Nông dân “lên mạng”

Quốc tế - Ngày đăng : 08:11, 06/02/2010

Tăng trưởng kinh tế ngày càng thúc đẩy nhiều người tiếp cận internet, hay internet lan rộng giúp kinh tế tăng trưởng? Hiệu quả của internet đối với phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo ra sao?
Nông dân “lên mạng”

Tăng trưởng kinh tế ngày càng thúc đẩy nhiều người tiếp cận internet, hay internet lan rộng giúp kinh tế tăng trưởng? Hiệu quả của internet đối với phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo ra sao?

Những nghiên cứu kinh tế vĩ mô nhận định: Điện thoại di động và internet thực sự thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiệu quả do công nghệ hiện đại mang lại tại những nước nghèo cao hơn so với các nước giàu. Hiệu quả của internet mạnh hơn điện thoại di động.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB), sử dụng di động tăng 10% thì GDP bình quân theo đầu người ở những quốc gia đang phát triển tăng 0,8%; ở những quốc gia phát triển là 0,6%. Truy cập internet qua đường dây điện thoại tăng 10% thì con số GDP đó là 1,1% và 0,75%. Kết nối internet băng thông rộng thì là 1,4% và 1,2%.

Hiện nay, các chuyên gia đang thu thập dữ liệu để làm rõ ảnh hưởng của internet đến giá thành một vài mặt hàng cụ thể. Đại học Harvard kiểm tra thống kê giá cá tại bờ biển Kerala, miền Nam Ấn Độ, từ năm 1997-2001, cùng lúc điện thoại di động phát triển, nhận thấy: di động giúp thị trường hoạt động có hiệu quả hơn và cắt giảm chuyến đánh bắt dư thừa.

Kết quả là giá cá bán ra cho người tiêu dùng giảm 4%, còn lợi nhuận của ngư dân tăng 8%. Tương tự, Đại học California tại Berkeley nghiên cứu ảnh hưởng của điện thoại di động đối với thị trường lúa gạo nước Cộng hòa Niger từ năm 2001-2006. Kết quả là: điện thoại di động làm giảm chênh lệch giá giữa các chợ tối thiểu 6,4%... Điện thoại di động dễ dàng gắn kết mọi người và thực sự tạo sự khác biệt trong kinh doanh mua bán. Còn tác dụng của internet?

Nông dân trồng đậu nành ở Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ có truyền thống bán đấu giá đậu nành ở chợ bán sỉ (mandi) được chính quyền Ấn Độ quản lý. Tại đó, những “thương nhân trung gian” thu mua đậu nành từ nông dân rồi bán lại cho các công ty sản xuất thực phẩm. Tồn tại một khâu trung gian giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp chế biến. Như vậy, những gian thương trung gian có thể ép giá, thao túng thị trường, thu mua đậu nành của nông dân với giá thấp rồi bán cho doanh nghiệp với giá cao...

Công ty ITC Limited, chế biến sản phẩm làm từ đậu nành lớn nhất nhì Ấn Độ, nhận ra bất cập của việc đó. Và công ty đưa ra giải pháp: đem thông tin đến với nông dân và kết nối trực tiếp nông dân - doanh nhân. Theo đó, từ tháng 10/2000, ITC cho xây dựng mạng lưới những kios internet, gọi là e-choupal, tại nhiều làng ở Madhya Pradesh.

Choupal có nghĩa là “nơi dân làng tụ họp”. Đến cuối năm 2004 đã có 1.704 kios đi vào hoạt động. Chức năng: cung cấp cho nông dân thang giá mua đậu nành cao nhất và thấp nhất ở 60 mandi (cập nhật mỗi ngày một lần), tin nông nghiệp và dự báo thời tiết. ITC cũng chiếu trên kios internet giá công ty dự tính mua đậu nành, đồng thời đề nghị giao dịch trực tiếp với nông dân tại 45 điểm thu mua.

Kios internet xuất hiện thì giá thu mua đậu nành từ nông dân tại các mandi lập tức tăng 1,7%. Đúng như mong đợi của ITC, việc công khai minh bạch giá mua, bán tại các mandi làm tăng sự cạnh tranh giữa các “thương nhân trung gian”. Kết quả là giảm chênh lệch giá giữa các mandi, tăng lợi nhuận của nông dân 33%. Nghề làm đậu nành tại những địa phương có kios cũng tăng trung bình 19%. Bên cạnh đó, ITC còn có thể kiếm lời nhờ mua trực tiếp từ nông dân. Tiền lời đó dùng vào việc duy trì hoạt động các kios...

THANH TÂM