Nguyễn Văn Xuân: Nhà “Đàng Trong học”

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 00:07, 30/07/2010

Khi đặt tên sách là Một người Quảng Nam, người biên soạn có ý muốn ngợi khen sự uyên bác nhưng không kém phần táo bạo, tinh thần cấp tiến trong suy nghĩ và nghiên cứu khoa học của học giả Nguyễn Văn Xuân.
Nguyễn Văn Xuân: Nhà “Đàng Trong học”

Khi đặt tên sách là Một người Quảng Nam, người biên soạn có ý muốn ngợi khen sự uyên bác nhưng không kém phần táo bạo, tinh thần cấp tiến trong suy nghĩ và nghiên cứu khoa học của học giả Nguyễn Văn Xuân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trong hội thảo về học giả Nguyễn Văn Xuân

Nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Xuân, bạn bè và học trò của ông từ nhiều nơi về lại Đà Nẵng để dự buổi lễ tưởng niệm và nhân dịp Tạp chí Xưa và Nay và Công ty Văn hóa Phương Nam ra mắt cuốn Nguyễn Văn Xuân, một người Quảng Nam.

Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá Nguyễn Văn Xuân có một cuộc đời sáng tạo thật đặc biệt. Tiểu thuyết đầu tay Bão rừng ông viết năm 17 tuổi được coi như “cánh chim lạ tài năng vút lên trên văn đàn”.

Tiểu thuyết cuối cùng của ông, Kỳ nữ họ Tống, là sự tổng hợp của uyên bác khoa học và lãng mạn. Giữa hai cuốn tiểu thuyết đó là một sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ về xứ Đàng Trong và quan trọng nhất là về mảnh đất Quảng Nam quê ông với bao danh tài, nơi khởi xướng bao phong trào yêu nước, bao tư tưởng độc đáo của người Quảng qua cuốn Phong trào Duy Tân.

Ông ra đi đã ba năm, và nhà sử học Dương Trung Quốc sau nhiều năm cộng tác với ông ở các lĩnh vực báo chí, nghiên cứu, đồng thời cũng là một người bạn nhỏ của ông, nói rằng:

“Con người này vắng bóng để lại một sự hụt hẫng, một khoảng trống to lớn ở vùng đất này. Nói đến Hà Nội, người ta nói đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Đạo Thúy, nói đến Quảng Nam và Đà Nẵng, phải nói đến thầy Xuân. Chúng tôi luôn coi thầy Xuân là một vị đàn anh đáng kính trong nhiều lĩnh vực. Thật tiếc là trước tác của ông chưa được quan tâm tái bản”.

Mảnh đất Quảng Nam may mắn có một học giả như Nguyễn Văn Xuân để ông cày xới trên cánh đồng lịch sử và văn hóa, làm sáng rõ những bí ẩn Nam tiến của một dân tộc, làm chúng sống lại với những khám phá bất ngờ về trào lưu tư tưởng, văn hóa, xã hội quan trọng khởi lên từ xứ Quảng đầu thế kỷ XX mà chưa có ai bỏ công nghiên cứu, cắt nghĩa, trừ ông.

Đến hôm nay, chỉ với một lát cắt nhỏ từ các bài viết của ông, người đọc trẻ tuổi hơn vẫn có sự cảm nhận sâu sắc, sự hứng thú tuyệt vời khi đọc những phân tích của ông về tư tưởng dân quyền của chí sĩ Phan Chu Trinh, hay bản sắc dân tộc ứng dụng vào đổi mới khi ông chỉ ra “muốn phát triển thì không thể không quay lại lịch sử dân tộc mình và những dân tộc cùng hoàn cảnh để truy xét, rút những bài học cho tương lai”.

Những gì ông phân tích, đánh giá hành động, tư tưởng của cụ Phan Chu Trinh thật thú vị, sâu sắc, nó tươi rói ý nghĩa trong ứng dụng vào sự phát triển Việt Nam hôm nay. Và thật ngạc nhiên khi cách đây ba mươi năm, ông đã phân tích, một nền kinh tế muốn hùng mạnh tất yếu phải hướng ra biển bằng các đặc khu kinh tế, ông nhìn thấy điều này từ sự thành công của thương cảng Hội An thời Chúa Nguyễn.

Những gì ông viết năm xưa ấy bây giờ chúng ta mới đang tập tễnh nghiên cứu áp dụng cho đảo Phú Quốc hôm nay. Còn riêng đối với người Quảng, ông dành lại cho bạn bè, học trò một bài nghiên cứu về tính cách “Quảng Nam hay cãi” mà hầu như đến nay chưa có ai vượt qua được về độ sâu sắc, chí lý khi nói về tính cách này, hay đến không thể cãi của thầy Xuân.

BÍCH HỒNG