Khủng hoảng trên Khủng hoảng?
Bình luận - Ngày đăng : 06:34, 03/12/2009
![]() |
Tập đoàn địa ốc quốc gia hàng đầu Dubai World các tiểu Vương Quốc Ả rập thống nhất - UAE giàu có không còn khả năng thanh toán nợ đúng kỳ và phải đề nghị khất món nợ 59 tỷ USD. Bóng đen của vụ vỡ nợ lơ lửng này được đánh giá còn nghiêm trọng hơn cả vụ sụp đổ của Lehman Brother đã kéo cả thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính chưa có hồi kết.
Dư chấn vùng Vịnh
Thông tin Dubai World khất nợ lan như dầu gặp lửa, tràn ngập trên mọi mặt báo và kênh truyền hình qua các hàng tựa: Gần kề phá sản, Dubai làm điên đảo các thị trường chứng khoán; Dubai làm rung chuyển hành tinh tài chính. Làn sóng chấn động sau tin Dubai đề nghị triển hạn việc trả nợ đang lan truyền hôm qua với tốc độ của sấm sét, không chỉ ở vùng Vịnh mà ra cả thể giới. Các thị trường chứng khoán từ châu Âu đến châu Á sụt giảm mạnh.
![]() |
Dbai Word đã lún sâu vào cuộc khủng hoảng địa ốc |
Dubai World, tập đoàn đầu tư nhà nước được điều hành bởi Sheikh Mohammed Bin Rashid Al-Maktoum, là trung tâm của nền kinh tế Dubai. Tập đoàn này vay tiền từ hơn 70 ngân hàng (NH) trên khắp thế giới để đầu tư và mua cổ phần tại công ty chuyên kinh doanh dịch vụ cờ bạc MGM Mirage, NH Standard Chartered hay NH Istithmar PJSC. Dubai World trong thời kỳ xây dựng và bất động sản nước này phát triển bùng nổ, đã vay 80 tỷ USD để phát triển Dubai thành trung tâm du lịch và tài chính khu vực. Vì vậy, giới tài chính lo ngại rằng, cũng như vụ sụp đổ của Lehman Brothers, Dubai World cũng sẽ giật dây kéo các tập đoàn tài chính khác, và tác hại đối với các NH, trước mắt là ở châu Âu, sẽ khá nghiêm trọng.
Cho đến nay, Dubai là biểu tượng của đồng tiền dễ dàng nhưng không phải nhờ dầu hỏa mà nhờ vào điạ ốc và tài chính: Dubai là nhà đầu tư số một ở Tunisie, có nhiều đề án vùng Bắc Phi, nắm cổ phần trong nhiều tập đoàn lớn ở châu Á, như Sony, ở Hoa Kỳ, ở Nga. Dubai cũng đầu tư vào châu Âu, như vào Tập đoàn hàng không - không gian EADS.
Tính đến tháng 8/2009, Dubai World có tổng số nợ 59 tỷ USD, chiếm phần lớn tổng nợ 80 tỷ USD của tiểu quốc Dubai. Nhiều nhà đầu tư e ngại, nếu Dubai quyết định bán lại những cổ phần của mình để trả nợ thì hậu quả trên các thị trường tài chính chứng khoán thật đáng quan ngại. Báo Libération, trích dẫn NH Thụy sĩ Crédit Suisse, đánh giá các NH châu Âu có nguy cơ bị thiệt hại hàng tỷ euro. Tờ báo liệt kê một số NH đã bắt đầu chịu hậu quả. Tại Pháp, dính đến món nợ của Dubai có BNP- Paribas, Société Générale, Crédit Agricole... Tờ báo cũng giải thích do đâu Dubai bị lâm vào tình trạng này: Dubai, một trong nhũng nơi hiếm hoi ở vùng Vịnh mà không có dầu hỏa, và đã đặt cược vào điạ ốc, du lịch, nhắm vào tầng lớp giàu có của thế giới.
Hiệu ứng domino toàn cầu?
Dubai đã thành công ngoạn mục từ hai thập niên nay, những công trình kiến trúc như các hòn đảo nhân tạo làm thế giới kinh ngạc. Cách đây một năm, Dubai vẫn được xem là một trong những trung tâm tài chính đáng tin cây nhất hành tinh, bây giờ thì đã trở nên một trong những nơi thiếu khả năng chi trả nhất.
