M&A Ngân hàng: Sóng không "ngầm"
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 00:12, 03/06/2010
![]() |
Phát biểu tại diễn đàn M&A (thương vụ mua bán và sáp nhập - merger and acquisition) năm 2010 vừa mới diễn ra tại TP.HCM do Báo Đầu Tư tổ chức, đại diện Công ty Chứng khoán Mekong cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 16 thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (NH) và khả năng trong thời gian tới sẽ nhiều hơn.
TS. Christopher Kummer, Chủ tịch IMAA, cũng khẳng định là đang có sự gia tăng mạnh M&A tại các thị trường mới nổi ở châu Á. Trong đó, với Việt Nam còn cho thấy bắt đầu xuất hiện cả xu hướng M&A ra cả thị trường nước ngoài để tìm kiếm thêm cơ hội phát triển. Thực tế trên cho thấy, việc mua bán, sáp nhập NH không còn là những con “sóng ngầm” như trước đây, mà đã nổi lên rõ rệt, đặc biệt khi còn 8 NH hiện có vốn chỉ nằm ở mức 1.000 tỷ đồng.
![]() |
Có thể nói, không có gì mới khi nhắc lại lộ trình tăng vốn đến cuối năm 2010 được quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Chỉ mới ở chỗ, sau một thời gian dài mà các NH gần như vẫn chưa thể tìm ra lối thoát hiểm dễ dàng.
Với các NH đã có cổ đông lớn là nhà đầu tư chiến lược thì không phải quá lo ngại. Nhưng các NH chưa có nhà đầu tư lớn đứng phía sau mới đau đầu với bài toán này. Bởi vì, giá cổ phiếu NH đã giảm xuống mức thấp nhất, chỉ còn xoay quanh mệnh giá 10.000 đồng/CP đối với NH nhỏ. Các NH đã niêm yết trên sàn chứng khoán (VCB, EIB, ACB, STB, CTG, SHB...) cũng trong xu hướng điều chỉnh giảm. Do đó, làn sóng M&A ở ngành này sẽ diễn ra trong thời gian tới là điều tất yếu và khó tránh khỏi.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital, nói rằng: “Cạnh tranh trong lĩnh vực NH, tài chính sẽ ngày càng mạnh hơn khi có thêm các NH con 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường. Vì thế, thị trường này cũng khó tránh được làn sóng M&A, vì đó là xu hướng tất yếu để có thể phát triển tốt hơn. Đặc biệt với các NH quy mô vốn còn nhỏ, nếu gặp khó khăn chắc chắn sẽ phải sáp nhập hoặc bán lại một phần vốn”.
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho biết, thực tế, các thương vụ mua bán ở ngành này vẫn liên tục diễn ra trong thời gian qua và mới đây nhất là VIB bán 15% cổ phần cho Commonwealth of Australia (CBA). Ở trong nước, cách đây không lâu, Maritime Bank mua lại 11% vốn của MeKong Bank và nếu cộng cả nhóm cổ đông lớn thì tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại MeKong Bank lên đến 49%.
Đó cũng chính là lý do NH Nhà nước ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Đây được xem là sự mở đường của làn sóng M&A ở lĩnh vực NH.
Tuy nhiên, con sóng này mạnh hay không cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi giá cả không phải là tất cả, mà quan trọng nhất chính là nội tại của doanh nghiệp sau khi M&A sẽ phát triển như thế nào. Ông Tô Hải nói thêm, thời gian tới, làn sóng M&A đối với NH có khả năng sẽ sôi động hơn, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào khung pháp lý được hoàn thiện.