Kim cương, kênh đầu tư?

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 04:18, 04/08/2010

Tuy thanh khoản của kim cương không bằng vàng nhưng mức lợi nhuận hấp dẫn nhiều nhà đầu tư không kém gì vàng.
Kim cương, kênh đầu tư?

Mức tiêu thụ kim cương trên thị trường đã phần nào hồi phục. Nhưng thị trường kim cương tại Việt Nam đang “đổi màu”, buộc doanh nghiệp kinh doanh cũng như người tiêu dùng có những tính toán cẩn trọng.

Tuy thanh khoản của kim cương không bằng vàng nhưng mức lợi nhuận hấp dẫn nhiều nhà đầu tư không kém gì vàng. Vàng, chứng khoán, bất động sản cùng biến động mạnh. Vậy kim cương có thể là kênh đầu tư ổn định?

Bài 2: Loạn kim cương nhân tạo

Giao dịch tăng

Bà Ngọc, chủ một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM vốn đã “đặt tình yêu” của mình từ rất lâu vào kim cương. Với bà, mua kim cương vừa nhằm thỏa mãn sở thích trang sức, đồng thời đây cũng chính là tài sản “bảo chứng” vô cùng giá trị cho tài sản của mình, cao hơn bất động sản và vượt xa so với vàng.

Nhưng bà Ngọc cho rằng, kim cương cũng ít nhiều chịu điều tiết của kinh tế thế giới, tức là khi kinh tế khỏe mạnh, sức mua sẽ tăng, còn khi yếu, sức mua vào sẽ ở mức cầm chừng.

Ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đưa ra nhận định tương đồng với bà Ngọc. Cách đây hai năm, tại Việt Nam, mức bán ra trang sức kim cương cũng như kim cương rời tăng mạnh nhất. Sở dĩ có chuyện này là thời điểm các nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản trong nước thắng lớn. Chuyện mua vàng dự trữ không còn là lựa chọn số một, mà các nhà đầu tư chuyển sang chọn kim cương.

Thế nhưng, chỉ một năm sau, khi hai kênh đầu tư này không còn “hốt bạc”, sức mua cũng theo đó chìm lắng. Và bước sang năm 2010, sức mua đang có dấu hiệu hồi phục. Ông Hạnh cho biết, doanh số 6 tháng đầu năm của PNJ tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đây vẫn bị coi là tốc độ tăng bình thường, bởi với sức mua cao như hiện nay, đáng lẽ mức tăng phải là 25%.

Sự hồi phục của doanh thu kim cương là thật. Thống kê trong tháng qua của Hiệp hội Kim cương Thế giới cho thấy, các thị trường tiêu thụ lớn liên tục tăng ở mức trên 10%, dù giá kim cương đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Trung Quốc có mức tiêu thụ tăng đáng nể.

Nếu như kinh tế trong năm 2009 vẫn còn khó khăn, thì tổng giá trị kim cương bán ra ở thị trường này đã lên tới 3 tỷ USD, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các nước nhập khẩu kim cương lớn nhất thế giới. Nhưng theo giới phân tích, doanh số kim cương của Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng ở mức 40%.

Ngoài việc Trung Quốc đang lên cơn sốt với kim cương nữ trang, thì mục đích sở hữu vật đắt giá này còn là để đầu tư. Thường những viên kim cương được mua để đầu tư nặng trên 1 cara, nên ước tính năm 2010, sẽ có khoảng 100 ngàn viên kim cương loại này được bán ra ở Trung Quốc.

Không thể đầu tư

Nếu người dân Trung Quốc coi kim cương là kênh đầu tư hữu hiệu, thì liệu Việt Nam sẽ giống vậy? Bà Nguyễn Ngọc Tú, Phó giám đốc Công ty Kim cương Kita khẳng định, kim cương chưa bao giờ được coi là kênh đầu tư, chỉ được coi là kênh bảo toàn tài sản. Và thị trường kim cương mỗi năm của Việt Nam vẫn chỉ được coi là thị trường ngách với doanh số trên 200 triệu USD mỗi năm.

Nhìn xa hơn, bà Tú cho rằng, ngay cả doanh số thị trường kim cương thế giới nói là lớn, nhưng cũng chỉ khoảng 60 tỷ USD/năm, chưa bằng doanh số bán ra một quý của Walmart.

Tính bảo toàn của kim cương tại Việt Nam còn thể hiện ở chỗ Việt Nam không bao giờ xuất khẩu kim cương ra, vì đó là kênh để dành. Những người sử dụng kim cương là người dân, chứ không phải doanh nghiệp. Bà Tú cũng cho biết, ngay cả công ty của bà cũng chỉ nhập vào, chứ không bán ra.

Cũng có nhiều thắc mắc rằng vì sao chưa đưa kim cương lên sàn giao dịch. Ông Hạnh cho rằng rất khó. Vì vàng đưa ra giao dịch chỉ dựa vào giá cả. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thì đã có độ tuổi bốn số 9. Trong khi đó, bảng tiêu chuẩn của kim cương rất “khắt khe”. Ví dụ chỉ một cấp độ màu đã có tới 11 giá, trong khi có tới hơn 100 cấp độ màu cho một viên kim cương. Rồi đến độ chiếu, trọng lượng...

Ông Hạnh cũng cho rằng, đa phần người mua kim cương là người có thu nhập cao. Họ mua để phục vụ cho sự sang trọng, nhưng cũng là nguồn bảo đảm cho đồng tiền của họ, nên nhiều người mua kim cương còn là để dự trữ. Do đó, khách hàng của công ty phân phối kim cương đa phần là khách quen.

