Âm nhạc dân tộc về Thăng Long hội tụ

Đời thường - Ngày đăng : 09:43, 30/01/2010

Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 29/1 đến hết ngày 3/2/2010.
Âm nhạc dân tộc về Thăng Long hội tụ

Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 29/1 đến hết ngày 3/2/2010.

Thào A Tùng và thầy giáo biểu diễn tại gian trưng bày của đoàn Sơn La - Ảnh: H.Điệp

Triển lãm trưng bày hàng ngàn nhạc cụ của 54 dân tộc anh em trên toàn quốc với 15 đoàn tham gia: Sơn La, Yên Bái, TP.HCM, Sóc Trăng, Ðắk Lắk, Thừa Thiên -Huế, Khánh Hòa... Ðây là một trong những hoạt động kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng 80 năm thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010).

Nghệ nhân trên rẫy

Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam mang đến cho người dân thủ đô cơ hội được chiêm ngưỡng những nhạc cụ độc đáo, thưởng thức những bản nhạc hay cũng như được đắm mình trong không khí trầm hùng của cồng chiêng Tây nguyên, những bản nhạc đại lễ và tiểu lễ của nhã nhạc cung đình Huế...

Trong khuôn khổ hoạt động triển lãm lần này còn có chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào 19g30 ngày 1/2 với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố; biểu diễn giao lưu nhạc cụ truyền thống tại sân khấu triển lãm.

Lần đầu tiên đến Hà Nội, nghệ nhân Hôi Apla - 66 tuổi, dân tộc Cơ Tu - mặc quần bộ đội và đội chiếc mũ mềm có đính ngôi sao trên đầu: "Mình là bộ đội đấy, đi lính từ năm 1967. Năm 1978 mình phục viên, về làm rẫy và lấy vợ. Mình mặc quần bộ đội, đội mũ có sao để mai còn đi viếng Bác Hồ". Apla cho biết ông có thể chơi được tám loại nhạc cụ khác nhau của người Cơ Tu: khèn, sáo, abel, crdool...

Mỗi nhạc cụ có một chức năng, như ông kể: "Vì người Cơ Tu ở trong núi, bám vào dãy Trường Sơn hùng vĩ nên tiếng nói cất lên thì lá rừng, gió, suối tạt đi mất. Chiếc crdool này được làm bằng sừng sơn dương, âm thanh to hơn nên được dùng để gọi bạn, mời bạn đến chơi. Chỉ cần tiếng crdool ở bên này núi cất lên để mời gọi thì người bên kia núi nghe được sẽ nhận lời sang chơi. Crdool còn được dùng để gọi người con gái mình yêu, mình thương...".

Ðôi tay Apla vẫn còn nguyên những vết nứt nẻ của nương rẫy, với móng tay vàng màu đất của dãy Trường Sơn. Cầm trong tay chiếc abel - một nhạc cụ được làm bằng ống tre và có dây để kéo như kéo nhị, ông Apla nói: "Abel có thể nói giúp cho cái bụng khi muốn nói với người mình yêu nhưng xấu hổ không muốn nói ra. Nhờ abel này mình sẽ nói được hết. Cái bụng người con gái ưng thì nó đứng lại nghe mình...".

Vừa nói ông vừa đưa nhạc cụ lên miệng, tay kéo tạo ra khí, lưỡi rung tạo ra âm những bài hát. Những câu hò từ chiếc ống nứa phát ra réo rắt: "Em ơi em, em yêu anh thì đừng đi, hãy quay lại đi...", nghệ nhân Apla giải thích lại bằng tiếng Kinh cho những người xung quanh hiểu.

Anh Nguyễn Văn Dũng - phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam - cho biết dân tộc Cơ Tu là dân tộc có số dân đông nhất trong số những dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Quảng Nam: Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Ðăng... Người Cơ Tu có những nhạc cụ độc đáo, những bản tình ca du dương mà đến nay những cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh Quảng Nam chưa thu thập hoặc sưu tầm hết được.

Ðến với triển lãm và tham gia giao lưu lần này, Quảng Nam chỉ mang theo vài nghệ nhân làm nhạc cụ, một người nghiên cứu văn hóa và một nghệ nhân chơi nhạc cụ. Tuy ít người nhưng các nhạc cụ của Quảng Nam được trưng bày phong phú không kém các đoàn khác: đàn đá, khèn, sáo, chiêng, trống, tù và...

Nghệ nhân Apla biểu diễn abel - Ảnh: H.Điệp

Cậu bé Mông thổi sáo bầu

Có mặt tại Trung tâm Triển lãm văn hóa Việt Nam cùng đoàn nghệ thuật tỉnh Sơn La, cậu bé Thào A Tùng - 13 tuổi, dân tộc Mông - mang theo ba cây sáo Mông để biểu diễn và trưng bày.

Chỉ cao hơn cây sáo mình đang thổi một chút, cậu bé người Mông với đôi mắt một mí, mái tóc vàng cháy nắng lọt thỏm trong đoàn người rực rỡ sắc màu. Những ngón tay thon nhỏ và điêu luyện bấm trên những nốt nhạc tròn của cây sáo. "Tay em giống tay con gái mà", cậu bẽn lẽn cười rồi cầm cây sáo tấu lên khúc Người Mông ơn đảng mà thầy Lê Quảng đã dạy.

Thào A Tùng đang là học sinh lớp 7 Trường Nghệ thuật Sơn La. Ðến với triển lãm lần này, em còn tham gia cuộc thi Nhạc cụ truyền thống dành cho lứa tuổi thiếu niên do Quỹ học bổng Vừ A Dính và báo Thiếu Niên Tiền Phong tổ chức trong khuôn khổ triển lãm. Ðây cũng là lần đầu tiên em đến Hà Nội.

Học thổi sáo từ khi 4 tuổi, đến nay Tùng thổi được ba loại sáo khác nhau: sáo bầu, sáo trúc, sáo kép với rất nhiều bản dân ca Mông và những bài hát khác. Như để minh chứng cho lời mình nói, Tùng cầm cây sáo bầu thổi bài Xuân về trên bản Mông - một trong những bản nhạc mà Tùng rất thích. Tùng có một cậu em trai năm nay 9 tuổi cũng biết thổi sáo Mông.

Cùng với hàng trăm nghệ nhân khác, nghệ nhân Apla và cậu bé Tùng đã mang đến cuộc hội tụ những đặc sản âm nhạc rất riêng của vùng miền mình như thế.