Một cách nhìn khác về nguy cơ lạm phát cao ở Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 06:45, 19/01/2010
Nhiều người tin rằng, với chính sách tiền tệ nới lỏng và thâm hụt ngân sách khổng lồ như hiện nay, nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ tới một lúc nào đó sẽ phải gánh chịu lạm phát ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, trong một bài phân tích mới đây đăng trên tờ New York Times, giáo sư kinh tế học N. Gregory Mankiw thuộc Đại học Havard, từng là cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống George W. Bush, đã đưa ra một cách nhìn mới. Bài viết cho rằng, lạm phát cao có thể xảy ra ở Mỹ trong thời gian tới, nhưng không phải là kết quả trực tiếp từ chính sách tiền tệ và tài khóa hiện nay của nước này.
Giáo sư Mankiw bắt đầu bài viết bằng cách đưa ra những nguyên tắc đầu tiên về lạm phát. Một bài học cơ bản của kinh tế học là giá cả tăng khi chính phủ tạo ra một lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế. Nói cách khác, lạm phát xảy ra khi trong nền kinh tế có quá nhiều tiền và quá ít hàng hóa.
Một bài học nữa là chính phủ phải dùng tới biện pháp tăng nhanh cung tiền khi đối mặt với những vấn đề về tài khóa. Khi chính phủ chi tiêu vượt quá tiền thuế thu về, các nhà hoạch định chính sách đôi khi phải gõ cửa ngân hàng trung ương, yêu cầu in thêm tiền để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.
Hai bài học này đã được sử dụng phổ biến để lý giải những mức “siêu lạm phát” vào hàng kỷ lục trong lịch sử, như những gì nước Đức đã trải qua vào thập niên 1920 hay Zimbabwe gặp phải cách đây chưa lâu.
Vậy liệu có chuyện nước Mỹ cũng sẽ đi vào con đường này?
Đúng là nước Mỹ đang gánh khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và có tốc độ tăng trưởng cung tiền ở mức cao. Thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2010 lên tới 390 tỷ USD, tương đương với 11% GDP. Cách đây vài năm, ít ai có thể tưởng tượng ra nổi mức thâm hụt này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang in tiền với tốc độ nhanh chóng. Lượng tiền trong lưu thông và dự trữ của các ngân hàng - lượng tiền mà ngân hàng trung ương kiểm soát trực tiếp nhất - tại nước này trong vòng 2 năm qua đã tăng hơn gấp đôi.
Tuy nhiên, dù hội tụ đủ cả hai yếu tố gây lạm phát cao nói trên, tới thời điểm này, nước Mỹ mới chỉ chứng kiến tốc độ tăng giá khá nhẹ nhàng. Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi - không tính tới giá lương thực và năng lượng - tại Mỹ tăng chưa đầy 2%. Lãi suất dài hạn trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy giới đầu tư trái phiếu tại Mỹ chưa quá lo ngại về lạm phát.
Lý do tại sao?
Một phần của câu trả lời ở đây là, mặc dù nước Mỹ có thâm hụt ngân sách cao và tăng trưởng cung tiền mạnh, nhưng vấn đề này lại không phải là nguyên nhân của vấn đề kia. FED in tiền không phải để cung cấp cho hoạt động chi tiêu của Chính phủ Mỹ, mà là để giải cứu hệ thống tài chinh và vực dậy nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, các ngân hàng tại Mỹ đã giữ phần lớn lượng cung tiền mới trong dự trữ. Trong điều kiện bình thường, khi FED tăng cung tiền, các ngân hàng thường sử dụng số tiền đó để cho vay, làm các lượng tiền khác tăng lên. Tuy nhiên, ở thời gian hiện nay thì khác. Với việc các ngân hàng có xu hướng găm giữ tiền nhàn rỗi, lượng tiền M2 (bao gồm tiền trong lưu thông, tiền trong các tài khoản séc và tiết kiệm) trong hai năm qua chỉ tăng với tốc độ hàng năm 6%.