Nhìn lại nguyên nhân, Dubai đã bị hậu quả khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Những lĩnh vực mà Dubai dựa vào, như địa ốc, tài chính, du lịch là những ngành bị tác hại nhiều nhất. Tính toán từ Deutsche Bank AG cho thấy, giá nhà đất tại Dubai giảm 50% so với đỉnh cao thiết lập năm 2008 nên nhiều công trình hiện nay đã phải bị bỏ dở vì thiếu tài chính.
Ở thời điểm cuối năm 2008, Dubai World có số nợ 59,3 tỷ USD và 99,6 tỷ USD tài sản. Tuy nhiên, ông Arnab Das, trưởng bộ phận phân tích và chiến lược thị trường tại Roubini Global Economics, nhận xét: “Vụ việc cho thấy dù NH trung ương các nước trên khắp thế giới đã cố gắng ổn định hệ thống tài chính, họ chưa thể giải quyết được tất cả các vấn đề”.
Khả năng Dubai World vỡ nợ, theo tính toán của CMA DataVision, là 35,82%. Việc Dubai cố gắng xin “khất nợ” khiến nhiều chuyên gia cho rằng có thể là yếu tố châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới khiến nhà đầu tư hoảng sợ, họ tìm đến các loại tài sản được cho là an toàn và xả đi các loại tài sản có độ rủi ro cao hơn. Mức thua lỗ tại các NH, tổ chức tài chính trên thế giới đã lên 1,7 nghìn tỷ USD từ năm 2007, khủng hoảng tín dụng khiến số tài sản do các tổ chức nắm giữ mất giá trị. Nếu Dubai vỡ nợ, một làn sóng vỡ nợ sẽ lan ra khắp khu vực khác của thế giới.
Liệu kịch bản Lehman Brothers có sẽ tái diễn? Đa số các nhà phân tích không tin điều đó. Theo họ, những khó khăn tài chính của Dubai sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới. Thứ nhất, sẽ không xảy ra hiệu ứng domino ở vùng Vịnh bởi lẽ các nước như Ả rập Xêút, Abou Dhabi và Qatar không bị những vấn đề về tín dụng như Dubai.
Hơn nữa, Abou Dhabi sẽ không bỏ rơi người láng giềng của mình, mà sẽ tung tiền để cứu vớt Dubai. Về mức thiệt hại đối với các NH lớn hiện chưa biết là bao nhiêu, nhưng chắc là chỉ vào khoảng vài chục tỷ USD, chủ yếu là thiệt hại đối với các NH vùng Vịnh, vốn tham gia rất nhiều vào dự án của Dubai World. Số tiền này chẳng thấm vào đầu so với con số hàng ngàn tỷ đôla mà các NH châu Âu và Mỹ phải gánh chịu do hậu quả của khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime và khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy đa số các nhà phân tích không thật sự lo ngại, nhưng tỏ ra thận trọng, chờ xem tình hình diễn tiến đến đâu. Theo họ, sự kiện Dubai World nhắc nhở mọi người rằng tình trạng sức khỏe của tài chính toàn cầu chưa trở lại bình thường. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo chính trị thì ra sức trấn an rằng nền kinh tế thế giới kể từ nay đã đủ vững chắc để chống đỡ với nguy cơ tương tự như nguy cơ vỡ nợ của Dubai. u Dư chấn từ vụ khủng hoảng nợ của Dubai World:
- Các NH của Anh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng nợ tại UAE, tổng số nợ NH Anh nắm giữ lên tới 49,5 tỷ USD.
- NH Hoàng gia Scotland (RBS) là đối tượng bảo lãnh các khoản vay cho Dubai World. Trong khi đó NH HSBC cũng có thể phải đương đầu với một số rủi ro tại UAE.
- NH RBS, NH lớn nhất thuộc sở hữu của Chính phủ Anh, đảm bảo 2,3 tỷ USD, tương đương 17% khoản vay của Dubai World từ tháng 1/2007.
- JP Morgan cho rằng NH HSBC, NH lớn nhất châu Âu, có thể hiện đang nắm khoản vay nhiều tỷ USD tại Dubai World. Khách hàng tại UAE nợ NH HSBC tới 15,9 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 6/2009. Tổng lượng tiền gửi của khách hàng thuộc UAE tại HSBC là 19,3 tỷ USD.
- Dù không có công việc kinh doanh liên quan trực tiếp tới Dubai, các tổ chức tài chính Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp. Theo chuyên gia thuộc JP Morgan, Citigroup có rủi ro lớn nhất nếu Dubai World vỡ nợ.