Công ty thuộc Hội: Dễ làm, khó thắng?
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 09:12, 22/04/2010
![]() |
Nhiều hội ngành nghề đã tự cứu mình bằng cách vận động thành lập công ty trực thuộc để giúp hội có kinh phí và hoạt động hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy những dấu hiệu tích cực của hướng đi này, nhưng cũng có không ít hội đã thất bại.
Mở công ty thoát khó
Theo thống kê mới nhất, hiện tại TP.HCM có trên 20 quận, huyện có tổ chức hội doanh nghiệp (DN). Nhiều hội DN sau khi được thành phố cho phép thành lập và tiến hành đại hội đã tự nguyện là tổ chức thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Hiệp hội). Hầu hết các hội DN thành viên đều mong muốn được Hiệp hội hướng dẫn hoạt động một cách bài bản, cụ thể theo định kỳ hằng tháng, hằng quý và cả năm.
![]() |
Hiện nay, một trong những băn khoăn của lãnh đạo các hội là kinh phí cho hội hoạt động và làm thế nào để hội hoạt động hiệu quả. Tại TP.HCM, số DN đã xấp xỉ 100.000 nhưng số lượng DN thành viên vào tổ chức Hiệp hội chỉ ở mức 5%.
Trước tình hình này, nhiều hội đã mạnh dạn tổ chức công ty cổ phần trực thuộc hội để hoạt động, trích một phần lợi nhuận cho ngân sách hoạt động hội. Đi đầu trong công tác này có thể kể là Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình, Hội Doanh nghiệp quận Phú Nhuận, Hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn...
Gần đây, Hiệp hội đã quyết định hình thành ba công ty trực thuộc nhằm đem lại nguồn thu cho công ty và một phần đóng góp cho Hiệp hội. Tuy còn quá sớm để khẳng định mô hình công ty trực thuộc hội hoạt động hiệu quả ra sao, nhưng bước đầu, việc hình thành các công ty này với các nhân sự mới cũng đã tạo được không khí hoạt động nhộn nhịp trong mái nhà chung của tổ chức Hiệp hội.
Không dễ dàng
Công ty cổ phần Liên Minh, một đơn vị thuộc HAWA, đã tổ chức Hội chợ quốc tế VIFA từ 2008 - 2010 khá thành công và gần đây đã mạnh dạn thực hiện thêm các hội chợ khác do các hội bạn yêu cầu.
Ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc Liên Minh, tâm sự: Làm công ty cổ phần thuộc hội không phải dễ dàng gì, bởi các thành viên góp vốn toàn là những ông chủ lớn, thành công trong ngành chế biến gỗ. Một trong những bài học đầu tiên để công ty thành công là phải thực hành tiết kiệm tối đa.
Ông Tuấn đơn cử: Từ trước đến giờ cả ban giám đốc chưa hề sử dụng một đồng nào từ công ty để tiếp khách, cho dù được phép của HĐQT. Với những công việc chưa cần thiết nhân sự, công ty sẵn sàng thuê trả phí cao, nhưng vẫn còn thấp hơn so với phải nuôi một nhân sự thường trực. Quan trọng nhất để một công ty thuộc hội thành công là ban lãnh đạo công ty phải có tâm, có tầm, nhiệt huyết.
Tuy nhiên, không phải công ty nào thuộc hội cũng thành công. Ông Lê Thượng Mãn, thành viên của YBA và Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình, cho biết: YBA cũng đã từng tổ chức các công ty cổ phần trực thuộc YBA, với vốn góp của các doanh nhân có DN thành đạt, như các anh, chị Trần Phương Bình, Cao Thị ngọc Dung, Võ Quốc Thắng...
Thoạt đầu, công ty làm ăn cũng tốt, nhưng về sau, có lẽ do các anh, chị là cổ đông góp vốn lo cho công ty riêng nhiều hơn, nên hoạt động công ty chung bị chững lại.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Doanh nhân Tân Bình hiện cũng đang phải tiến hành thay ban lãnh đạo sau gần hai năm hoạt động do chưa mang lại hiệu quả. Công ty cổ phần Xúc tiến Thương mại Việt Hội thuộc Hội Da - Giày TP.HCM, thoạt đầu ra mắt hoạt động cũng rất đình đám, sau tan rã dần vì làm ăn không hiệu quả.