Người có danh tìm anh có tên
Quản trị và Đổi mới - Ngày đăng : 08:20, 25/12/2009
![]() |
Lâu nay, khi nói đến thương hiệu người ta hay nghĩ đến “tên tuổi” của doanh nghiệp, còn các nhà quản trị thì chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Gần đây, khi nguồn nhân lực trở nên khan hiếm, người ta bắt đầu quan tâm đến xây dựng “thương hiệu tuyển dụng” trong nỗ lực thu hút nhân tài.
Có danh thêm người tài
Có vẻ như khái niệm “thương hiệu tuyển dụng” còn khá mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ở lĩnh vực nhân sự, có thể tạm hiểu “thương hiệu tuyển dụng” là hình ảnh công ty trong nhận thức của nhân viên cũng như các ứng viên. Và nếu doanh nghiệp nào xây dựng được thương hiệu tuyển dụng mạnh, thì sẽ thu hút được nhiều nhân tài. Nếu doanh nghiệp có thương hiệu tuyển dụng mạnh thì chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích. Trước tiên, thương hiệu này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình tuyển dụng, giảm thiểu lượng ứng viên không phù hợp ứng tuyển. Và một khi đã xây dựng được danh tiếng như một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thu hút và giữ chân nhân tài.
![]() |
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng để thu hút người tài |
Vấn đề cơ bản trong xây dựng thương hiệu tuyển dụng là nhận diện những phẩm chất riêng của doanh nghiệp, làm cho mọi người yêu thích và mong muốn được làm việc tại doanh nghiệp. Những phẩm chất này sẽ mang đến sự hài lòng cho nhân viên và góp phần tạo động lực giúp thúc đẩy sự phát triển của công ty. Tạo được môi trường làm việc tốt đồng nghĩa với xây dựng được thương hiệu tuyển dụng tốt và cơ hội tuyển dụng được lao động giỏi cũng nhiều hơn. Bởi vì, trên thực tế, nếu hai công ty với cùng một mức lương, có thương hiệu tin cậy ngang nhau, có chế độ đãi ngộ gần bằng nhau, thì người lao động sẽ chọn lựa công ty nào có uy tín hơn trong chính sách nhân sự. Uy tín đó được tạo ra không như sản phẩm hàng hóa, mà từ những chính sách hướng về con người trong và ngoài công ty.
Nâng danh phải thêm phận
Theo các chuyên gia nhân lực, muốn xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh thì phải có thông điệp tuyển dụng gây ấn tượng mạnh. Thông điệp có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể nhưng phải có sự nhất quán và hỗ trợ cho thương hiệu chung của nhà tuyển dụng. Trường hợp điển hình là Apple: Để thu hút nhân tài, tập đoàn này đã liên tục thay đổi thông điệp, nhưng những thông điệp này phù hợp với sứ mệnh, giá trị và văn hóa của công ty.
Chẳng hạn như khi nhắm đến các kỹ sư, công ty nói rằng, họ đang tìm kiếm những “cảm nhận công nghệ để thiết kế và phát triển những sản phẩm mang tính cách mạng của Apple”. Còn khi tiếp cận các chuyên gia bán hàng, công ty mời gọi “sự kết hợp đúng nghĩa giữa niềm đam mê và hiểu biết sản phẩm để truyền đi sự trải nghiệm sản phẩm Apple trên khắp thế giới”. Một trường hợp khác là Nokia, nổi tiếng với khẩu hiệu “Kết nối mọi người” nên Nokia luôn mong muốn các ứng viên tiềm năng trở thành một phần của “tổ chức toàn cầu với văn hóa cởi mở và năng động”. Và họ đã thu hút được những cá nhân có kỹ năng và phong cách làm việc năng động phù hợp với những giá trị của công ty.
Tại Việt Nam, dù thương hiệu tuyển dụng chưa phổ biến, nhưng đã bắt đầu được doanh nghiệp quan tâm. Một minh chứng là Công ty Thế Giới Di Động: Để thu hút và giữ chân người tài, ban lãnh đạo công ty này đã đưa ra khẩu hiệu “Sống tại nơi làm việc”. Và dĩ nhiên, không chỉ là nói suông, họ đã tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, thoải mái cho tất cả nhân viên. Tập đoàn FPT cũng thế, cụm từ “Văn hóa FPT” đã trở thành chất keo gắn kết, là nguồn động viên, cổ vũ và niềm tự hào của mỗi nhân viên FPT. Các thế hệ FPT nối tiếp nhau đã cùng nhau vun đắp cho văn hóa FPT ngày càng có cá tính và giàu bản sắc.
Hằng năm, Ban Truyền thông và Cộng đồng FPT tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao nhằm mang đến cho nhân viên FPT cuộc sống tinh thần phong phú. Công ty Intel Việt Nam thì lại xây dựng “Môi trường tuyệt vời để làm việc”. Ông Phạm An Dương, Giám đốc marketing Công ty Intel, cho biết, với chủ trương phát triển bền vững, hướng tới môi trường xanh, Công ty thực hiện tuyệt đối việc không phân biệt đối xử về màu da, tôn giáo. “Bất kỳ anh là người da đen, da trắng hay da màu đều được đối xử như nhau. Và đặc biệt, phụ nữ làm việc ở Intel rất được đề cao”, ông Dương chia sẻ.
Để có một thương hiệu tuyển dụng mạnh, theo các chuyên gia, tất cả mọi người, từ ban lãnh đạo cấp cao nhất đến giám đốc các bộ phận, phải biết làm cho thương hiệu sống động cả về từ ngữ lẫn hành động. Và muốn thu hút và giữ chân người tài, ông Jeffrey A. Joerres, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Manpower, đã khuyến cáo trong chuyến làm việc tại Việt Nam: “Muốn thu hút lao động giỏi, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh”.