Doanh nghiệp "ngồi trên lửa"
Toàn cảnh - Ngày đăng : 08:50, 28/05/2010
![]() |
Từ ngày 1/6/2010, nhằm kiểm soát tốt hơn các loại phương tiện đang gia tăng chóng mặt, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM khống chế số lượng xe taxi bằng quy định chỉ cho phép các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã thay thế một xe cũ bằng một xe mới.
Trăm lỗi đổ đầu taxi
Trước quy định này, nhiều DN taxi không chỉ lo lắng, mà còn phản ứng mạnh vì cho rằng giảm đầu xe taxi là không hợp lý. Bởi vì, theo giải thích của nhiều DN, số lượng xe đang là yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất giữa các DN taxi. Vì thế, dù phải thực thi nhưng hầu hết các DN đều bức xúc và yêu cầu Hiệp hội Taxi có văn bản gửi lên UBND TP.HCM cùng Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải Hành khách Công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) nêu rõ những khó khăn do phải tạm ngưng phát triển số lượng xe taxi mới.
![]() |
Kẹt xe - Tại taxi hay tại ai? |
Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Công ty Vận tải Sài Gòn Tourist, nói khá gay gắt: “Một đơn vị thì cấp phép, một đơn vị thì bóp DN, chẳng khác gì nuôi gà mà thả quanh xóm. Thực tế là nếu không phát triển kinh doanh thuận lợi, tự DN sẽ phải cân đối hạn chế đầu xe cho phù hợp”. Ông phân tích: Từ năm 1995 - 2009, mỗi năm taxi chỉ tăng 660 chiếc, trong khi ôtô tư nhân tăng 30.000 chiếc, 15.000 xe máy. Như vậy, giao thông ùn tắc là do lượng xe tư nhân tăng quá nhanh, chứ không thể đỗ lỗi cho phương tiện công cộng là taxi.
Khi được hỏi, Bà Minh Phương, Tổng giám đốc Sài Gòn Air, cũng không khỏi bức xúc và cho rằng, quy định mới của Sở lệch với thực tế. Chẳng hạn, văn bản quy định ngày 25/5 là ngày cuối cùng chốt danh sách DN báo cáo số lượng xe hiện có. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện được vì phải đến ngày 31/5, DN mới có thể kết sổ và kiểm tra, như vậy phải đến 10/6 mới có thể gửi danh sách đến Sở.
Hơn nữa, hạn chế đầu xe taxi cũng không khác gì “bóp” các DN taxi nhỏ và vừa. Khủng hoảng kinh tế thời gian qua khiến việc kinh doanh của các DN này không mấy thuận lợi và số lượng xe còn ít. Nếu thực hiện theo Nghị định, thì các DN này không thể tăng trưởng. Như vậy, chính sách trên đưa ra là không hợp lý và phạm Luật Cạnh tranh.
Nói như thế vì cả thành phố hiện nay chỉ có khoảng trên dưới 10.000 xe công cộng, trong đó hai DN lớn là Mai Linh và Vinasun đã chiếm hơn 50%. Cũng theo bà Phương, Công ty của bà đã đăng ký mua xe từ năm ngoái, nay chỉ chờ nhận xe. Nếu bây giờ thực thi quyết định mới thì số phận những chiếc xe ấy chưa biết ra sao.
Đồng quan điểm, ông Võ Trường Sơn, Giám đốc Công ty Vinataxi, cũng nói rằng, DN của ông liên doanh với nước ngoài, do vậy, mọi kế hoạch đều được lên từ rất sớm và lộ trình kinh doanh, ngân sách... đã được Ban quản trị thông qua. Nay bỗng nhiên phải ngưng, không được phát triển xe mới thì biết giải trình thế nào với các đối tác nước ngoài?
Trở tay không kịp
Hy hữu hơn là trường hợp của ông Đỗ Phước Thới, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam. Ông Thới kể rằng, theo lộ trình, trong hai năm 2009 và 2010, Công ty tiến hành đổi xe cũ lấy xe mới. Do vậy, thời gian vừa qua, Công ty đăng ký bán hàng loạt xe cũ để chuẩn bị mua xe mới về. Nay thành phố đột ngột thực hiện quyết định này khiến Công ty không sao xoay xở kịp.
Giờ xe cũ đã bán, xe mới chưa mua về để thay thế, lãnh đạo, nhân viên Công ty như ngồi trên đống lửa. Ông cũng cho biết, bộ máy vận hành của các công ty đều được tính toán kỹ lưỡng. Ví dụ, cứ 70 người thì tương ứng với 500 xe, giờ DN chỉ có 200 - 300 chiếc xe, nếu không được tăng đầu xe thì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều...
Có vô vàn ý kiến các DN đưa ra về vấn đề giảm đầu xe taxi. Chưa biết quy định và thực tế có phù hợp hay không, đúng hay sai, nhưng có thể thấy, DN hoàn toàn bị sốc và trở tay không kịp. Bởi vì, hầu hết DN dù bức xúc nhưng cũng thừa nhận, khi ban hành một quyết định thì tất nhiên cơ quan quản lý có cái lý của họ.
Ở góc độ xã hội, DN taxi cũng biết rằng, cơ sở hạ tầng của thành phố còn nhiều hạn chế, trong khi tình trạng giao thông ùn tắc đang ở đỉnh điểm. Tuy nhiên, khi ban hành một quyết định thì nên có lộ trình và dành thời gian để DN có thể thực hiện thay vì cứ “đột ngột ra cơ chế” như thế này.
Thật ra, có rất nhiều trường hợp là một xe nhưng đăng ký nhiều hợp tác xã, nên cần có những biện pháp kiểm soát chặt từ phía cơ quan kiểm định đo lường chất lượng để xác minh số xe thực tế và trên lý thuyết thay vì “siết” đầu xe mới như hiện nay. Theo đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cũng cho hay, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nói rõ những điều chưa hợp lý về việc giảm đầu xe taxi mới từ 1/6 tới.
Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tính đến ngày 28/2/2010, số lượng taxi được cấp phù hiệu hoạt động tại TP.HCM đã lên đến 12.551 xe, thuộc 36 DN và hợp tác xã (chưa kể nhiều xe taxi “dù”). Số taxi hiện có đã vượt quá mức dự kiến theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM. Trong mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn giao thông đến năm 2010, TP.HCM định hướng quy hoạch số lượng taxi trên địa bàn tối đa là 1.000 xe taxi/1 triệu dân. |