Tính toán lại khi nhân dân tệ tăng giá
Trong nước - Ngày đăng : 06:29, 06/10/2010
Khi mỗi đồng tệ xấp xỉ mức 3.000 đồng Việt Nam, không chỉ nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng mà các nhà sản xuất thường nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn.
Tác động của việc đồng tệ tăng giá thể hiện rõ nhất với các hoạt động nhập khẩu hàng tiểu ngạch, chủ yếu là hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, chủ một đại lý quần áo Trung Quốc tại Hải Phòng cho biết, đại lý này chưa tính tới việc tăng giá hàng bán ra. Lý do vì mức tăng 1% trên mỗi nhân dân tệ chưa tác động quá lớn tới đầu vào của hàng hoá.
Giảm buôn hàng giá rẻ
Mua bán nhân dân tệ tại chợ biên giới phía Bắc. Ảnh: Trần Việt Đức |
Tuy nhiên, với các tỉnh phía Nam, bài toán chi phí lại đội lên. Thống kê của siêu thị Hà Nội, nơi từng có đến 80% hàng may mặc thời trang nhập từ Trung Quốc, hiện còn tồn lại khoảng hơn 10% hàng Trung Quốc.
Bà Hải, chủ siêu thị nói rõ: “Với mức giá bình quân 150.000 – 200.000 đồng/sản phẩm may mặc, mua hàng tại Việt Nam sẽ có chất lượng may tốt hơn, và nếu chủ động mua vải, chọn mẫu, mang đặt may gia công thì vẫn có hàng giá rẻ và đảm bảo được độ bền”.
Ghi nhận từ những người buôn bán tại chợ sỉ quần áo may sẵn và giày dép An Đông (TP.HCM), những mẫu hàng giá rẻ từ Trung Quốc về giảm hơn một nửa so với ba tháng trước.
Theo tính toán của người nhập hàng, khi tỷ giá tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng khoảng 5%, chi phí cho các chuyến mua hàng, chi phí thuê kho, tính ra giá bán lẻ một chiếc áo thun hoặc áo kiểu tăng 30.000 – 80.000 đồng, một đôi giày tăng 30.000 – 50.000 đồng. Mức tăng này khiến cho hàng giá rẻ ít lợi nhuận.
Chủ sạp bán sỉ Diên Phương cho biết: “cũng mức lãi 10%, bỏ sỉ đôi giày giá 200.000 – 300.000 đồng còn lãi được 20.000 – 30.000 đồng, nếu bỏ sỉ loại dưới 100.000 đồng không đủ để bù các chi phí hàng ngày ở chợ”.
Thiệt đôi đường
Buổi họp của hội đồng quản trị và ban giám đốc của một công ty chuyên đặt nhóm hàng điện thoại di động kéo dài từ hai giờ chiều tới bảy giờ tối mới có được quyết định cuối cùng: chưa tăng giá cho những chiếc điện thoại vào thời điểm này. Theo cách tính của ông Ngô Nguyên Kha, phó tổng giám đốc P&T Mobile, đơn vị đặt hàng các hãng bên Trung Quốc gia công đang gánh hai lần thiệt khi tỷ giá tăng.
Nhân dân tệ hiện lên giá 10% so với đôla Mỹ, với mức giá hiện nay là 7,73 đồng tệ ăn một USD và đồng tệ cũng tăng giá so với tiền đồng. Ông Kha cho hay, khoản chênh này phía Việt Nam gánh, và một chiếc điện thoại có giá 20 USD như trước đây, việc chuyển từ tiền đồng sang nhân dân tệ và từ nhân dân tệ sang tiền USD, giá đội thêm khoảng chừng 40.000 đồng.
Bà Nguyễn Hạ Đoan (công ty An Bình Telecom – ABTel với nhãn hàng Q-Mobile) cũng cho rằng, tỷ giá ảnh hưởng đến giá thành của những sản phẩm đang được đặt hàng gia công bên Trung Quốc. Tuy nhiên, “nếu tăng giá vào lúc này sẽ không có lợi cho nhà sản xuất và tiêu dùng. Sức mua đang chậm”, bà Đoan nói.
Một giám đốc công ty ở quận 1, thường xuyên mua bán các nguyên liệu, hoá chất từ Trung Quốc cho rằng, doanh nghiệp còn chịu thêm khoản chi phí thanh toán. Dù thanh toán trực tiếp hay qua trung gian, thì nhà kinh doanh không bao giờ quy đổi thẳng tiền đồng Việt Nam ra nhân dân tệ, mà thường phải qua đồng tiền thứ ba, thường là đôla, và tỷ giá tính theo thị trường tự do, nên doanh nghiệp thường mất khoảng 1 – 2% khi chuyển đổi giữa các đồng tiền.
Tìm nguồn cung thay thế
Ông Dương Quốc Nam, chủ doanh nghiệp nội thất Phố Xinh cho biết: “Trước đây khi giá đôla Mỹ cao, nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đều phải trả bằng đôla. Nay nhân dân tệ tăng giá, dù trả bằng đôla Mỹ hay tệ, thì phía Trung Quốc cũng tính giá gốc bằng nhân dân tệ, sau đó quy đổi sang đôla để người mua hàng thanh toán.
Tính theo cách nào thì người mua cũng bị tăng giá”. Theo ông Nam, giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay đã tăng 10% so với tháng trước. Ông Nam cho hay, tính theo tỷ giá mới, nhập vải bọc salon từ Ấn Độ hoặc Malaysia, vải da của Argentina có giá tương đương, chất lượng tốt hơn và hoa văn mới lạ hơn.
Trong lúc thị trường tiêu thụ không khả quan lắm, việc hạ giá thành đầu vào rất được chú trọng. Không riêng gì Phố Xinh tìm nhà cung cấp khác, công ty sản xuất hàng gia dụng Hatech có nhà máy đặt tại Long Thành cũng đã thay đổi nhà cung cấp nguyên liệu khi tỷ giá nhân dân tệ tăng.
Bà Nguyễn, giám đốc công ty Hatech nói: “Cùng là nguyên liệu sơn dùng trong sản xuất nồi chảo chống dính, nếu mua của nhà máy đặt tại Trung Quốc tính theo tỷ giá đầu năm chỉ chừng 32.000 – 34.000 đồng/kg, nay tính theo tỷ giá mới lên gần 40.000 đồng/kg, trong khi đó nếu mua từ Singapore tính giá 18 USD/kg, quy đổi ra tiền Việt chỉ khoảng 35.500 đồng/kg”.
Cả hai chủ doanh nghiệp trên đều cho rằng, việc có nguồn cung cấp từ các nước khác khiến họ tự tin hơn về độ an toàn. Ông Nam nói: “Né được xuất xứ nguyên liệu Trung Quốc, có được lợi thế dễ bán hàng hơn do người mua hàng ở Việt Nam lẫn nước ngoài đều ngán ngẩm với các tai tiếng về chất lượng hàng Trung Quốc”.