Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Quốc tế - Ngày đăng : 06:48, 08/12/2009

VN đã xây dựng và công bố các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cơ sở đinh hướng để các Bộ, ngành, các địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên từng lĩnh vực
Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam đã xây dựng và công bố các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cơ sở đinh hướng để các Bộ, ngành, các địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên từng lĩnh vực

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các thành viên Ban Chỉ đạo (Ảnh Chinhphu.vn)

Chiều 7/12, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp đầu tiên Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phiên họp tập trung đánh giá sau 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; thống nhất quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; định hướng kế hoạch và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2010 và các năm tiếp theo.

Tham dự phiên họp có Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương là thành viên Ban chỉ đạo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sau 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam đã xây dựng và công bố các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cơ sở đinh hướng để các Bộ, ngành, các địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên từng lĩnh vực, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó.

Theo kịch bản vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ ở nước ta có thể tăng 2,3 độ C, lượng mưa tăng 5% còn mực nước biển có thể dâng thêm 75cm so với thời kỳ 1980-1999. Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu. Chỉ riêng mực nước biển nếu dâng 75cm cũng đã làm cho 19% diện tích (tương đương gần 7.600 km2) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngập trong nước. Nếu nước biển dâng 1 mét vào năm 2100 sẽ làm ngập gần 38% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Cà Mau sẽ bị ngập đến một nửa diện tích tự nhiên…

Kinh phí giai đoạn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2015 là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó 50% là từ viện trợ nước ngoài và vốn hỗ trợ phát triển ODA. Các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ đánh giá cao những động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và sẵn sàng tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu...

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp về kế hoạch, chương trình và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2010 và các năm tiếp theo của các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành cập nhật, bổ sung quy hoạch trên từng lĩnh vực, nhất là quy hoạch phát triển rừng, điện năng, giao thông, dân cư và đô thị… làm cơ sở để lập các dự án cụ thể nhằm ưu tiên thu xếp nguồn vốn để đầu tư.

Trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hoàn thành sớm quy hoạch phòng chống thiên tai; tập trung rà soát cập nhật quy hoạch phát triển thủy lợi và đề xuất các dự án đầu tư ngăn nước biển dâng và chống ngập; tập trung đánh giá và xây dựng chương trình đê sông, biển gắn với hệ thống cống điều tiết nước và các trạm bơm lớn; xây dựng quy hoạch cụ thể từng dự án phát triển rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn với mục đích vừa đối phó với bão lũ, vừa đối phó với nước biển dâng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương cập nhật quy hoạch phát triển điện năng theo hướng phát triển năng lượng sạch; rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên cơ sở khoa học để quy định rõ quy trình vận hành hồ chứa, tiêu chí phát triển công trình thủy điện với tinh thần, dứt khoát không để xảy ra sự cố. Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện bộ máy ngành Thủy lợi đủ sức hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, trong tuần tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch). Ngoài bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị lần này, Thủ tướng sẽ gặp gỡ song phương với 15 Thủ tướng, Tổng thống và hơn 20 Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia được Hội nghị ưu tiên tổ chức một buổi chuyên đề “Ngày Việt Nam với biến đổi khí hậu”.

Nguồn VOV