Mỗi nụ cười là một lời “Hello”

Bình luận - Ngày đăng : 07:06, 15/02/2010

Điều gì ấn tượng nhất ở Việt Nam? Nụ cười - những tay máy nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam đều trả lời chắc nịch như vậy.
Mỗi nụ cười là một lời “Hello”

Điều gì ấn tượng nhất ở Việt Nam? Nụ cười - những tay máy nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam đều trả lời chắc nịch như vậy. Sau mỗi nụ cười là một câu chuyện ý nghĩa mà họ - những khách phương xa “kết” Việt Nam - rút ra được sau mỗi chuyến đi, sau mỗi lần gặp gỡ.

Xin chào thế giới

PIETER JANSSEN, Hà Lan, nhiếp ảnh gia. Đã sống ở Hà Nội nhiều năm. Đến Việt Nam, Pieter Janssen yêu luôn đất nước này, yêu luôn một phụ nữ Việt và quyết định sống luôn ở Việt Nam.


Phạm Xuân Đức, 12 tuổi, đang sống ở làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội. Làng được thành lập năm 1991 và là nơi ăn ở, học hành của 136 em từ 1-25 tuổi (khi tôi đến vào tháng 4-2009). Để được sống khỏe, với các em thật khó biết bao nhiêu do phần lớn vì hậu quả của chất độc dioxin.

Vậy mà các em vẫn cười khi chúng tôi đến. Đức ở trong một phòng mà trẻ em có thể chơi đùa và được sáng tạo.

Tôi đặc biệt nhớ đến Đức trong tất cả các em là vì trong làng có nhiều trẻ em bị đau, mỗi ngày phải chữa trị, nhưng Đức vẫn luôn cười, một nụ cười thiên thần. Nụ cười của Đức được bao quanh bởi những bàn tay vẫy chào thế giới như muốn nói: “Xin chào thế giới, chúng tôi ở đây và chúng tôi cần bạn”.

Xóm Củi trong trẻo


PETER PHẠM, Việt kiều Mỹ, tay máy tự do tại TP.HCM. Sang Mỹ định cư khi còn là một đứa trẻ, Phạm mới trở về TP.HCM sinh sống và làm việc được ba năm sau 35 năm sống tha hương. Hiện Phạm đang điều hành kinh doanh ngành ảnh tại TP.HCM, xuất bản sách, tranh ảnh.

Hôm đó tôi đến chợ Xóm Củi (quận 8, TP.HCM) để chụp một số ảnh đời sống người dân. Trong lúc tôi đang chụp ảnh một người bán than thì người phụ nữ đứng sau tôi cười.

Bà đang rót nước bán cho quán. Nụ cười của bà thật tươi sáng, thoải mái. Khi tôi chụp ảnh bà, những người đứng quanh cũng cười theo, những tiếng cười giòn tan cả góc đường.

Tôi yêu những tiếng cười thật trong trẻo của quê mình. Xa quê, tôi vẫn nhớ mãi sự lạc quan đó.

Xứ sở nụ cười


PETER STUCKINGS, người Úc, 37 tuổi, làm phóng viên ảnh tại TP.HCM, đi lại như con thoi khắp Đông Nam Á để chụp ảnh cho các tạp chí lớn như Conde Nast, Travel+Leisure, Insight Guides (Anh), Discovery (Hong Kong)... Đã xuất bản Insight guides 2009 Vietnam, Ho Chi Minh city and Hanoi, sắp xuất bản Insight guides 2010 Laos & Cambodia.

Với tôi, nụ cười tươi của người phụ nữ đang vá lưới cá ở Phú Quốc trong tấm ảnh này là một điển hình hoàn hảo của sự chào đón mà tôi có được khi đi khắp mọi nơi ở Việt Nam.

Với người Việt, tôi hiểu một nụ cười cũng là một cái vẫy tay chào hoặc một lời “Hello”.

Tôi hiểu họ muốn nói “Hello” để chào chúng tôi lắm, nhưng có lẽ ngại ngần không nói ra nên cười thay cho lời chào.

Đó là một lời chào rất thật, một lời mời cùng trò chuyện hay đơn giản là sự sẵn lòng cho người nước ngoài chúng tôi làm khách. Chỉ ở Việt Nam tôi mới thấy có nụ cười thân thiện như vậy.

