Khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân
Chính sách mới - Ngày đăng : 01:17, 08/04/2010
![]() |
Ngày 6/4, đã diễn ra hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện nghị quyết trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Hà Nội.
![]() |
Ông Trương Tấn Sang |
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang khẳng định: Sau tám năm tích cực triển khai thực hiện nghị quyết, kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế, sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có tổ chức tốt việc cụ thể hóa Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định để giải quyết những vấn đề bất cập trong chính sách về đất đai. Có cơ chế để doanh nghiệp của tư nhân được vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) như doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực kinh tế tư nhân.
Sớm có chương trình quốc gia về hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chương trình quốc gia về đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, trong đó chú trọng thỏa đáng đối với doanh nghiệp tư nhân. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng vừa khuyến khích kinh tế tư nhân vừa và nhỏ phát triển, vừa khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển với quy mô ngày càng lớn, từng bước hình thành các đơn vị kinh tế tư nhân mạnh, các tập đoàn, tổng công ty lớn đủ sức góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài nước...
Những con số do ông Ngô Văn Dụ, chánh văn phòng Trung ương Đảng nêu tóm tắt về tình hình phát triển khu vực KTTN trong bảy năm qua đã cho thấy những hiệu quả to lớn của khu vực này: nộp ngân sách tăng từ 6% năm 2002 lên trên 11% năm 2008; đóng góp 46,97% vào GDP cả nước, tạo việc làm cho trên 50% số lao động cả nước. Chỉ riêng ba năm 2007 – 2009, số DNTN thành lập mới tăng 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2000 – 2005. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2000 – 2008 của khu vực KTTN là 2.110 ngàn tỉ đồng, lớn hơn cả tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng trong giai đoạn này. Một thống kê khác của bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, số lượng DNTN chiếm tới 24% năm 2008 và tăng rất nhanh lên 30% trong năm 2009. Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh rất khó khăn trong ba năm qua, và so với những lợi thế của khu vực kinh tế nhà nước mà khu vực KTTN không có được thì sự tăng trưởng đó là rất có ý nghĩa. Rõ ràng, trong điều kiện thuận lợi hơn, và nếu được đối xử công bằng hơn, khu vực KTTN sẽ còn phát triển rất mạnh mẽ và đóng góp lớn hơn rất nhiều vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Chỉ nói về vấn đề giải quyết việc làm thôi, theo phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay đã có gần nửa triệu DNTN và nếu đến năm 2015 tăng lên 1,2 triệu, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng 12 – 15 lao động thôi, thì đã tạo việc làm cho khoảng 15 – 20 triệu lao động. Chỉ riêng con số này đã cho thấy tầm quan trọng lớn đến thế nào của khu vực KTTN. |