Bài 1: Tách nhập, tách nhập
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:05, 14/07/2010
Các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) không còn quá xa lạ, thậm chí nó còn trở thành một phương án kinh doanh cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một khía cạnh, đó là việc sáp nhập các doanh nghiệp con của các công ty, tập đoàn lớn. Biện pháp này có thể nhằm tăng sức cạnh tranh, nhưng cũng có thể là phương pháp “cắt lỗ” hoặc thu gọn quy mô cần thiết.
Chỉ từ tháng Tư đến nay đã diễn ra ba thương vụ sáp nhập doanh nghiệp nội bộ. Hầu hết các công ty này đều cho việc sáp nhập là cần thiết, nhằm tăng năng lực cạnh tranh và thị phần, giảm thiểu các loại chi phí.
Bài 2: Lợi mà khó
Bài 3: Hậu "châu về hợp phố"
Tư duy mới
Ba doanh nghiệp (DN) công bố sáp nhập nội bộ trong tháng 4/2010 là Kinh Đô miền Bắc với Công ty CP Kinh Đô; Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigon Tel với Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc; Vinamilk với Công ty Sữa Lam Sơn.
Thực ra, trước đó đã có ba trường hợp tiến hành sáp nhập nội bộ. Nhưng phần lớn là do hoạt động không hiệu quả, nên công ty mẹ buộc phải sáp nhập công ty con trở lại. Đầu tiên là Công ty PVD Invest (PVDI) được thành lập năm 2007 do Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) góp 51% vốn, chuyên đầu tư cho thuê giàn khoan và các thiết bị kỹ thuật chuyên ngành.
Cuối năm 2009, PVD đã sáp nhập PVDI. Cũng thành lập vào đầu năm 2007 là hai công ty: Công ty CP Vật liệu xây dựng Hoa Sen và Công ty CP Cơ khí và Xây dựng Hoa Sen. Nhưng chỉ đến cuối năm 2007, hai công ty này đã sáp nhập vào công ty mẹ là Công ty Tập đoàn Hoa Sen (HSG) do hoạt động không hiệu quả...
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho rằng: “Chưa biết các vụ sáp nhập này sẽ đem lại lợi ích gì cho các đơn vị thành viên, chỉ biết chủ trương sáp nhập là bước đi cụ thể trong chiến lược xây dựng và thống nhất thương hiệu, và đây cũng là bước tiến lớn trong việc tái cấu trúc hoạt động của các DN ngày nay”.
Nói như thế để thấy rằng, xu hướng mở công ty con tràn lan của các công ty lớn đang được chính các ông chủ lớn nhìn lại. Trước đây, tư duy là phải bành trướng và không ngừng mở rộng mới là thành công, mặc cho việc kinh doanh không mấy thuận lợi. Ngày nay, tư duy đó dần được thay bằng những tư duy mới hơn, như biết bỏ đi hoặc gộp chung những gì còn yếu kém. Điều này được các chuyên gia nhận định rằng sẽ sớm tạo ra một tiền lệ mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chiến thuật có toan tính
Nhìn lại ba thương vụ sáp nhập nội bộ mới nhất có thể thấy, lý do tiến hành sáp nhập không chỉ dừng lại ở chỗ “đẻ nhiều mà nuôi không nổi” như trước đây. Mỗi DN này đều có những tính toán chủ động: làm sao tinh gọn bộ máy nhưng phải đạt hiệu quả nhanh nhất.
Trường hợp sáp nhập Saigon Tel vào Kinh Bắc có vẻ đặc biệt hơn cả. Trước tiên là giá trị cổ phiếu của cả hai công ty này đều đang trong điều kiện khá tốt. Tính đến cuối năm 2009, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Saigon Tel (SGT) đạt 1.156,6 đồng/cổ phiếu. Riêng Kinh Bắc (KBC) hiện đang là một trong những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất tại sàn HOSE, liên tục tăng và giao dịch thanh khoản cao, cả với giao dịch khối ngoại.