Khi nền kinh tế phục hồi, các ngân hàng có thể bắt đầu cho vay một phần trong dự trữ của họ. Điều này có thể dẫn tới sự tăng trưởng nhanh chóng hơn của lượng cung tiền trên diện rộng, và rốt cục là lạm phát. Nhưng FED có những công cụ cần thiết để ngăn chặn điều này.
Thứ nhất, FED có thể bán ra một phần lớn danh mục các loại chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay địa ốc và các tài sản khác mà FED đã mua vào trong hai năm qua. Khi các nhà đầu tư của khối tư nhân mua vào các loại tài sản này, họ sẽ hút bớt lượng tiền dự trữ trong các ngân hàng và chuyển số tiền này sang FED.
Thứ hai, với sự điều chỉnh luật vào tháng 10/2008, FED đã có thêm một công cụ mới: ngân hàng trung ương này có thể trả lãi suất đối với dự trữ của các ngân hàng thương mại. Trong điều kiện lãi suất tại Mỹ gần mức 0% hiện nay, công cụ này hầu như chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi và lãi suất tăng, FED có thể tăng lãi suất trả cho các khoản dự trữ của các ngân hàng thương mại. Mức lãi suất cao dành cho dự trữ hơn sẽ giúp hạn chế việc các ngân hàng cho vay, qua đó hạn chế sự gia tăng mạnh của cung tiền và lạm phát.
Tuy nhiên, liệu Chủ tịch FED Ben Bernanke có sử dụng triệt để được những công cụ này khi cần thiết? Nhiều khả năng là ông Bernanke và các đồng nghiệp của ông có khả năng làm được việc này, nhưng vẫn có nhiều lý do để người ta nghi ngờ.
Trước hết, lạm phát ở tốc độ vừa phải cũng không phải là chuyện gì quá tệ hại. FED có thể sẽ để cho giá cả tăng lên, qua đó làm giảm lãi suất vay vốn thực tế, kích thích nền kinh tế đang ốm yếu của Mỹ. Rủi ro ở đây là cần xác định rõ mức độ lạm phát thế nào là vừa đủ để hỗ trợ tăng trưởng mà lại không vượt khỏi tầm kiểm soát. Công việc này không hề dễ dàng.
Thứ hai, FED rất dễ đánh giá quá cao tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách cao như hiện nay, nhiều khả năng Tổng thống Barack Obama sẽ tăng nhiều khoản thuế trong vài năm tới. Thuế tăng đồng nghĩa với việc người lao động và các doanh nghiệp tìm thấy ít sự khuyến khích hơn, do đó sản lượng tiềm năng của nền kinh tế sẽ giảm. Nếu FED không lường được sự thay đổi này, FED có thể sử dụng “quá liều” cách thức kích thích tăng trưởng bằng lạm phát nói trên, đẩy tốc độ lạm phát leo thang mạnh.
Cuối cùng, thậm chí cả khi FED cam kết giữ lạm phát thấp và nhận thức được những thách thức phía trước, các chính trị gia có thể gây cản trở đối với những lựa chọn chính sách của FED. Việc tăng lãi suất để giải quyết những áp lực lạm phát đang treo lơ lửng không phải là một biện pháp được ưa chuộng, và sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, FED không thể thu hút được nhiều sự ủng hộ cho lựa chọn này. Khi nền kinh tế phục hồi, việc phản ứng nhanh và đẩy đủ trước những mối đe dọa lạm phát cũng có thể gặp khó khăn trước sự phản đối của dư luận.
Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm với mức lãi suất chưa đầy 5% hiện vẫn bán chạy. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư trái phiếu tin rằng, FED sẽ giữ được những rủi ro lạm phát trong tầm kiểm soát, và có thể họ đúng. Nhưng vì chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ hiện nay là chưa từng có tiền lệ, thật khó để khẳng định là ai sẽ đúng.