Mùa đông không trở lại

Đời thường - Ngày đăng : 04:19, 22/04/2010

Mùa đông cuối cùng của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh khiến người xem cảm nhận được sự khắc khoải của những người dám sống, không hành động theo đám đông...
Mùa đông không trở lại

Không đủ ám ảnh, day dứt như những dòng tự sự của bác sĩ Naoe trong tiểu thuyết nổi tiếng Đèn không hắt bóng, nhưng Mùa đông cuối cùng(*) của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh khiến người xem cảm nhận được sự khắc khoải của những người dám sống, không hành động theo đám đông.

Giữ bối cảnh của Nhật Bản ngày xưa, Mùa đông cuối cùng đưa khán giả đến một bệnh viện lớn của Tokyo. Nơi đó có bác sĩ Naoe (Quốc Thái thủ vai) giỏi nghề nhưng lại có mặt thường xuyên ở khu đèn đỏ, dù là trong giờ trực. Đối trọng với Naoe là bác sĩ trẻ Kobasi (Trí Quang) đầy nhiệt huyết với nghề. Có cô y tá Noriko (Tuyết Mai) hiền lành, biết yêu thương bằng cả trái tim. Lại có cả cô y tá tập sự Aikiko (Ái Như) đỏm dáng, hậu đậu...

Vợ chồng viện trưởng (do Tuyết Thu -Thành Hội đóng) Ảnh: Phước Quang

Mỗi người một tính cách nhưng ai cũng tận tâm lo cho công việc chung, cho sức khỏe của con người. Kẻ ít lo cho công việc nhất, oái oăm thay lại là vợ chồng viện trưởng (Thành Hội, Tuyết Thu). Ở đỉnh của vật chất phù hoa, họ nhiệt tâm hưởng thụ: quyền lực, thể xác... để rồi chính họ lại bị dẫn dụ bởi những thứ phù hoa ấy, quên mất mục đích sống của mình.

Tất cả các nhân vật hình thành trên một trục đối lập mà qua đó, đời sống được phác họa rõ nét. Xấu có, tốt có. Tiểu nhân có và anh hùng cũng có. Chẳng ai nghĩ, vị lương y chỉ biết ăn chơi kia dám hy sinh cả thân mình cho nghiên cứu khoa học. Bi kịch được nâng đến đỉnh điểm khi chính anh lại là người bị ung thư xương, căn bệnh anh đang tìm hiểu.

Giấu những cơn đau, giấu cả khát khao có được người mình yêu bên cạnh trong những ngày cuối đời, hình ảnh của nhân vật Naoe vừa mạnh mẽ, vừa yếu đuối. Yếu đuối đến mức tự kết liễu đời mình để giữ nguyên hình ảnh trong mắt mọi người, dù biết, từ mình, một mầm sống đang thành hình... Mùa đông qua đi và bác sĩ Naoe mãi mãi không trở lại.

Sân khấu được bài trí tỉ mỉ đến từng chi tiết, từ phông nền, đạo cụ, từng hạt tuyết giả cho đến cả những con chữ cách điệu theo lối viết tượng hình của Nhật Bản. Khoảng tối trong chuyển cảnh dù có dài hơn bình thường một chút nhưng bù lại, khán giả được chiêm ngưỡng không gian khá trọn vẹn của vở diễn. Chạy đuối hơi theo lịch diễn dày đặc, không phải sân khấu nào cũng đầu tư chỉn chu như thế cho cái gọi là “phần cứng” của một vở diễn.

Cái chết được hoạch định, được chờ đón từ những cơn đau thấu xương mà bác sĩ Naoe phải chịu. Người xem lặng đi trong khung cảnh rét mướt, sầu thảm, chờ đón tử thần. Đáng tiếc, nét diễn hồn nhiên thái quá của nhân vật Noriko khi cô nói cười và cách ứng phó trước những cơn đau, trước cái chết của người yêu dù đã được biết trước lại khiến người xem xáo động và có đôi phần hụt hẫng. Giá như Tuyết Mai tìm hiểu tâm lý nhân vật kỹ hơn, có lẽ vai cô đảm nhận sẽ tròn, vở diễn sẽ đầy đặn hơn.

Khép lại hơn 90 phút của Mùa đông cuối cùng, một chút tiếc nuối đã nhen lên nhưng rồi sự khâm phục lại khỏa lấp đi. Trong giai đoạn mà kịch thời sự xen lẫn hài hước đang thu hút khách, vẫn còn có một Hoàng Thái Thanh chấp nhận lẻ loi trên con đường riêng của mình, dù nhỏ, để mang đến món ăn tinh thần cho khán giả còn mặn mà với thể loại bi kịch truyền thống.

(*)Mùa đông cuối cùng, tác giả kịch bản Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như, hiện đang công diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, 36 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3, TP.HCM.

QUÝ YÊN