Gạo lứt: Ngọc cốc kỳ dược
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:14, 27/05/2010
Dưỡng chất gạo thô
Tập quán sinh hoạt của người Việt là sử dụng gạo như một loại thực phẩm chính. So với cách đây vài chục năm, món ăn này của chúng ta hôm nay nhìn “thẩm mỹ” hơn nhiều, với những hạt cơm trắng tinh đựng trong những chiếc chén kiểu cách. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, cơm càng trắng càng... chẳng còn gì.
Theo nhiều nghiên cứu, gạo trắng chúng ta ăn hằng ngày đã bị mất đi 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, 50% lượng mangan và hầu hết chất xơ, vốn tập trung ở lớp cám bị loại ra trong quá trình xay giã. Chẳng hạn, một lon gạo trắng khi nấu thành cơm chỉ có 19mg magiê, trong khi cùng lượng ấy của gạo còn cám (gọi là gạo lứt) chứa tới 84mg dưỡng chất này.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, lớp cám của hạt gạo chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, như các vitamin E, B1, B3, B6; các chất khoáng như sắt, magiê, mangan, chất xơ... Ngoài ra, trong gạo lứt còn có axít Pantothenic giúp tăng cường chức năng của vỏ não, chống viêm da, u ác tính; Glutathione có tác dụng phòng nhiễm bụi phóng xạ; chất selen chống oxy hóa... Theo đó, gạo lứt có tác dụng phòng tránh ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
Nhiều công trình nghiên cứu đã phân tích thấy trong lớp cám gạo lứt có một chất dầu đặc biệt là tocotrienol factor (TRF), có tác dụng khử những chất hóa học gây nên hiện tượng đông máu, giúp làm giảm cholesterol xấu (LDL), điều hòa huyết áp, giúp phòng tránh các bệnh về tim mạch.
Nhờ dồi dào chất xơ, gạo lứt giúp người ăn bớt hấp thu dầu mỡ nên tránh được xơ vữa động mạch, giảm hẳn nguy cơ mắc bệnh tim. Đặc biệt, khối lượng chất xơ khiến người ăn no lâu, sau bữa ăn có chỉ số đường huyết ổn định, nên ăn cơm gạo lứt ít khi nào tăng cân quá đáng, tránh được bệnh tiểu đường và táo bón.
Khám phá mới
Một khám phá mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, giá trị dinh dưỡng của gạo lứt còn gia tăng nhiều hơn khi ở trạng thái nảy mầm (sau khi được ngâm trong nước ấm khoảng 22 giờ). Theo GS. Hiroshi Kayahara, Khoa Sinh học và Kỹ thuật sinh học tại Viện Đại học Shinshu University ở Nagano, "các enzyme ngủ trong hạt gạo ở trạng thái này được kích thích hoạt động và cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng". Cũng theo nghiên cứu này, gạo lứt đã ngâm nước chứa gấp ba lần chất lysine, một loại amino axít cần thiết cho sự tăng trưởng và bảo trì các mô tế bào cơ thể con người; chứa mười lần nhiều hơn chất gamma-aminobutyric axít, một axít có tác dụng bảo vệ thận.
Ở Nhật, sau nghiên cứu của GS. Sakurazawa Nyoichi về tác dụng điều trị bệnh của gạo lứt với muối mè, phương pháp “thực dưỡng” này (gọi là phương pháp Oshawa) được người dân sử dụng như một phương thuốc giải chất độc phóng xạ trong giai đoạn sau sự kiện Mỹ thả bom nguyên tử xuống
Hiroshima và Nagasaki, khiến rất nhiều người bị nhiễm phóng xạ. Năm 1982, sau khi các báo ở Pháp, Mỹ, Nhật đồng loạt đăng tin về trường hợp bác sĩ Anthony Sattilaro, Giám đốc Bệnh viện Methodist (ở bang Philadelphia, Mỹ), đã chữa lành bệnh ung thư xương bằng cách ăn gạo lứt với muối mè, thì phương pháp Oshawa trở nên phổ biến, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh. Rất nhiều người Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng gạo lứt, muối mè và thực tế nhiều trường hợp mắc bệnh nan y hoặc mạn tính đã thu được kết quả tốt.
Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp ung thư, hoặc bệnh tật nào ăn gạo lứt, muối mè cũng đều lành. Hơn nữa, đối với cơ thể con người, nhất là trẻ đang phát triển và những người hoạt động nhiều, thì gạo lứt, muối mè không có khả năng cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng nhằm giúp cơ thể phát triển, mà còn cần phải có chất đạm, chất béo, các vitamin trong thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây...