Tháo “nút thắt” để kinh tế nông thôn phát triển

Trong nước - Ngày đăng : 02:29, 12/12/2010

Hiện nay, kinh tế khu vực nông thôn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Bởi vậy để bộ mặt nông thôn Việt Nam đổi mới, chúng ta cần những giải pháp thiết thực.
Tháo “nút thắt” để kinh tế nông thôn phát triển

Hiện nay, kinh tế khu vực nông thôn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Bởi vậy để bộ mặt nông thôn Việt Nam đổi mới, chúng ta cần những giải pháp thiết thực.

Với 70% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp luôn là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.

Với 70% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp luôn là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam. Vì thế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế khu vực này. Đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đến nay đã hơn 2 năm, tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo động lực xây dựng nông thôn mới.

Triển khai Nghị quyết 26 đến nay, nhìn chung các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ, nhất là chính sách tín dụng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện và đưa chính sách vào cuộc sống vẫn còn khó khăn, hạn chế, kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và định hướng của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Phong Quang- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thông vấn đề quy hoạch là rất quan trọng vì đấy là nền tảng để phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản. Nhưng người dân làm nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn vất vả và vẫn thuộc nhóm người nghèo nhất của xã hội.

Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn ở mức trên 2 lần. Tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn (18,1%) cao gấp 6 lần khu vực thành thị (3,1%).

Nghiên cứu của một số tổ chức cho thấy, một bộ phận nông dân đang nảy sinh tâm lý chán ruộng vì thu nhập quá thấp. Việc làm của thanh niên nông thôn đang là một bài toán nan giải.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Những bất cập lớn được chỉ ra là hiện ruộng đất cho canh tác đã quá manh mún, đất nông nghiệp ngày càng teo tóp. Hiện cả nước có 70 triệu thửa đất nông nghiệp nhưng chưa đến 4 triệu ha đất trồng lúa.

Theo Bộ NN&PTNT, bình quân mỗi năm có 73.300 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người. Trong 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp thu hồi trên toàn quốc lên tới hơn 154.000 ha, đồng nghĩa việc diện tích đất trồng lúa giảm 7,6%.

Trong khi đó, chính sách đất đai cho nông nghiệp còn quá nhiều bất cập, chậm được sửa đổi. Ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận xét: “Chính sách phát triển nông nghiệp hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại như: tài chính, tín dụng. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là nghiên cứu chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ mới cho người nông dân. Đây cũng là động lực rất cơ bản. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề khác là tập trung đầu tư ngân sách nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Trước thực tế như vừa nêu, tại hội thảo với chủ đề “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn”, các tổ chức, địa phương trong cả nước thống nhất cho rằng, phải có sự tích cực tham gia của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã ban hành. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cách làm mới phù hợp để các chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Vũ Huy Hoàng- Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế khu vực nông thôn biện pháp đầu tiên là phải tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó là hệ thống tiêu thụ, thông tin, thị trường giúp cho bà con cũng hết sức quan trọng.

Tại hội thảo lần này, một loạt các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng) và vai trò các hiệp hội đã được đưa ra. Nhiều cơ quan quản lý, viện nghiên cứu kinh tế… kiến nghị, trong việc tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; hạn chế rủi ro trong sản xuất; hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Giàu- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, hội thảo là diễn đàn góp phần tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, với các giải pháp đưa ra tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực này cũng như hoàn thiện chính sách tam nông để nông thôn Việt Nam có diện mạo mới theo hướng văn minh hiện đại

Có thể nói, hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn” được tổ chức với các ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia và từ thực tế các địa phương sẽ thêm một kênh thông tin giúp Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để triển khai chính sách tam nông một cách hiệu quả, có chiều sâu.

Bởi lẽ, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ lâu dài nhưng hết sức cấp thiết. Cụ thể hóa các giải pháp này, tại hội thảo, các tổ chức ngân hàng và các hiệp hội, doanh nghiệp đã ký 7 thỏa thuận hợp tác góp phần thúc đẩy nông nghiệp –nông thôn phát triển.