Phát hiện loài thằn lằn sinh sản vô tính mới tại Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 06:24, 10/11/2010

Điều ngạc nhiên là một món ăn phổ biến trong thực đơn của nhà hàng Việt Nam hóa ra lại là loài thằn lằn trước đây chưa từng được khoa học biết đến – nhà khoa học Mỹ hài hước nói về việc ông tình cờ phát hiện loại bò sát mới tại Việt Nam.
Phát hiện loài thằn lằn sinh sản vô tính mới tại Việt Nam

Điều ngạc nhiên là một món ăn phổ biến trong thực đơn của nhà hàng Việt Nam hóa ra lại là loài thằn lằn trước đây chưa từng được khoa học biết đến – nhà khoa học Mỹ hài hước nói về việc ông tình cờ phát hiện loại bò sát mới tại Việt Nam.

Loài thằn lằn mới được phát hiện

Hơn cả thế, loài thằn lằn mới được tìm thấy không phải là loài bò sát tầm thường – đó là những loài bò sát chỉ có con cái sinh sản vô tính, có nghĩa là không cần đến những con đực.

Những con vật này không phải là loài gì quá kỳ dị, vì khoảng 1% số thằn lằn có thể sinh sản đơn tính, có nghĩa là các con cái tự rụng trứng và tự phát triển thành dòng vô tính để cho ra đời những thằn lằn con mang trên mình đường vằn xanh di truyền.

“Người Việt Nam đã dùng loài thằn lằn này để chế biến thực ăn”, nhà nghiên cứu bò sát Lee Grismer của Đại học La Sierra ở Riverside, California (Mỹ), người đã phát hiện loài bò sát này, nói. “Ở đông nam Việt Nam, thuộc khu vực châu thổ sông Mê Công, nhiều nhà hàng đã phục vụ khách những loài bò sát mà bản thân họ cũng không rõ là loài gì, và chúng tôi cũng mới chỉ phát hiện ra loài thằn lằn này”.

Đồng sự người Việt Nam của ông Grismer, nhà “thằn lằn học” Ngô Văn Trí của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã phát hiện nhiều loài thằn lằn được bán trong các nhà hàng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhận thấy những loài bò sát này đều giống nhau một cách kỳ lạ, Ngô Văn Trí đã gửi những bức ảnh cho Grismer và con trai ông là Jesse Grismer, một nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành bò sát tại Đại học Kansas.

Hai cha con Grismer ngờ rằng họ có thể đang xem những bức ảnh về loại thằn lằn chỉ có giống cái. Đó là bởi vì hai cha con biết rằng loại thằn lằn này có thể thuộc giống Leiolepis, các con cái và con đực có màu sắc riêng biệt – mà trong những bức ảnh thì dường như không có con nào là con đực.

Hai cha con đã đáp máy bay đến Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại cho nhà hàng giữ lại những con thằn thằn, và bắt đầu hành trình 8 giờ đi xe máy để đến nơi – nhưng mọi việc kết thúc trong thất vọng. Số thằn lằn đã bị bán cho khách. May mắn là những nhà hàng khác đã có loại thằn lằn này trong thực đơn và những đứa trẻ bản xứ đã giúp ông bắt thêm được từ vùng đất xung quanh. Cuối cùng, cha con nhà Grismer đã kiểm tra được gần 70 con thằn lằn và tất cả trong số này đều là con cái.

Theo ông Grismer, loại bò sát mới cũng có thể là vật lai từ 2 loài bò sát “có quan hệ” - một hiện tượng có thể xảy ra ở những khu vực giáp ranh giữa hai môi trường sống. Ví dụ như nơi sinh sản của loại thằn lằn mới – khu Bảo tồn Bình Châu-Phước Bửu, nằm giữa vùng rừng rậm và những cồn cát ven biển. “Vì vậy, loài vật có thể sống tốt ở môi trường này hoặc môi trường khác đôi khi sẽ tái sinh sôi nảy nở để cho ra đời một thế hệ lai”.