Ngọ ngoậy ngủ ngáy…
Sống khỏe - Ngày đăng : 08:43, 11/12/2009
Ngủ ngáy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng gây phiền toái cho người xung quanh và đôi khi còn ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống vợ chồng bởi "tiếng động" đó làm kiệt quệ cảm xúc và thể chất.
Tại văn phòng Công ty may mặc Thủy Tiên vào giờ nghỉ trưa, Kim Anh - nhân viên kế toán - thủ thỉ với chị Bích làm cùng phòng: “Em lấy chồng được gần một năm và sụt mất 3kg chỉ vì... không thể quen với tiếng ngáy như sấm của chồng. Nhà em có diện tích khoảng 30m2, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong không gian nhỏ hẹp đó nên không thể “trốn” đi đâu cho thoát tiếng khò khò rồi lâu lâu lại rít lên khục khục như kéo gỗ của đức ông chồng. Mất ngủ kéo dài khiến em cứ mệt mỏi, lờ đờ suốt cả ngày, ăn cũng không ngon”.
Không thể hình dung bệnh ngủ ngáy lại có tác hại ghê gớm như vậy. Chị Bích thử một lần đến ngủ với Kim Anh, vừa lên giường khoảng 10 phút, chị bắt đầu nghe tiếng “khò khò” của chồng Kim Anh ở phòng bên. Lúc đầu chỉ là tiếng ngáy đều đều, hơi to, từ từ to dần và “biến tấu” đủ cung bậc, lúc cao, lúc thấp, lúc khọt khẹt, lúc rên rỉ, lúc rít lên, lúc thở ra khào khào khiến người “bị” nghe cảm thấy khó chịu vô cùng. Chị cố nín cười, còn Kim Anh được dịp: “Chị thấy chưa, không thể ngủ được”.
Sau một đêm mất ngủ, chị Bích quyết tâm giúp bạn, chị lên mạng tìm kiếm các thông tin về ngủ ngáy và cách khống chế căn bệnh “lành” mà “ác” này. Đầu tiên là triệu chứng, bác sĩ cho biết: Ngủ ngáy là do đường hô hấp trên bị bế tắc vì nhiều nguyên nhân, như bị dị ứng, amiđan quá to, viêm xoang..., hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài...
Ngoài ra, ngủ ngáy còn do uống rượu say ngủ mê mệt, quá béo khiến mỡ bám dày ở cổ họng và hút thuốc lá nhiều khiến khói ám làm cổ họng hẹp lại... Triệu chứng ngủ ngáy có thể chia làm ba cấp độ: Cấp độ 1: ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy. Cấp độ 2: ngáy vừa phải, tiếng ngáy to hơn và nằm ở tư thế nào cũng vẫn ngáy. Cấp độ 3: ngáy rất to ở mọi tư thế nằm và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc trong trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Ngẫm lại trường hợp của chồng mình, Kim Anh hoảng hốt: “Thôi chết, ông xã mình thuộc cấp độ 3”, và đọc tiếp tập tài liệu do chị Bích cung cấp: “Những tác hại mà bệnh ngủ ngáy gây ra là khi tỉnh dậy, người ngủ ngáy cảm thấy vẫn còn buồn ngủ và thiếu tỉnh táo do giấc ngủ không sâu, hay bị thức giấc khiến máu không cung cấp đủ cho não bộ. Sẽ rất nguy hiểm khi họ lái xe trong trạng thái này. Ngoài ra, bệnh ngủ ngáy còn dẫn đến nguy cơ mắc các chứng bệnh khác, như huyết áp cao, suy giảm khả năng tình dục, nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc đột tử trong khi ngủ...”.Thì ra, không phải chỉ người ngủ cùng bị tổn hại sức khỏe, mà ngay cả người ngủ ngáy cũng “lãnh đủ”.
Chữa khỏi căn bệnh này là điều không tưởng, nhiều chị em có cùng hoàn cảnh đã nói với Kim Anh như vậy khi thấy cô lên mạng internet tìm “bí kíp”. Tuy nhiên, “mẹo vặt” mà dân gian thường áp dụng là khuyên ông chồng tránh uống rượu ít nhất bốn tiếng trước khi đi ngủ, vì rượu là một thứ thuốc "siêu an thần" khi uống quá gần giờ ngủ. Nên đi ngủ đúng giờ vì thiếu ngủ dẫn đến trạng thái mệt mỏi thì rất dễ ngủ ngáy.
Nếu ông chồng đang nằm ngửa và ngáy, thì nên lật người nghiêng sang một bên để đổi tư thế cũng giúp hạn chế tiếng ngáy. Tăng độ ẩm cho phòng ngủ, bởi độ ẩm thấp sẽ khiến cổ họng bị khô, dễ gây hiện tượng ngủ ngáy; tập thể dục thường xuyên, không nên ăn những loại thực phẩm được chế biến từ bơ, sữa trước khi đi ngủ vì chúng có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình hô hấp trong khi ngủ, cũng làm người ngủ ngáy.
Bác sĩ Bích Huyền ở Bệnh viện Chợ Rẫy còn cho biết, người ngủ ngáy thường bị ngưng thở một thời gian khá lâu, lúc đó lượng oxy cung cấp cho cơ thể bị giảm nhiều lần trong đêm sẽ dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, đột quỵ. Nghiêm trọng hơn là sóng điện não bị xáo trộn làm người ngủ ngáy giảm trí nhớ, năng suất làm việc giảm, mệt mỏi, khó tập trung và ngủ gật ban ngày...