Phí bảo trì đường bộ: Phí chồng phí
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 03:56, 26/05/2010
![]() |
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, Đề án thu phí ô tô, xe máy để thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ (Quỹ) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam soạn thảo đã hoàn tất. Cũng theo Bộ này, việc xây dựng Quỹ là để triển khai Luật Giao thông đường bộ (năm 2008), và sắp tới, sẽ đưa Đề án để xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, làm cơ sở để Bộ hoàn chỉnh dự thảo cuối cùng, trình Chính phủ xem xét, quyết định, dự kiến vào cuối tháng 6/2010.
Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ đưa ra hai phương án thu phí:
Phương án 1 là thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ qua xăng dầu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo tính toán của Ban soạn thảo Đề án, phí xăng dầu khoảng 6.822 tỷ đồng/năm (năm 2008 đã tiêu thụ khoảng 2,830 tỷ lít xăng các loại, khoảng 7,983 tỷ lít diezel). Do xăng dầu sử dụng có liên quan đến giao thông đường bộ khoảng 75%, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị chuyển 50% nguồn thu này vào Quỹ Bảo trì đường bộ. Nếu theo phương án này thì mỗi năm Quỹ này có thêm trên 3.400 tỷ đồng.
Phương án 2 là thu theo đầu xe máy mới đăng ký và theo đầu ô tô khi kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật, môi trường.
Dự kiến mức thu đối với xe máy là 300.000 đồng/xe, mô tô loại 1 (dung tích xilanh 70-100cm3) là 600.000 đồng/xe, mô tô loại 2 (trên 100-175cm3) là 1 triệu đồng/xe, mô tô loại 3 (trên 175cm3) là 1,5 triệu đồng/xe. Trong giai đoạn đầu, chưa thu phí những xe đã được đăng ký.
Đối với ô tô, mức thu được đề xuất tính theo tháng trong chu kỳ kiểm định và trọng tải theo từng nhóm xe (nhóm sau tăng 20% so với nhóm trước). Theo đó nhóm 1 (xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt) sẽ có mức thu 100.000 đồng/tháng và nhóm 5 (nhóm cuối cùng áp dụng cho xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet) là 207.000 đồng/tháng.
Nếu thực hiện theo phương án thu này thì với số lượng phương tiện đăng ký như hiện nay, mỗi năm Quỹ sẽ có hơn 3.600 tỷ đồng.
Hiện nay, một lít xăng A92 với giá 16.900đ thì người sử dụng phải đóng 1.800đ thuế nhập khẩu, 1.000đ thuế tiêu thụ đặc biệt, 1.200đ thuế giá trị gia tăng, 1.000đ trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, 1.000đ tiền phí giao thông, 200đ tiền bình ổn giá xăng dầu, tổng cộng là 6.200đ, tức chiếm gần 40% giá một lít xăng.
Trong 6 loại tiền trên đã có 1.000đ tiền phí giao thông, nay, theo Đề án mới thì người dùng xăng dầu phải đóng thêm 1.000đ/lít phí bảo trì đường bộ là không hợp lý, bởi mấy lẽ:
Một là, phí giao thông thì trong đó đã có phí đường bộ, nếu bắt đóng thêm phí đường bộ là phí chồng lên phí.
Hai là, nếu là phí đường bộ thì phải căn cứ vào tác động vào kết cấu cầu, đường, tức loại xe nào gây hư hại càng nhiều cho công trình thì càng phải đóng phí cao. Việc “cào bằng” phí cho tất cả các loại xe là không công bằng, vì xe máy và ô tô 4-7 chỗ hầu như không tác động lên sức chịu tải của cầu, đường, trong khi xe tải chở quá tải mới là nguyên nhân chính làm cầu, đường mau chóng hư hỏng.
Chẳng hạn, cầu Sài Gòn, Bình Triệu, Khánh Hội, Đồng Nai... tải trọng chỉ 30 tấn mà thường xuyên phải “cõng” xe 70-80 tấn, thậm chí xe đầu kéo sắt thép có trọng tải lên đến 100 tấn, nên thường xuyên phải sửa chữa! Dễ thấy nhất là trên quốc lộ 1A, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến An Sương, đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM)..., làn đường dành cho xe tải lưu thông võng và lồi lõm hẳn so với làn đường dành cho xe máy.
Ba là, dù khoản phí xăng dầu hay phí bảo trì đường bộ thì bản chất cũng là khoản tiền người dân, doanh nghiệp phải nộp để được cung cấp một dịch vụ cầu, đường bộ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện đang có một nghịch lý là doanh nghiệp vận tải lại thường xuyên bị phạt khi sử dụng dịch vụ mà mình đã đóng góp.
Số tiền thu được theo tính toán hiện nay vượt qua số tiền duy tu bảo dưỡng hàng năm đã sử dụng, vậy sau khi thu số tiền đó có được đầu tư trực tiếp vào duy tu, bảo dưỡng hay không? Chất lượng đường vẫn kém, hạ tầng cơ sở vẫn kém, đường vẫn tắc... mà sử dụng phí thu được không hợp lý thì việc thu phí là vô nghĩa và thiệt hại lại đổ lên đầu người tiêu dùng.