“Giày” cho game Việt

Công nghệ - Ngày đăng : 08:20, 05/12/2009

Nguồn nhân lực game VN hiện nay, nếu bảo vẽ giày cho game thì làm được, nhưng bảo vẽ một phương tiện đi vào chân thì chưa chắc nghĩ ra...”.
“Giày” cho game Việt

“Nguồn nhân lực game VN hiện nay, nếu bảo vẽ giày cho game thì làm được, nhưng bảo vẽ một phương tiện đi vào chân thì chưa chắc nghĩ ra...”. Đó là ví von nhiều ẩn dụ mà ông Phạm Việt Hưng - Giám đốc sản xuất của Công ty GameLoft VN đưa ra tại hội thảo “Tình hình công nghiệp game Việt Nam và triển vọng phát triển game Việt” (Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam - VINASA tổ chức tại TP.HCM ngày 26/11).

GameLoft hiện có studio làm game ở hơn 20 quốc gia. Tại VN, GameLoft có đội ngũ nhân sự khoảng 800 người, chuyên gia công các phần việc chuyển sang từ công ty mẹ. Tuy nhiên, theo ông Hưng, nguồn nhân lực này chỉ đảm trách các công việc cho những game có yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật... không cao.

Tư duy cho game và làm game, có thể liên hệ với một lĩnh vực gần là phim hoạt hình, dường như luôn chống lại kiểu tư duy thuần nhất, mà đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú, khác lạ. Nguồn nhân lực game Việt thiếu và yếu, theo ông Hưng, bắt đầu từ giáo dục. “Chúng ta từ bé học ở nhà trường quen kiểu đọc - chép, cho nên bị hạn chế tư duy độc lập và tính sáng tạo”, ông Hưng chia sẻ. Với vị trí quản lý trong một công ty game có cỡ, những điều ông Hưng rút ra được xem là cái thiếu và yếu cơ bản nhất mà ngành game VN cần khắc phục, để không chỉ mạnh về tiêu tiền mua game về chơi, mà trở thành quốc gia làm game mạnh để thu về ngoại tệ.

Hình ảnh về giày cho game Việt, thực ra đã chạm đến một vấn đề của cả một ngành. Trước hết, phải trả lời được câu hỏi: Có nên phát triển ngành game Việt hay không? Tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, sẽ có nhiều lý giải khác nhau, nhưng để có đáp án cuối cùng, Nhà nước phải đóng vai trò quyết định.

Nếu dừng lại ở tình trạng như hiện nay, có thể nói ngành game VN đang nướng tiền. 53 game đã được phát hành (có 30 game online - GO), trong đó có 51 game đã được thương mại hóa, với gần 20 nhà phát hành game trên cả nước, doanh thu năm 2008 ước tính đạt 130 triệu USD (chiếm 75% doanh thu ngành nội dung số VN, năm 2008 đạt 180 triệu USD).

Nhưng đáng nói, trong tất cả các GO đang vận hành hiện nay có đem lại nguồn thu đáng kể đều là game nhập từ nước ngoài. Theo VINASA, doanh thu từ ngành game đang bị chia sẻ với tỷ lệ phần trăm cao cho nhà phát triển game nước ngoài. Đồng nghĩa, trong 130 triệu USD doanh thu 2008, hàng chục triệu USD đã chảy ra nước ngoài. Thị trường game VN càng sôi động, số lượng người chơi càng tăng (hiện là 12 triệu game thủ, theo VINASA), doanh thu cứ năm sau cao hơn năm trước, thì nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài - tập trung vào Hàn Quốc và Trung Quốc - càng lớn.

Như nhìn nhận của VINASA, thị trường game VN lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng điều này chẳng có gì đáng tự hào, vì như vậy VN có lẽ đứng đầu bảng chia sẻ nguồn thu cho các công ty phát triển game ngoại quốc, trong khi ngành công nghiệp game trong nước lại chưa tạo dựng được gì đáng kể, mới chỉ dừng lại ở mức vẽ được giày cho game một cách chân phương. Vậy thì, việc khuyến khích thị trường game VN phát triển trong bối cảnh hiện nay chẳng khác nào con dao hai lưỡi, vô hình trung khuyến khích “cúng” tiền cho các công ty nước ngoài.

Nhưng một khía cạnh có thể đẩy mạnh, đó là phát triển nguồn nhân lực cho ngành game. Nguồn nhân lực game lớn mạnh có thể biến VN thành thị trường gia công game, làm game hấp dẫn, như ngành gia công phần mềm của VN đã khẳng định được cho đến thời điểm này. Cũng đã phải trải qua những năm tháng gian nan trắc trở, ngành phần mềm VN mới được như hiện nay, nhờ vào sự kiên định mục tiêu và định hướng rõ ràng với sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Nguồn nhân lực cho game tại VN rất cần một con đường phát triển gần như thế, với các chính sách tương tự. Đành rằng, muốn phát triển nguồn nhân lực game cũng phải gắn với sự phát triển thị trường, nhưng nếu điều tiết tốt, mục tiêu sẽ đạt được, mà nguồn tiền phải trả cho các công ty nước ngoài không gia tăng quá nhanh.

THỤY LÂM