Cho nên nhiều người bạn tôi khi trở về từ Việt Nam đều gọi đây là “xứ sở nụ cười” là đúng lắm!

Bốn nụ cười thơ ngây


NICK GRAY, 29 tuổi, người Anh, đã sống ở Hà Nội bảy năm, thích cà phê Việt Nam và nói tiếng Việt sõi không thua người Việt. Là một tay máy chụp nội thất, song Nick cứ rong ruổi khắp miền Bắc Việt Nam để chụp ảnh mỗi khi rảnh rỗi. Ảnh của Nick được in trong nhiều sách, lịch và tạp chí.

Tôi và một người bạn đi từ Hà Giang đến Đồng Văn bằng môtô, trên đường đi chúng tôi bỗng thấy một nhóm bốn bé trai đang vừa chăn trâu vừa chơi đùa ở ven đường kêu lên: “Tây, tây, tây”.

Chúng tôi dừng lại nghỉ, sau đó rút máy ảnh ra chụp con sông hiền hòa bên đường. Bốn đứa trẻ thấy máy ảnh liền sà đến xem máy, rồi xem ảnh tôi đã chụp với vẻ thích thú. Tôi đề nghị chụp ảnh các em. Cả bốn đều cười vui vẻ. Bốn nụ cười thơ ngây.

Một lúc sau chúng tôi đi, đi mà vẫn không quên những cái vẫy tay thật lâu của các em, đi mà vẫn nhớ mãi sự thân thiện của các em mà chúng tôi chỉ có thể cảm nhận qua nụ cười và sự nhiệt tình.

Những nụ cười như vậy tôi gặp rất nhiều trên mỗi con đường ở Việt Nam.

Nét duyên


FRED WISSINK, nhiếp ảnh gia người Canada, đến Việt Nam ba năm trước sau bảy năm sống ở các nước châu Á khác. Fred nói: “Việt Nam đã cho tôi cơ hội làm việc, một công việc tôi thật sự tâm huyết chứ không phải một công việc để kiếm sống. Những cơ hội này không dễ gì tìm kiếm ở mọi nơi tôi từng đặt chân đến. Việt Nam là nơi bạn khám phá chính mình, vì vậy tôi rất yêu mến Việt Nam và những con người tôi đã gặp ở đây”.

Tôi tình cờ chụp bức hình này khi đang chụp ảnh thời trang tại địa đạo Củ Chi. Người phụ nữ thú vị này đang làm vườn và dừng lại đứng xem công việc người mẫu của chúng tôi.

Khi tôi chụp xong tấm hình cho cô người mẫu, tôi bất chợt quay lại chụp ảnh bà. Bà ấy biểu lộ một chút thẹn thùng, ánh sáng và màu sắc xung quanh bà đã tôn thêm sự e ấp đó, trông bà ấy thật rực rỡ.

Nụ cười của bà thật trẻ. Tôi rất ấn tượng với nụ cười của những người cao tuổi ở Việt Nam.

Những nụ cười thật tươi tắn, lạc quan, tưởng như họ chưa đi qua những thăng trầm trong cuộc đời ở một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến.

Trong hẻm nhỏ Sài Gòn


NICOLAS CORNET, 46 tuổi, phóng viên, đến Việt Nam từ năm 1987. Nicolas đang chuẩn bị một phóng sự ảnh và triển lãm ảnh về Hà Nội 2010. Từ 22 năm nay, Nicolas Cornet đã dành phần lớn thời gian làm việc của mình giữa châu Âu và châu Á, đã xuất bản nhiều cuốn sách ảnh về Việt Nam như Vietnam - editions du Chêne 2004, Vietnam - a sense of place...

Bức hình này tôi chụp tại một hẻm ở quận 5. TP.HCM trong tôi là một thành phố mà cuộc sống dường như diễn ra chủ yếu trên đường, những con hẻm dường như là một phần của ngôi nhà nối liền với bên ngoài. Mọi người gặp nhau ở hẻm, ăn uống ở hẻm.

Hẻm là nơi những người mẹ nói chuyện với nhau, những người bán hàng rong và tất nhiên là nơi những đứa trẻ chơi đùa.

Khi thấy tôi giơ máy lên chụp, mọi người đều cười vui.

Tôi thích khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của tất cả các nhân vật trong ảnh, bởi tôi thấy dường như với họ bao sự khốn khó của đời sống chỉ là tạm thời.