TTCK: Bao giờ T+2?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:38, 11/02/2010

Nhà đầu tư đã thôi hy vọng khi tháng 1 đi qua mà lời hứa cho phép bán chứng khoán T+2 vẫn chưa được thực hiện.
TTCK: Bao giờ T+2?

Nhà đầu tư đã thôi hy vọng khi tháng 1 đi qua mà lời hứa cho phép bán chứng khoán T+2 vẫn chưa được thực hiện.

Cuối năm 2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước phát đi thông điệp sẽ cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán vào ngày T+2 (tức được bán chứng khoán vào ngày thứ ba sau khi mua) ngay trong tháng 1/2010. Thông tin này khiến nhà đầu tư vô cùng phấn chấn. Bởi lẽ, nếu bán chứng khoán sớm hơn, họ sẽ gia tăng được tốc độ vòng quay của dòng tiền, tận dụng cơ hội đầu tư và có thể giảm được rủi ro.

Ngay sau có thông tin trên, thị trường đã nhanh chóng tăng điểm ở 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2010. Từ 494,77 điểm vào ngày 31/12/2009, VN-Index đã tăng liên tục đạt 534,46 điểm vào ngày 6/1/2010.

Tuy nhiên, tâm trạng háo hức của nhà đầu tư đã nhanh chóng bị dập tắt khi tháng 1 đã trôi qua mà Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản chính thức nào cho phép thực hiện bán chứng khoán T+2.

Lỡ hẹn

Trả lời vấn đề này, đại diện của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cho biết, họ đang chờ chính sách cụ thể trước khi tiến hành điều chỉnh kỹ thuật. Hơn nữa, không phải công ty chứng khoán nào cũng sẵn sàng triển khai quy trình thanh toán T+2. Bởi lẽ, việc triển khai nghiệp vụ bán chứng khoán T+2, thay vì T+3 như hiện nay, đòi hỏi VSD lẫn công ty chứng khoán phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể, VSD và các thành viên sẽ phải chỉnh sửa hệ thống phần mềm để đảm bảo có thể quản lý, theo dõi và kiểm soát được hoạt động mua bán của nhà đầu tư, tránh tình trạng bán vượt số lượng cho phép hoặc bán chứng khoán thuộc giao dịch lỗi đang được xử lý. Tiếp đó, hệ thống phải được chạy thử nghiệm trước khi đưa vào vận hành chính thức. Ngoài ra, để các công ty chứng khoán thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, phía cơ quan quản lý cũng sẽ phải hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện.

Với những lý do trên, bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc VSD, cho biết: “Tối thiểu 45 ngày, sau khi có văn bản cụ thể, việc bán chứng khoán vào ngày T+2 mới có thể triển khai được”.

Một vướng mắc khác, theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, là “để quy trình bán chứng khoán T+2 diễn ra suôn sẻ, công ty chứng khoán phải đáp ứng được điều kiện về an toàn tài chính, trình độ quản lý rủi ro, khả năng giám sát…” Vì thế, Bộ Tài chính và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đang cân nhắc trước khi ban hành văn bản về vấn đề này.

Khả năng đáp ứng công nghệ được xem là điều kiện quan trọng nhất để quy trình T+2 được triển khai một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Thanh Đức, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán An Bình, “trình độ công nghệ của nhiều công ty chứng khoán hiện vẫn chưa cao”. Chỉ khoảng 1/3 trong số khoảng 100 công ty chứng khoán có phần mềm đạt chuẩn quốc tế. Trong điều kiện phải tăng thêm độ khó về xử lý thông tin, rút ngắn thời hạn thanh toán, ông lo ngại, các phần mềm công nghệ trong nước sẽ khó mà đáp ứng tốt được.

Rõ ràng, ngay từ khi “đánh tiếng”, chủ trương cho phép bán chứng khoán T+2 trong tháng 1.2010 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vấp phải trở ngại.

Chờ đến bao giờ?

Theo thông tin sơ bộ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tập hợp một nhóm công tác với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu, phối hợp với các thành viên để thúc đẩy việc triển khai bán chứng khoán T+2. Tuy nhiên, tiến trình triển khai nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều vào đợt đánh giá năng lực kết nối công nghệ của các công ty chứng khoán.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc VSD, cho biết: “Nếu kết quả khả quan, nhiều khả năng Bộ Tài chính sẽ sớm ban hành chính sách cụ thể liên quan đến bán chứng khoán T+2”. Còn ngược lại, bao giờ triển khai quy trình T+2 sẽ khó có câu trả lời chính xác.

Chưa kể, muốn rút ngắn thời gian bằng cách thực hiện lưu ký một cấp (tức VSD sẽ quản lý đến từng tài khoản nhà đầu tư chứ không phải chỉ quản lý trên tài khoản tổng tại công ty chứng khoán như hiện nay), phần mềm của VSD phải có những chỉnh sửa về mặt kỹ thuật. Chi phí, thời gian để VSD thực hiện chỉnh sửa cũng khó dự đoán.

Vì thế, VSD cho rằng, nhà đầu tư không thể yêu cầu có sự chuẩn hóa quy trình thanh toán mới trên toàn bộ thị trường chỉ trong một thời gian ngắn.