Hạ gục Facebook
Bình luận - Ngày đăng : 00:32, 22/10/2010
![]() |
Những người khổng lồ công nghệ như Facebook, eBay, Yahoo! hay Google không hẳn có chỗ đứng tại nhiều nước đang phát triển. Yếu tố văn hóa vừa là lợi thế vừa là rào cản đối với những công ty Mỹ này.
Sau những trục trặc của Google tại Trung Quốc, công ty bản địa Baidu đã lên như diều gặp gió. Trong thị trường tìm kiếm trị giá 1 tỷ USD tại đại lục hiện nay, Baidu đã chiếm hơn 75% thị phần, dự kiến sẽ lên mức hơn 90% trong vòng hai năm tới. Và như thế, người khổng lồ Google chỉ là cậu bé tí hon ở Trung Quốc.
![]() |
Sức mạnh của Baidu cho thấy các công ty bản địa hoàn toàn có thể quật ngã được những gã khổng lồ công nghệ từ Mỹ như Google hay Yahoo!. Logic này đang ứng vào với cả mạng xã hội lớn nhất thế giới là Facebook, và rủi ro đến với Facebook không chỉ là các đối thủ tại Trung Quốc.
Chẳng hạn, Ibibo, một mạng ở Ấn Độ, đang đẩy Facebook ra khỏi cuộc chơi tại Ấn Độ. Kể từ khi thành lập vào tháng 1/2007, đến nay Ibibo đã thu hút được 3,7 triệu người sử dụng, trở thành trang mạng giao tiếp xã hội trong nước lớn nhất ở Ấn Độ.
70% người sử dụng Facebook là ở bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, Grant Blank, người nghiên cứu về các hệ quả văn hóa và xã hội của mạng tại Viện Nghiên cứu Internet, đại học Oxford, nhận định: “Thành công của Facebook cũng là nhờ sự thống lĩnh của tiếng Anh và có lẽ nhờ văn hóa Mỹ nữa. Mặc dù vậy, chuyện đó cũng có giới hạn. Có rất nhiều sự khác biệt thực sự tại các địa phương”.
Chính vì vậy, bất chấp thực tế hiện có tới 43,9% số người dùng internet trên thế giới đang sử dụng mạng xã hội Facebook, theo số liệu từ các hệ thống khác như Google Adplanner và CNNIC, thị phần của Facebook tại Trung Quốc gần như bằng 0.
Người dùng internet tại quốc gia đông dân nhất thế giới này chủ yếu sử dụng bốn mạng xã hội nội địa là Qzone, Renren, Kaixin001 và 51.
Theo comScore, hãng nghiên cứu và phân tích dữ liệu internet hàng đầu thế giới, trừ Ấn Độ, mạng xã hội bản địa tại các quốc gia còn lại đều vượt khá xa so với Facebook với các tên tuổi như: Wretch.cc (Đài Loan) Hyves (Hà Lan), Orkut (Brazil), ZingMe (Việt Nam), CyWorld (Hàn Quốc), Vkontakte (Liên bang Nga) và Mixi.jp (Nhật Bản).
Cũng do yếu tố văn hóa, eBay khá chật vật tại Trung Quốc khi gặp phải đối thủ bản xứ là Alibaba.com. Chỉ riêng công ty con của Alibaba là Taobao hiện chiếm tới 75% thị phần bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc.
eBay thất bại trong việc nhận ra rằng thị trường Trung Quốc và môi trường kinh doanh rất khác so với phương Tây. eBay gửi một nhà quản lý người Đức để lãnh đạo hoạt động ở Trung Quốc và đưa ra một giám đốc kỹ thuật từ Mỹ. Không ai trong số họ biết nói tiếng Trung Quốc và hiểu thị trường địa phương...
Trong khi đó, để gia tăng sức mạnh tài chính, các công ty công nghệ tại các nền kinh tế mới nổi đang có sự liên kết chặt chẽ nhằm đối đầu với sức cạnh tranh của những đối thủ Mỹ.
Tencent có 35% cổ phần là do Naspers, một công ty truyền thông của Nam Phi, sở hữu. Naspers và Tencent lại đồng sở hữu Ibibo; có cổ phần trong công ty DST và Mail.ru của Nga, là mạng nhắn tin phổ biến nhất tại Nga với hơn 16 triệu người sử dụng...