'Làm lãnh đạo phải biết nhận khuyết điểm'

Trong nước - Ngày đăng : 07:22, 16/01/2011

Làm Ủy viên trung ương phải có tư duy đổi mới, dám hành động quyết liệt. Thứ hai là phải khiêm tốn, làm càng nhiều việc thì càng có nhiều khuyết điểm, nhưng quan trọng là phải biết nhận khuyết điểm", ông Vũ Mão, nguyên ủy viên trung ương Đảng 5.
'Làm lãnh đạo phải biết nhận khuyết điểm'

"Làm Ủy viên trung ương phải có tư duy đổi mới, dám hành động quyết liệt. Thứ hai là phải khiêm tốn, làm càng nhiều việc thì càng có nhiều khuyết điểm, nhưng quan trọng là phải biết nhận khuyết điểm", ông Vũ Mão, nguyên ủy viên trung ương Đảng 5 khóa.

"Nhân dân đang ngày càng quan tâm đến nhân sự của Đảng". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị nhân sự ở đại hội XI?

- Trong những kỳ đại hội gần đây sự quan tâm của người dân tới nhân sự Đại hội Đảng ngày càng nhiều, chứng tỏ ý thức chính trị của nhân dân ta ngày càng cao. Họ nhận thức rằng Đảng đang chọn nhân sự xứng đáng lãnh đạo Đảng và chính là lãnh đạo đất nước. Người lãnh đạo của Đảng với đạo đức tốt và tầm trí tuệ càng cao thì nhân dân càng được nhờ, đất nước tiến lên mạnh mẽ.

Tôi cho rằng nhân sự ở đại hội Đảng XI lần này đã có bước chuẩn bị khá công phu, theo quy trình tương đối hợp lý. Các nhiệm kỳ trước thường tiến hành 14 hội nghị trung ương, nhưng nhiệm kỳ khóa X này có tới 15 hội nghị Trung ương. Việc làm đó nhằm chuẩn bị tốt nhất công tác nhân sự khóa mới.

 - Các đại hội Đảng gần đây thường đưa ra con số 160, 175 ủy viên Trung ương. Cơ sở nào để đưa ra con số này thưa ông?

- Số lượng Ủy viên Trung ương là căn cứ vào nhu cầu công tác, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực và các địa bàn. Trước đây không nhất thiết các Bí thư Tỉnh ủy tham gia Ban chấp hành Trung ương nhưng nay thì khác. Vị trí của cấp tỉnh rất quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy tham gia Ban chấp hành Trung ương sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh nhạy và sâu sắc những chủ trương mà Trung ương bàn.

Những Bộ, ngành và địa phương có vị trí quan trong thì cần có Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách. Ví dụ như, Bộ Quốc phòng thì Bộ trưởng là Ủy viên Bộ Chính trị và có một số Ủy viên Trung ương phụ trách các cơ quan quan trọng. Bộ Công an hay Bộ Ngoại giao cũng tương tự như vậy.

- Từng tham gia 5 khóa Trung ương, ông cho biết khi trúng Ủy viên Trung ương thì có quyền lợi và trách nhiệm gì?

- Ủy viên Trung ương có một số nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế của Ban chấp hành Trung ương. Đồng thời, theo thông lệ, các Ủy viên Trung ương được phân công phụ trách một công tác cụ thể và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức ấy. Ví du, một Ủy viên Trung ương được Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng thì phải thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ. Không có Ủy viên Trung ương nào vào Ban chấp hành một cách chung chung.

Qua thực tiễn cho thấy, ở Trung ương thì đa số các Ủy viên Trung ương được phân công trong các cơ quan Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát; một số đồng chí công tác ở các cơ quan của Đảng và các đoàn thể...

- Ông đánh giá thế nào về nhân tố trẻ trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khi mà số lượng Ủy viên cũ tái cử những khóa gần đây thường chiếm tới 2/3?

"Để trẻ hóa lãnh đạo Đảng thì vấn đề quan trọng là chọn ra được nhiều Ủy viên dự khuyết trẻ tuổi". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Nói về trẻ hóa thì tôi nói rộng một chút qua cách lựa chọn của các nước trên thế giới. Các nước cũng nói về tầm quan trọng của trẻ hóa nhưng người ta không cường điệu, không nhấn mạnh cái trẻ quá mức mà nhấn mạnh về yêu cầu đủ đức, đủ tài, đủ tiêu chuẩn để đáp ứng vị trí công tác.

Và đương nhiên, việc tranh cử để lựa chọn người xứng đáng cho mỗi vị trí đó là rất cần thiết. Ví dụ, cuộc bầu cử Tổng thống vừa rồi ở Mỹ có sự tranh cử giữa ứng viên của Đảng Cộng hòa là John McCain ngoài 70 và ứng cử viên Đảng Dân chủ là Obama chưa tới 50 tuổi. Hai người chênh nhau tới 20 tuổi. Obama trúng cử thì là người trẻ, nhưng nếu John McCain trúng cử thì lại là người già. Quan niệm người già, người trẻ họ không quá coi trọng mà yếu tố thực sự có đạo đức và tài năng mới là hàng đầu.

