Miếng ngon người ngoài gắp mất

Đời thường - Ngày đăng : 04:22, 23/08/2010

Việt Nam đang là đích đến của các đơn vị cung cấp thiết bị âm thanh, hình ảnh phục vụ cho nhu cầu biểu diễn quốc tế. Theo đánh giá của các đơn vị này, thị trường công nghệ giải trí, mà chủ yếu là lĩnh vực nghe nhìn, tại Việt Nam đang trong thời gian chuẩn bị bùng nổ.
Miếng ngon người ngoài gắp mất

Việt Nam đang là đích đến của các đơn vị cung cấp thiết bị âm thanh, hình ảnh phục vụ cho nhu cầu biểu diễn quốc tế. Theo đánh giá của các đơn vị này, thị trường công nghệ giải trí, mà chủ yếu là lĩnh vực nghe nhìn, tại Việt Nam đang trong thời gian chuẩn bị bùng nổ.

Hấp dẫn dù thiếu và yếu

Bất chấp thị trường ca nhạc đang bị “đóng băng”, CD ra mắt rời rạc, chương trình ca nhạc không thể tổ chức vì thiếu tài trợ, sân khấu cải lương truyền thống không thể sáng đèn, kịch nói thiếu kịch bản hay..., ngành truyền thông giải trí Việt Nam vẫn được xếp vào loại phát triển mạnh mẽ và nhanh nhất thế giới nhờ vào một thị trường rộng lớn với tỷ lệ người dân trong độ tuổi thanh, thiếu niên khá cao.

Gian hàng của công ty Vitron (Singapore) tại triển lãm PALME - Ảnh Quý Hòa

Nhận định về thị trường giải trí Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết, theo thông tin trong ngành, hiện nay Việt Nam đang được xem là quốc gia có nhiều tiềm năng về lĩnh vực giải trí. Có thể thấy rõ điều này qua số lượng hơn 200 doanh nghiệp đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới tham dự triển lãm Ngành công nghệ giải trí PALME vừa qua.

Bà Rosalind, Giám đốc Điều hành Công ty IIR Exhibitions khu vực châu Á, đơn vị tổ chức PALME, tiết lộ, dù đây là lần đầu tiên PALME được tổ chức tại Việt Nam nhưng đã thu hút nhiều công ty trong nước cũng như quốc tế tham gia. Ban tổ chức đã phải mở rộng thêm diện tích khu vực triển lãm nhằm đáp ứng số lượng doanh nghiệp đăng ký tham dự lớn hơn so với dự kiến.

TS. Pavol Kubosek, Giám đốc KVANT, đơn vị cung cấp giải pháp ánh sáng laser của Slovakia, cũng thừa nhận, theo các kết quả nghiên cứu thị trường mà ông có được thì lượng tiêu thụ các thiết bị âm thanh, ánh sáng tại Việt Nam đang tăng rất cao. Nguyên nhân là vì các đơn vị đầu tư kinh doanh dịch vụ giải trí xuất hiện ngày càng nhiều.

Thêm vào đó, chủ trương hướng phát triển là sẽ tập trung cho du lịch, khuyến khích các thành phố lớn của Việt Nam tổ chức các lễ hội để thu hút du khách.

Trái với sự bão hòa của công nghiệp giải trí ở các nước phương Tây, lối sống hiện đại của thanh niên Việt Nam hiện nay gắn liền với giải trí, buộc các nhà đầu tư phải trang bị dịch vụ, giải pháp nghe nhìn ngày một tốt hơn nữa. “Đây chính là thị trường mới mà chúng tôi phải quan tâm”, TS. Pavol Kubosek chia sẻ.

Bao nhiêu chỗ lệch phải kê cho bằng

Nhận thức được tiềm năng của thị trường, ông Jim Hardaway, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Neo - Neon quốc tế, đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp các giải pháp chiếu sáng trong lĩnh vực giải trí, cho biết, cách đây hai năm, Neo - Neon quốc tế đã lập hẳn công ty tại Việt Nam, bao gồm hai văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM cùng với nhà máy sản xuất ở Thái Bình để đón đầu cơ hội.

Đây cũng là đơn vị kinh doanh thiết bị âm thanh, ánh sáng quốc tế đầu tiên chọn Việt Nam để đầu tư. “Tuy hiện nay thị trường chưa phát triển đúng mức, nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao thị trường giải trí ở Việt Nam.

Dự kiến, đến năm 2015, thị trường này sẽ phát triển đến 85% so với hiện nay”, ông Jim Hardaway nhận định. Ông cũng cho biết thêm, với sự phát triển như thế, vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ bứt khỏi Thái Lan, thị trường hấp dẫn nhất hiện nay, trong việc sản xuất và tiêu thụ các thiết bị nghe nhìn, âm thanh, ánh sáng...

Cùng với Neo - Neon, khá nhiều tập đoàn sản xuất các thiết bị nghe nhìn khác có mặt tại PALME đều cho rằng, việc xây dựng thị trường cho mình tại Việt Nam là hướng đầu tư chiến lược.

Chưa bao giờ doanh nghiệp quốc tế lại có nhiều nhận định “đắt giá” đến vậy đối với ngành công nghệ giải trí của Việt Nam. Với điều kiện đời sống, kinh tế hiện nay, quả thực khó mà phủ định tính hấp dẫn của công nghiệp giải trí Việt Nam nhưng nhìn lại, rõ ràng đang tồn tại sự chênh lệch quá lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước ở lĩnh vực này.

Có được thương hiệu trong ngành có lẽ chỉ có thể kể tên Tân Hữu Tài, Văn Nghệ. Một thị trường quá lớn lại hoàn toàn để cho doanh nghiệp nước ngoài tung hoành liệu có quá phí phạm khi công tác đào tạo nhân lực ngành này tại Việt Nam đã được chú ý đầu tư từ vài năm trước?

PHƯƠNG QUYÊN