Đãi cát tìm…thần tượng
Đời thường - Ngày đăng : 05:29, 07/06/2010
Chiến thắng ở các cuộc thi tài năng, nhưng do không được đầu tư để tiếp tục phát triển, nên thí sinh đoạt giải ở các cuộc thi ấy vẫn chỉ là những cái tên mờ nhạt trong làng văn nghệ. Bởi đa phần các cuộc thi năng khiếu dành cho giới trẻ xem ra chỉ là nơi để mua vui, phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng.
Tự tin sẽ thành sao?
Nếu không có gì thay đổi, ngày 27/6 tới đây, cuộc thi Thần tượng Việt Nam (Viet Nam Idol) sẽ chính thức bắt đầu vòng thử giọng tại Đà Nẵng sau một loạt sự cố khiến phải hoãn và ngừng ở các năm trước. Không còn bó hẹp trong phạm vi Đài truyền hình TP.HCM, cuộc thi lần này được phát động trong cả nước bởi đài phát sóng chương trình không phải là HTV mà là VTV.
Cuộc thi Việt Nam Idol đã từng thu hút hơn 5.000 thí sinh tham dự - Ảnh: Trần Quân |
Điều kiện dự thi rất đơn giản, chỉ giới hạn từ 16 - 30 tuổi, nên Viet Nam Idol là sân chơi tìm kiếm tài năng được rất nhiều bạn trẻ chờ đón. Được tổ chức hai lần, mỗi lần trung bình cuộc thi thu hút hơn 5.000 thí sinh tham dự đủ thấy ước mơ cháy bỏng được thể hiện tài năng, trở thành người của công chúng của những bạn trẻ.
Nắm bắt được nhu cầu đó, giai đoạn cuối năm 2009, sự bùng nổ các cuộc thi năng khiếu dành cho giới trẻ khiến khán giả thực sự bị “bội thực”. Tiêu biểu có thể kể đến cuộc thi năng khiếu nghệ thuật dành cho tuổi “teen” với tên gọi Hãy tỏa sáng, do Báo Thế giới Văn hóa và Công ty Truyền thông Hoa Mặt Trời tổ chức khá rầm rộ. Với khẩu hiệu “Tự tin để trở thành ngôi sao”, dù quy mô chỉ gói gọn và chuyên sâu về bốn lĩnh vực: làm đẹp, âm nhạc, diễn xuất và thời trang, nhưng Hãy tỏa sáng cũng đã thu hút được hơn 500 thí sinh tham dự.
Với tiêu chí tương tự, cuộc thi Việt Nam Super Star Contest 2009 do Hiệp hội Xúc tiến Hữu nghị Hàn Quốc và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM tổ chức cũng diễn ra hoành tráng không kém. Không dừng lại ở đó, Hot V-teen, Sứ giả học đường, Teen model, Miss teen... cũng là những cuộc thi thu hút sự chú ý của nhiều thanh thiếu niên yêu nghệ thuật.
Đêm chung kết cuộc thi nào cũng rực rỡ đèn hoa, người thắng cuộc nào cũng hớn hở khi nhận giải. Thế nhưng, khép lại các cuộc thi, đã gần hết sáu tháng đầu năm 2010, mà những tài năng trẻ, mới được tìm thấy trong các cuộc thi vừa qua, chưa tạo được chút ấn tượng nào nơi khán giả. “Thần tượng” Quốc Thiên, “siêu sao” Dương Thị Hồng Nhung, “teen model” Bảo Trân, “ngôi sao âm nhạc” Hồ Quang Hiếu... vẫn chỉ dừng lại ở những danh hiệu của cuộc thi, không tiến xa hơn được.
Chữ tài liền với chữ tai
Duy nhất trường hợp của ca sĩ Phương Vy là cá biệt. Theo dõi bước tiến của “thần tượng” Phương Vy, không khó nhận ra cô ca sĩ này đã chuẩn bị hết sức chu đáo trước khi dự thi và sau khi đoạt giải, rồi gia nhập làng giải trí. Được đào tạo bài bản, lại được một nhạc sĩ có tên tuổi hậu thuẫn, cộng với nỗ lực bản thân, sự nghiệp của Phương Vy phát triển lên hàng ca sĩ chuyên nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Đối chiếu với các tài năng khác cũng tỏa sáng từ các cuộc thi, có thể thấy sự chênh lệch về điều kiện, đầu tư chính là yếu tố quyết định thành công.
Tuy nhiên, hào quang sân khấu vẫn là thứ ma lực hấp dẫn. Rời cuộc thi Song ca cùng thần tượng ở những vòng đầu, thí sinh Ngọc Anh tâm sự, tuy buồn nhưng cô cũng không nhụt chí bởi đây là dịp giúp cô cọ xát thực tế và... rút kinh nghiệm để tiếp tục tham gia những cuộc thi sau này. Quyết tâm của Ngọc Anh cũng là quyết tâm của hàng ngàn bạn trẻ thất bại ở những cuộc thi tìm kiếm tài năng. Điều này lý giải vì sao khán giả cứ có cảm giác “quen quen” khi theo dõi các cuộc thi dành cho giới trẻ.
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, giám khảo của khá nhiều cuộc thi năng khiếu dành cho giới trẻ, trong đó có Hãy tỏa sáng, cho biết, nhiều thí sinh dự thi mà chẳng buồn tìm hiểu tiêu chí của cuộc thi là gì, chỉ cần biết là sẽ được hát, được nhảy, được diễn xuất trước ống kính để có cơ hội nổi tiếng. Điều này dẫn đến thực tế là ở các cuộc thi luôn có những phần thi khiến cả khán giả lẫn ban giám khảo cười ra nước mắt vì sự ngô nghê của thí sinh.
Và tất cả những sự ngô nghê, buồn cười ấy được tập hợp trong VCD của chương trình Viet Nam Idol, được nhãn hàng Clear dành tặng cho khách hàng. Khỏi phải nói, mức độ gây cười của những video clip trong VCD không thua kém các màn trình diễn của các danh hài. Chỉ khác ở chỗ, đây không phải là kịch bản của tiểu phẩm hài, mà là sự lố bịch từ thực tế. Và người bị đem ra bỡn cợt, dĩ nhiên chính là những thí sinh tham dự cuộc thi này.
Thí sinh không thành công đã vậy, người đăng quang cuộc thi cũng chẳng có gì để hãnh diện. Việc thí sinh Dương Thị Hồng Nhung kiện ban tổ chức Việt Nam Super Star Contest 2009 là một ví dụ cay đắng.
Giới trẻ vẫn luôn thiếu sân chơi để thể hiện mình. Tổ chức các cuộc thi tài năng dành cho giới trẻ là việc làm đáng trân trọng. Thế nhưng, chỉ tìm kiếm mà không quan tâm chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai của những tài năng tìm thấy lại là sự phí hoài. Mặt khác, không thể phủ nhận những sân chơi này đa phần là để phục vụ cho nhu cầu giải trí của công chúng, thế nên cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào những tài năng ấy.