Đá tảng “Big Pharma”

Bình luận - Ngày đăng : 06:35, 03/12/2009

Sau 22 năm Ngày Thế giới phòng chống HIV - AIDS, liệu các tập đoàn dược phẩm sẽ chịu cắt bỏ lợi nhuận khổng lồ để chung tay với nhiều quốc gia đẩy lui căn bệnh xuyên thế kỷ?
Đá tảng “Big Pharma”

Sau 22 năm Ngày Thế giới phòng chống HIV - AIDS, liệu các tập đoàn dược phẩm sẽ chịu cắt bỏ lợi nhuận khổng lồ để chung tay với nhiều quốc gia đẩy lui căn bệnh xuyên thế kỷ?

Theo thống kê của Intercontinental Marketing Services (IMS) Health, thị trường dược phẩm thế giới hiện chiếm khoảng 800 tỷ USD. Khoảng 10 hãng dược phẩm khổng lồ trên thế giới, được gọi là Big Pharma, trong đó có 7 hãng chính được gọi là Big Pharma (Bayer, GlaxoSmithKline (GSK), Merck, Novartis, Pfizer, Roche, Sanofi-Aventis) đã kiểm soát một nửa thị trường này.

Những người biểu tình phản đối các hãng dược phẩm không hạ giá thuốc cho người nghèo

Những công ty dược dẫn đầu thu nhập năm 2008 là Novartis của Thụy Sỹ (53,324 tỷ USD), Pfizer của Hoa Kỳ (48,371 tỷ USD), sau đó là Bayer của Đức (44,200 tỷ USD). Lợi nhuận của các tập đoàn này cao hơn nhiều so với các tổ hợp khổng lồ về công nghiệp quân sự.

Các ông chủ hãng dược càng giàu bao nhiêu thì người nghèo cần thuốc càng khổ bấy nhiêu. Hiện tại, trung bình, người Mỹ tốn 200 triệu USD/năm tiền thuốc. Tính trung bình hằng năm, mỗi người già tại Mỹ phải chi 9.000USD tiền thuốc. Đó là con số không nhỏ đối với người cao tuổi lãnh lương hưu. Những DN sản xuất thuốc giải thích rằng tiền của người tiêu dùng bỏ ra là để đầu tư cho nghiên cứu thuốc mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân. Tuy nhiên, loại thuốc ra đời đã lâu, không cần đầu tư gì nữa, vẫn tăng giá. Nguyên nhân là lượng bán ra ít quá, cần tiền để duy trì máy móc sản xuất.

Theo thống kê của Intercontinental Marketing Services (IMS) Health, hơn 90% chi phí của các hãng dược phẩm lớn sử dụng trong việc bào chế ra một loại thuốc mới được dành để chăm sóc cho những căn bệnh nhà giàu, vốn chỉ chiếm 10% dân số toàn cầu.

Giá thành không phải là vướng mắc duy nhất mà nhiều người quan tâm hơn là 18 tháng dùng thuốc tốn 80.000USD nhưng chỉ có thể kéo dài tuổi thọ bệnh nhân thêm 1 tháng. Cụ thể, thuốc Avastin của hãng Genentech. Có khoảng 100.000 người Mỹ đang dùng Avastin. Năm 2007, loại thuốc này bán tại Mỹ đạt doanh số 2,3 tỷ USD và 3,5 tỷ USD trên toàn thế giới. Là thần dược cho bệnh nhân ung thư vú, phổi, ruột kết, Avastin rút túi mỗi người bệnh 100.000USD/năm. Nhưng hiệu quả của thuốc còn rất mập mờ: giúp bệnh nhân cầm cự thêm 1 tháng, và có lẽ sẽ giảm đau đớn, bớt kiệt sức...

Cũng như vậy, bệnh HIV/AIDS cũng không có thuốc chữa dứt hoàn toàn, chỉ có thuốc kéo dài sự sống. Quan trọng hơn, HIV lây từ người sang người, và đang hoành hành tại những quốc gia thế giới thứ ba, nơi hầu hết bệnh nhân không đủ tiền trang trải thuốc men. Hiện nay, toàn thế giới có khoảng 33 triệu người mắc bệnh HIV/AIDS. Trong đó, có khoảng 7 triệu bệnh nhân không được tiếp cận thuốc, mặc dù giá thuốc đã được các hãng dược hạ giá trong nhiều năm qua. Đa phần còn lại không đủ tiền mua thuốc chính hãng, mà chỉ có thể mua thuốc cùng gốc, sản xuất nhiều tại Ấn Độ với giá khoảng 700USD/năm, hy vọng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 590USD.

Để sản xuất thuốc hợp pháp cần phải có sự thay đổi trong luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện hành. Thời hạn độc quyền, bắt đầu tính từ khi dược phẩm được thương mại hóa, vào khoảng 15 năm. Tuy nhiên, luật bảo vệ hoạt chất phân tử nguyên bản của dược phẩm có thể kéo dài 20 năm. Sau thời hiệu kể trên, các hãng sản xuất dược phẩm khác (chủ yếu tại các nước như Brazil, Ấn Độ, Cuba, Argentine hay Malaysia) hoàn toàn có quyền sản xuất những loại thuốc đồng chủng loại với giá chỉ bằng 60% giá thuốc gốc.

Tuy nhiên, nhiều hãng dược phẩm lớn đã lách luật để kéo dài thời hiệu của giấy chứng nhận bản quyền, chẳng hạn như đưa thêm nhiều chất bổ trợ được cho là không cần thiết vào thành phần của thuốc. Điều này sẽ cho phép kéo dài thời gian độc quyền khai thác và ngăn cản sự xâm nhập của các loại dược phẩm đồng chủng loại...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phần lớn chính phủ các nước đều khuyến cáo người dân nên dùng dược phẩm đồng chủng loại vì lý do giá thành thấp, từ đó tạo điều kiện cho việc tiếp cận những dịch vụ y tế bình đẳng hơn trong xã hội. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ, hy vọng thiết lập một hệ thống y tế giá rẻ và bền vững hơn trên thế giới vẫn chưa có cơ sở để khẳng định..


THANH TÂM