Sách sex sốc

Đời thường - Ngày đăng : 05:21, 02/04/2010

Thời gian gần đây, thị trường sách Việt Nam chứng kiến không ít những sự kiện gây sốc mà tác nhân tạo nên những cú sốc ấy đa phần lại là những cây bút ngoại đạo với văn chương nhưng thích viết về sex.
Sách sex sốc

Thời gian gần đây, thị trường sách Việt Nam chứng kiến không ít những sự kiện gây sốc mà tác nhân tạo nên những cú sốc ấy đa phần lại là những cây bút ngoại đạo với văn chương nhưng thích viết về sex.

Đủ kiểu gây tò mò

Rầm rộ nhất là sự kiện xuất bản và thu hồi Sợi xích - tập sách đầu tay của Lê Kiều Như, một người mẫu. Mô tả tỉ mỉ về quan hệ tình dục trong một cốt truyện chắp vá, phi logic, Sợi xích bị đình chỉ xuất bản là điều dễ hiểu. Không chỉ những trang viết thô vụng về một nhân vật nữ khát khao tình dục đến mức quên cả các giá trị khác, Lê Kiều Như còn làm một việc vô tiền khoáng hậu là in kèm với sách là những kiểu ảnh thiếu vải trầm trọng! Hư thực về chuyện bán bản quyền tập sách được đến 100 triệu chưa biết thật hay giả, nhưng việc Lê Kiều Như cùng đơn vị liên kết phát hành là Youbook mạnh tay chi tiền cho một cuộc ra mắt sách rầm rộ tại khách sạn New World cũng đã kéo giới truyền thông vào cuộc.

Nếu không nhân bản, yếu tố sex rất dễ đánh mất tính nghệ thuật của truyện và có thể làm tha hóa độc giả trẻ

Không ồn ào như Lê Kiều Như, Keng (tên hiệu của Đỗ Thị Thùy Linh), cô gái được biết đến như một người viết blog có sách xuất bản, cũng dùng đến yếu tố sex để gây bất ngờ cho độc giả nhưng táo bạo hơn, Keng đề cập đến cả vấn đề sex của những người đồng tính. Cách gây tò mò của Keng trong Dị bản là “Chỉ đọc khi đã 18 tuổi”.Tất nhiên, tập sách này được giới trẻ chú ý.

Ở tập sách tiếp theo, Hồng gai, câu khuyến cáo tương tự vẫn tồn tại: “Đừng đọc nếu bạn thấy mình chưa đủ lớn”, như thể đó là con đường chính để tạo sức hút đối với người đọc. Sau này, những tác phẩm khác của Keng liên tục ra đời như Đôi mắt không còn ướt nước, Đánh mất và tìm lại... Dù được đánh giá đã nói lên được sự tiến bộ của người viết nhưng đề tài thì vẫn quẩn quanh ở những mối quan hệ yêu đương và không thể thiếu chất liệu chính là sex.

Với nhà văn, dịch giả trẻ Trang Hạ, dùng tựa sách gây sốc lại là một thế mạnh bất kể tác phẩm có đề cập đến tình dục hay không. Xin lỗi, em chỉ là con đĩ; Lỡ tay chạm ngực con gái; Đàn bà ba mươi... là những tựa sách mà theo tự đánh giá của tác giả là “rẻ tiền” mà chị đã dành cho những tác phẩm khá nghiêm túc về nội dung.

Chị bộc bạch: “Người đọc hiện nay rất dễ bị thu hút bởi thị phi xung quanh tác phẩm. Họ dễ dàng bỏ tiền ra mua một tác phẩm đang bị lên án”. Trang Hạ cho biết thêm, rất ít người tránh được hỏa mù bởi những cái tít thô thiển mà quên rằng chỉ đến khi tiếp xúc với văn bản bên trong, người đọc mới thấy được thực chất tác phẩm.

Văn hóa đám đông?

Không thể phủ nhận sức hút của những đầu sách biết gây sốc đối với độc giả bất chấp giá trị của đầu sách đó như thế nào. Theo thống kê từ Vinabook, đơn vị phát hành Dị bản, sau một tuần có mặt trên các kệ sách, lập tức bán được 500 bản. Sợi xích của Lê Kiều Như chưa kịp có mặt ở các nhà sách thì trên các diễn đàn của tuổi mới lớn, đã thấy hàng trăm thắc mắc của độc giả trẻ bàn tán xung quanh tập truyện này.

Chị Phương Thảo, nhân viên phát hành sách Công ty Fahasa cho biết, sau khi những trang báo mạng giới thiệu về Sợi xích, đã có không ít người đến nhà sách tìm mua. Trong khi vẫn phải chờ sách vận chuyển đến các điểm phát hành thì số lượng khổng lồ bạn đọc đã tìm kiếm bản ebook của Sợi xích trên mạng. Tất nhiên, họ chỉ tìm được và truyền nhau hai đoạn trích “nóng” mà quên thắc mắc nguồn gốc của đoạn trích này có phải chính là “chiêu thức” câu khách của người làm sách: kích thích trí tò mò để người đọc phải tìm mua.

Chia sẻ về quan điểm sáng tác của mình, nhà văn Ý Alessadro Baricco, người dùng không ít cảnh “nóng” trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn thế giới, cho biết: “Sex là một yếu tố rất khó thể hiện trong tác phẩm. Chỉ khi cần thiết, nhà văn mới dùng nó và phải dùng thật khéo bởi nếu tay nghề yếu, người viết dễ sa đà và đánh mất tính nghệ thuật khỏi trang viết”. Cha đẻ của tác phẩm Lụa cũng khẳng định, với bất cứ người viết nào, việc dùng sex như một yếu tố câu khách cũng đáng lên án và người phán xét khách quan nhất chính là độc giả bởi sau khi thỏa mãn trí tò mò, họ cũng chính là đối tượng tẩy chay người viết ấy.

Nhìn lại thị trường sách Việt, sự mất dạng của Keng và trước đó là Trần Thu Trang, dù họ vẫn trình làng sách mới, chứng minh sự đào thải của người đọc trước những văn hóa phẩm "rẻ tiền". Đáng tiếc, sự dễ dãi trong khâu kiểm duyệt, lựa chọn bản thảo và thói quen tìm đọc theo dư luận đám đông hiện nay vẫn là mảnh đất màu mỡ để những người viết biết gây sốc bày trò.

PHƯƠNG QUYÊN