khoản tổng thể gồm chứng khoán và tiền mặt thuộc sở hữu của toàn bộ NĐT mở tài khoản tại các CTCK, nhiều CTCK đã cho khách hàng mua - bán chứng khoán ngay trong phiên, mua rồi bán vào ngày T+1, T+2, T+3.

Nhưng thường thì chỉ có khách VIP hoặc các NĐT mua - bán lô lớn (từ 5.000CP trở lên) mới được ưu đãi này. Họ còn được CTCK ứng tiền trước, thậm chí ngay sau khi bán, để mua tiếp chứng khoán hoặc rút ra dùng vào việc khác. Điều này có thể đưa đến tình trạng thao túng thị trường của các NĐT VIP, trong khi NĐT nhỏ lẻ phải tuân thủ chu kỳ T+4 chịu thiệt thòi hơn.

Nhiều tháng qua, tình trạng trên đã khiến thị trường chứng khoán “nóng” quá mức và gây bất bình đẳng giữa các NĐT. UBCKNN cũng chưa có cách nào quản tốt hơn, nên cấm! Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, chính việc kéo dài T+ và quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng này, và việc rút ngắn T+ đang là đòi hỏi cấp bách của thị trường chứng khoán VN.

TS. Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá, hình thức tạm ứng tiền và chứng khoán chưa mang lại độ mạo hiểm nào cho cả người môi giới và NĐT, bởi các CTCK đều nắm đằng chuôi. Chỉ có điều, cách làm hiện nay của nhiều CTCK là không tạo nên sự bình đẳng, công bằng giữa các NĐT mà thôi, nhưng không vì vậy mà không thu hẹp ngày T+.

TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia phân tích: "Thị trường chứng khoán đã vận hành gần 10 năm mà thời gian thanh toán vẫn là T+3. Các NĐT đều có nhu cầu rút ngắn thời gian thanh toán để có thể quay vòng vốn nhanh hơn, thị trường có thêm tính thanh khoản”. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc rút ngắn phương thức thanh toán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường.

Nó sẽ tạo cho tiền quay vòng nhanh hơn, các CTCK thu được nhiều tiền môi giới hơn, lượng tiền trung bình luân chuyển trên thị trường nhiều làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn NĐT đến các sàn giao dịch, thị trường sẽ trở nên sôi động hơn, tạo tính thanh khoản cho các cổ phiếu. Tổ chức Quốc tế Các ủy ban Chứng khoán (IOSCO) và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng khuyến nghị thời gian thanh toán càng được rút ngắn càng tốt, và chỉ nên tối đa là T+3. Nhưng tại VN, NĐT còn phải chờ đến bao giờ, khi việc này cứ “khẩn trương” hết năm này qua năm khác?

BÌNH AN