Nhưng ông Hạnh cũng cho rằng, lựa chọn sản phẩm kim cương để mua đang có sự biến chuyển. Hiện nay, 70% khách hàng đến PNJ chọn mua nữ trang kim cương, 30% còn lại mua kim cương rời. Bởi khi buộc phải bán lại, người mua có thể chịu lỗ hơn vàng, nhưng bù lại họ được khấu trừ ở khoản nữ trang kim cương được sử dụng, giúp nâng cấp họ ở mặt giao tế. Riêng 30% người còn lại mua kim cương rời, nhưng kín đáo hơn trước đây nhiều.

Doanh nghiệp đối phó

Những thay đổi ở thị trường kim cương buộc các doanh nghiệp phân phối có những toan tính mới. Ông Lê Hữu Hạnh cho rằng, đối phó với những chuyển biến về giá của kim cương cũng tương đối đơn giản và luôn được tính toán trước. Bởi vì, giá kim cương không biến động liện tục như vàng. Trước khi giá lên hoặc xuống đã có tín hiệu báo trước, và khoảng cách giữa lên và xuống luôn khá xa. Từ đây, công ty sẽ có những điều chỉnh chiến lược, nhất là chiến lược làm sản phẩm nữ trang, có thể chuẩn bị trước giá bán giảm hay tăng...

Chính phủ Việt Nam ký kết Quy chế chứng nhận quy trình Kimberley với các nước thành viên ngày 5-11-2002 tại Interlaken, Thụy Sĩ. Theo đó, các thương nhân tham gia hoạt động này chỉ được phép xuất, nhập khẩu kim cương thô với 48 nước thành viên. Thương nhân cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị xác nhận nhập khẩu và xin cấp giấy chứng nhận KP khi xuất khẩu kim cương thô. Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Bộ Công thương tại Hà Nội và TP.HCM là cơ quan có chức năng xác nhận nhập khẩu cho các lô hàng kim cương thô và cấp giấy chứng nhận KP.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho rằng, kinh doanh kim cương cũng phải nhìn vào tình hình kinh tế trong nước, như nhà đất, chứng khoán, thậm chí là tình hình kinh tế của thế giới... để ra cho ra sản phẩm có giá trị tương thích. Thị trường nữ trang thế giới, đặc biệt là sản phẩm có gắn kim cương trong 2 năm qua biến chuyển rất lớn.

Trước đây, nữ trang cao cấp phải dày, kim cương gắn cùng phải lớn. Nhưng với tình hình thế giới “thắt lưng buộc bụng” như thời gian qua, thì trọng lượng sản phẩm nữ trang đã nhẹ phân nửa, viên đính kèm gồm nhiều viên nhỏ gộp lại, chứ không còn là viên kim cương đơn. Làm như vậy, giá sẽ rẻ hơn rất nhiều, có khi chỉ bằng 1/10. Mà thế giới đã như vậy thì thị trường Việt Nam cũng không thể đi ngược lại.

Riêng với bà Nguyễn Ngọc Tú, có hai vấn đề ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh kim cương. Thứ nhất, vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp kinh doanh kim cương chính thống là chuyện kim cương lậu. Theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, 50% lượng kim cương tại Việt Nam không rõ nguồn gốc. Phần là kim cương nhập lậu, phần là “kim cương máu”.

Bà Tú cho biết, việc nhận được lời chào bán “kim cương máu” là chuyện thường. Đây là các loại kim cương được bán ra từ các mỏ khai thác ở châu Phi, tiền thu được dùng để mua vũ khí, ma túy. Kim cương máu được chào thấp hơn giá bình thường tới 40%.

Thứ hai là chuyện chính sách thuế. Mặc dù từ năm 2005, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất xuống 0% nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất đồ trang sức của các doanh nghiệp trong nước. Nhưng trên thực tế, việc nhập khẩu kim cương qua con đường chính ngạch khá hạn chế. Trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu kim cương là đánh thuế trên sản phẩm đã chế tác.

Bà Tú cho biết: “Ví dụ tôi nhập về một viên kim cương giá 100 triệu đồng, bán ra với giá 110 triệu, đóng thuế 10% trên 10 triệu tiền lời đó, tôi còn lời 9 triệu. Chuyện đánh thuế này là tất nhiên. Nhưng chẳng lẽ sau khi nhập kim cương rời chỉ biết bán mà không làm gì? Vậy là chúng tôi cho gắn viên kim cương đó trên một cái nhẫn, giá trị sản phẩm lúc này là 150 triệu đồng, sau đó tôi tiếp tục bán ra với giá 155 triệu đồng. Nhưng điều đáng nói là theo quy định, sau khi chế tác, chúng tôi phải đóng thuế GTGT 10% trên số tiền 155 triệu đó.

Trong khi đó, nếu tôi bán viên kim cương rời chỉ nộp thuế 10% trên tiền lãi. Theo giải thích từ cơ quan thuế, thì đó là do đã trở thành sản phẩm nữ trang rồi. Như vậy với chính sách này, có lẽ cơ quan thuế chỉ khuyến khích doanh nghiệp mua kim cương rời về bán. Còn chuyện chế tác coi như bằng không”, bà Tú phân tích.

NGUYỄN MẠNH DƯƠNG Ảnh: QUÝ HÒA