Đầu tư nhân lực là cách làm bền vững

Bình luận - Ngày đăng : 00:12, 29/12/2009

Vấn đề đào tạo nhân lực cho Campuchia để đảm bảo phát triển đầu tư bền vững được doanh nghiệp Việt Nam tính đến.
Đầu tư nhân lực là cách làm bền vững

Hai nước có những tiềm lực riêng bổ sung cho nhau, đảm bảo để đôi bên cùng thành công trong đầu tư kinh doanh.

Với dự án đầu tư trồng cao su chỉ cách biên giới Việt Nam 5km, C&V Group của Việt Nam có thể dễ dàng đưa công nhân sang làm việc, khắc phục tình trạng thiếu công nhân lành nghề ở Campuchia. Ảnh: Lê Quang Nhật


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã tay bắt, mặt mừng như những người bạn tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Campuchia diễn ra tại TP.HCM hôm 26.12. Cử chỉ của hai ông như xác nhận mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa hai nước, như lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị: “Lãnh đạo hai nước thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau”.

Từ quan hệ hữu nghị đến thị trường

Mối quan hệ giữa lãnh đạo hai nước như vậy, theo nhận xét của doanh nghiệp là rất có ý nghĩa đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Giờ giải lao, bên hành lang hội nghị, chúng tôi chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ gặp gỡ các quan chức để nêu những vướng mắc cụ thể trong quá trình đầu tư kinh doanh. Không chỉ tại hội nghị này, những câu chuyện cụ thể của doanh nghiệp có thể được gỡ qua chính sách, thủ tục thông qua mối quan hệ thân thiết giữa quan chức hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Hai bên đã ký kết hơn 60 văn bản pháp lý về hợp tác song phương, đồng thời thiết lập những cơ chế phối hợp cần thiết...” Ông cũng cho biết, hai nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại như chuẩn bị ký các văn kiện về tránh đánh thuế hai lần, hợp tác lao động...

Không chỉ có hậu thuẫn chính trị, phía Campuchia giàu tiềm năng về thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch, khai khoáng, xây dựng hạ tầng… Phía Việt Nam có thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, đã có các thị trường tiêu thụ toàn cầu với quan hệ thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, và vừa bước vào danh sách các nước có thu nhập trung bình. Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Thông cho biết, Việt Nam đã đầu tư sang Campuchia chủ yếu trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản, dầu khí, điện năng, trồng cao su, phát triển hạ tầng giao thông, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…

Campuchia là một thị trường gần với 70 cửa khẩu biên giới và chín cửa khẩu quốc tế, hàng hoá thông thương, người dân hai nước đi lại dễ dàng. Lực lượng Việt kiều ở Campuchia khá đông đảo. Và khi đi chợ ở Campuchia, dễ dàng tìm thấy được người Campuchia biết nói tiếng Việt.

Thách thức nguồn nhân lực

Việt Nam đã có 457 dự án với số vốn 7,2 tỉ USD đầu tư ở 50 nước và vùng lãnh thổ. Riêng tại Campuchia, Việt Nam đã đầu tư 900 triệu USD và khi tất cả các dự án đã thoả thuận được triển khai thì vốn đầu tư có thể lên tới 5 tỉ USD. Buôn bán hai chiều với Campuchia đạt 1,7 tỉ USD năm 2008. Năm 2009 dù ảnh hưởng khó khăn kinh tế toàn cầu, nhưng trong chín tháng đầu năm 2009 vẫn đạt 945 triệu USD. Dự kiến năm 2010 có thể đạt 2 tỉ USD.

Giá nhân công thấp nhất khu vực, lực lượng lao động được xem là lợi thế của Campuchia. Tuy nhiên, Campuchia cũng giống như Việt Nam thời kỳ mới mở cửa là thiếu nguồn nhân lực có đủ kỹ năng và đây là một thách thức với các nhà đầu tư. Chủ tịch hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia Trần Bắc Hà đề xuất Chính phủ Campuchia cho phép doanh nghiệp Việt Nam tăng tỷ lệ hơn 10% lao động nước ngoài trong dự án khi đầu tư vào Campuchia.

Tại hội nghị, thông tin việc Campuchia được EU cho hưởng thuế suất 0% đối với ngành dệt may, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư làm hàng xuất khẩu ở Campuchia chưa được hưởng ứng. Không có dự án nào thuộc lĩnh vực này – được xem là thế mạnh của Việt Nam được ký kết tại hội nghị. Đây là ngành thâm dụng lao động. Theo bộ Công thương, hiện Việt Nam cũng vướng tình trạng thiếu nhân công khi mà năm nay các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng số lượng để bù cho giá cả giảm khi xuất khẩu.

Đại diện công ty TNHH C&V Group – đơn vị có dự án 37,2 triệu USD trồng 7.000 hecta cao su tại huyện Sampo, tỉnh Kratier, Campuchia nói rằng: “Campuchia nhiều đất nhưng cái khó là thiếu công nhân lành nghề. Chúng tôi chọn vị trí đầu tư chỉ cách biên giới Campuchia có 5km, và có thể đưa công nhân Việt Nam lành nghề sang làm việc đi về hàng tuần, thậm chí hàng ngày”.

Tại hội nghị, dự án bệnh viện chợ Rẫy – Phnom Penh với 500 giường bệnh đã được ký hợp đồng nguyên tắc với vốn đầu tư trên 27 triệu USD. Dự án này được hình thành từ thực tế người dân Campuchia sang Việt Nam chữa bệnh khá nhiều, trong đó bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những điểm đến mà người Campuchia biết đến. Campuchia đang thiếu nguồn nhân lực được đào tạo. Giới am tường cho rằng, vấn đề sẽ nằm ở chỗ, cần có đội ngũ bác sĩ Việt Nam làm nòng cốt, trong khi các bác sĩ Campuchia được đào tạo.

Khách đến Campuchia không ít người chứng kiến nhiều người Campuchia luôn tỏ ra tự hào khi cho biết mình đã đi học ở Việt Nam. Và vấn đề đào tạo nhân lực cho Campuchia để đảm bảo sự phát triển đầu tư bền vững dường như đã được doanh nghiệp tính đến. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trao tài trợ an sinh xã hội với số tiền 4,39 triệu USD và 500 bộ máy tính, thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nhân lực.

Thủ tướng Samdech Hun Sen nhận định: “Việc đầu tư của Việt Nam không chỉ đem đến cho Campuchia về lượng vốn đầu tư mà còn tạo thêm công việc cho người dân, chuyển đổi về khoa học công nghệ, nhận thức, kỹ năng làm việc”.