"Thủy long che Mặt trời"
Bình luận - Ngày đăng : 09:23, 09/07/2010
![]() |
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang mang nặng nỗi ám ảnh: bị những công ty nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc (TQ), thâu tóm dẫn đến phải thay đổi đặc trưng truyền thống trong hoạt động kinh doanh ngay tại xứ sở hoa anh đào.
Nhật Bản có lịch sử lâu đời trong việc từ chối chuyển nhượng và bán cổ phần doanh nghiệp, nhằm tránh để công ty nước ngoài xâm nhập hoạt động kinh doanh trong nước. Hoạt động mua bán, chuyển nhượng (M&A) vốn chỉ theo chiều từ Trung vào tay Nhật...
![]() |
Đến năm 2007, TQ vượt qua Mỹ để trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của Nhật. Số lượng giao dịch M&A 2008 - 2009 tăng gấp đôi cả hai chiều. Giá trị giao dịch tăng gần gấp bốn. Thông thường, công ty TQ mua cổ phần, nhà xưởng, mặt hàng thuộc nhóm kỹ thuật đặc biệt, giá vài triệu USD đổ lại, chứ hiếm khi thâu tóm cả công ty. Cụ thể, tháng 3/2010, Công ty Sản xuất khuôn Ogihara Nhật Bản đã bán một nhà máy cho hãng sản xuất ô tô BYD cho TQ.
Đứng ở vị trí người mua, các công ty TQ chẳng mấy mặn mà với thị trường nội địa của đất nước “có dân số già và giảm trong khi sản xuất dư thừa”. Heang Chhor, Giám đốc Văn phòng Tokyo của Công ty Tư vấn McKinsey, cho biết: “Cái họ cần là kỹ thuật, thương hiệu để đem về TQ hoặc áp dụng tại những thị trường khác”. Đổi lại, công ty Nhật không chỉ thu tiền làm vốn và nhiều ý tưởng quản lý mới mẻ, mà còn có cơ hội tiếp cận thị trường TQ lớn và ngày càng phát triển...
Tính đến năm 2008, Ấn Độ vẫn dẫn đầu nhóm quốc gia đang nổi về việc đầu tư mua công ty của các nước giàu. Nhưng TQ đã soán ngôi: nửa cuối 2003, TQ chỉ thực hiện 6 giao dịch mua, đến nửa đầu 2009 là 20, nửa cuối 2009 là 30. Trong giai đoạn 2003 - 2009, các công ty TQ nắm quyền kiểm soát 199 doanh nghiệp nước ngoài (48 doanh nghiệp Hồng Kông, 35 doanh nghiệp Úc và 33 doanh nghiệp Mỹ). |
Tiêu biểu cho M&A cộng sinh Trung - Nhật là việc Suning mua 51% cổ phần doanh nghiệp bán lẻ đồ điện tử Laox Nhật Bản. Dàn lãnh đạo mới đã cải tổ các cửa hiệu tại Nhật để thu hút du khách TQ đến Tokyo mua sắm, đồng thời lên kế hoạch mở 110 tiệm Laox tại TQ trong ba năm tới.
Trong một vài trường hợp ở quá khứ, khác biệt văn hóa kinh doanh khiến liên kết doanh nghiệp Nhật - Trung không vững bền. Năm 2003, công ty TQ, Đài Loan và Nhật hợp tác đầu tư 1,2 tỷ yen để vật lộn với ngành sản xuất bộ lọc màu cho panô LCD. Sau ngày thành lập bốn năm, liên minh này đã đóng cửa vì không hòa hợp văn hóa kinh doanh. Những ông chủ TQ từ chối chi tiền mua máy móc thiết bị bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, họ dễ dàng “phớt lờ” những khiếm khuyết nhỏ trong khâu sản xuất, trong khi các đồng sự người Nhật kiên quyết không bỏ qua.
Khó khăn là không thể tránh khỏi, nhưng các chuyên gia đánh giá M&A Trung - Nhật sẽ ngày càng tăng, vì đó là “xu thế phát triển khi cả hai cần nhau”... Nhiều người Nhật không muốn làm việc cho ông chủ TQ, cũng không khác hoàn cảnh những năm 1980: nhiều người Mỹ từ chối lao động dưới quyền lãnh đạo của người Nhật. Tuy nhiên, thị trường lao động Nhật đang rất khó khăn, nên còn giữ được việc làm là hạnh phúc lắm rồi”.