Thứ hai, lĩnh vực hoạt động của hai công ty này hoàn toàn khác nhau, một bên là lĩnh vực công nghệ, viễn thông, bên kia thì chuyên về đầu tư kinh doanh khu công nghiệp, bất động sản. Thế nhưng, tại đại hội cổ đông thường niên, khi HĐQT của KBC công bố mua lại 100% SGT thì đều nhận được sự đồng thuận. Sáp nhập 100% SGT vào KBC được coi là thương vụ M&A lớn nhất sau giao dịch hợp nhất Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 và Công ty CP Xi măng Hà Tiên 2 vào cuối năm 2009.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest), giải thích: “Sở dĩ sáp nhập hai công ty con này là để chuyên môn hóa một công ty và tăng cường sức mạnh của công ty kia. Tuy hoạt động về công nghệ viễn thông, nhưng SGT lại có khá nhiều quỹ đất đẹp tại TP.HCM và phía Bắc. Sau khi sáp nhập, quỹ đất này sẽ được chuyển về cho KBC quản lý, đầu tư, kinh doanh, bởi KBC hiện được coi là DN dẫn đầu ở phía Bắc về đầu tư khu công nghiệp và bất động sản”.
Sau nhiều lần trì hoãn, đầu tháng Năm, những DN sản xuất thực phẩm đồ uống là Kinh Đô miền Bắc, Kido (giao dịch trên OTC) đã đồng thuận quy về một mối là Công ty CP Kinh Đô (KDC). Hai DN này sau sáp nhập sẽ trở thành những công ty con dưới hình thức công ty TNHH Một thành viên mà chủ sở hữu là KDC.
Theo giải thích từ lãnh đạo Công ty là do đặc thù khu vực phân phối: KDC tính từ Quảng Bình trở vào, Kinh Đô miền Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, nên việc gộp chung sẽ giúp DN sau sáp nhập phủ rộng thị phần toàn quốc. Nhưng nhìn sâu xa hơn có thể thấy, sau một thời gian mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực khác, Kinh Đô đang tập trung trở lại vào ngành lõi của mình là thực phẩm bằng thương vụ sáp nhập này.
Trước đây, nhiều công ty chạy đua thành lập công ty con, góp vốn liên doanh có thể vì những lý do như được ưu đãi vé tiền thuê đất, được miễn giảm thuế thu nhập DN...Do đó, hiện nay, khi thời gian miễn giảm thuế và các chi phí khác đã hết, dường như vai trò của công ty con cũng chấm dứt. |
Theo báo cáo, năm 2009, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thực phẩm của KDC chiếm 40% tổng lợi nhuận, bất động sản chiếm 50%, còn lại là lợi nhuận từ hoạt động khác. Dự kiến, sau khi sáp nhập, doanh số riêng ngành thực phẩm sẽ đạt hơn 3.000 tỷ đồng, đồng thời cũng tạo tiền đề để Kinh Đô thực hiện tiếp chiến lược sáp nhập những công ty thực phẩm khác.
Trong khi đó, Vinamilk thâu tóm Công ty CP Sữa Lam Sơn (Lamson milk) để chuyển thành công ty TNHH Một thành viên giống việc sáp nhập “con nuôi”. Bởi vì trước đó, từ năm 2007, Vinamilk đã quyết định đầu tư vào Lamson milk với việc nắm giữ 55% cổ phần. Sau ba năm, khi thời cơ đã chín muồi, Vinamilk quyết định thâu tóm đứa con này. Việc sáp nhập dưới hình thức nội bộ này sẽ giúp Vinamilk mở rộng thị trường từ khu vực miền Trung trở ra, bởi Lamson milk có quy mô khá tốt, với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, có trang trại bò sữa 820 con, cung cấp gần 2.000 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi năm...
Ngoài những lý do sáp nhập nội bộ trên, nội tình nhiều công ty cũng cho thấy, lý do sáp nhập kiểu này cũng liên quan một phần đến chuyện trước đây nhiều công ty chạy đua thành lập công ty con, góp vốn liên doanh có thể vì những lý do như được ưu đãi về tiền thuê đất, được miễn giảm thuế thu nhập DN... Do đó, hiện nay, khi thời gian miễn giảm thuế và các chi phí khác đã hết, dường như vai trò của công ty con cũng chấm dứt. Bên cạnh đó, áp lực về cạnh tranh phải nâng cao năng lực sản xuất, cơ cấu lại bộ máy quản trị để giảm chi phí... càng dẫn đến việc sáp nhập công ty con là điều tất yếu.