Ở nước ta, Ban Chấp hành trung ương mỗi nhiệm kỳ có khoảng 1/3 Ủy viên cũ nghỉ cũng là chuyện bình thường. Gần đây chúng ta quy định chặt chẽ hơn về tuổi tác của người tham gia Trung ương. Người lần đầu tham gia Trung ương phải dưới 55 tuổi. Người tái cử Ủy viên Trung ương không quá 60 tuổi. Ủy viên Bộ Chính trị tái cử không quá 65 tuổi.

Theo tôi đấy là quy định mang tính ước lệ. Vì quy định là như vậy song cuối cùng lại phải mở ra cho những trường hợp đặc biệt. Đây là vấn đề rất tế nhị, nếu cứng nhắc một kiểu nào đó thì có khi bỏ phí một lượng chất xám vô giá. Vì thế cần nghiên cứu và rút ra những kết luận thỏa đáng về vấn đề này.

- Thưa ông với quy định hiện nay có thể hiểu độ tuổi của ủy viên trung ương ở Việt Nam sẽ chủ yếu 50-65?

- Đúng vậy. Với quy định như thế thì hình thành một đội ngũ lãnh đạo 50-65 tuổi là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, như tôi đã nói, quy định độ tuổi chỉ mang tính ước lệ và cần tiếp tục thảo luận để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Trong trường hợp ngược lại, nếu không nâng đỡ, không dìu dắt thì chúng ta lại không tạo điều kiện cho người trẻ tham gia chính trường. Cho nên quan điểm của tôi là muốn bồi dưỡng lớp trẻ phải bồi dưỡng từ các Ủy viên dự khuyết. Để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Đảng thì vấn đề quan trọng là chọn ra được nhiều Ủy viên dự khuyết trẻ tuổi.

Tỷ lệ Ủy viên dự khuyết nên bằng tỷ lệ ¼ số Ủy viên chính thức. Thực tế một vài khóa trước đây tỷ lệ ấy còn cao hơn nhiều. Nếu ta quyết tâm chọn thì những cán bộ khoảng trên 30 tuổi có thể tham gia Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng. Tôi nhớ lại, một số Ủy viên dự khuyết của các nhiệm kỳ trước, chỉ sau một hai khóa họ đã trở thành những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

- Trong các Đại hội gần đây, phần lớn Ủy viên Bộ Chính trị đều đã là Ủy viên trung ương ít nhất 2 khóa và Tổng bí thư là Ủy viên Bộ Chính trị ít nhất 2 khóa. Ông nghĩ gì trước ý kiến lãnh đạo thượng tầng của Việt Nam ít có cơ hội cho người trẻ?

- Trong Điều lệ Đảng không có quy định về vấn đề trên, nhưng nó hình thành trong nhận thức và thành thông lệ. Tuy nhiên cũng có những trường hợp hãn hữu. Ví dụ, trường hợp anh Lê Khả Phiêu, tham gia Ban Chấp hành trung ương khóa VII, lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Tham gia được nửa nhiệm kỳ thì anh vào Ban bí thư. Sang nhiệm kỳ khóa VIII vào Bộ Chính trị và là Thường trực Ban bí thư; đến khóa VIII là Tổng bí thư. Như vậy anh Lê Khả Phiêu là Tổng bí thư khi tham gia trung ương chưa trọn 2 nhiệm kỳ.

- Theo quy định, ngoài nhân sự do Ban chấp hành trung ương khóa trước giới thiệu, đại biểu đại hội có thể ứng cử hoặc đề cử ứng viên khác. Nhưng vì sao tỷ lệ tự ứng cử hoặc đề cử tại Đại hội được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương rất thấp?

- Tôi cho là đại biểu của Đại hội đã gửi gắm niềm tin vào sự giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ. Do đó những người tự ứng cử hoặc đề cử tại Đại hội trúng cử rất thấp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, từ hiện tượng này cũng cần nghiên cứu một cách nghiêm túc để có thể đổi mới quy trình công tác nhân sự, bản chất của vấn đề là phải dân chủ hơn nữa và cần có tranh cử.

Ông Vũ Mão từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chánh văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Tuy nhiên, tôi nhớ có 2 trường hợp không được Ban chấp hành khóa trước giới thiệu nhưng trúng vào ủy viên trung ương là trường hợp anh Phạm Song, Bộ trưởng Y tế khóa VII và anh Bùi Danh Lưu Bộ trưởng Giao thông Vận tải khóa VIII. Khi ra đại hội Đảng hai anh mới được đại biểu giới thiệu và trúng cử.

- Là người tham gia nhiều khóa Trung ương, ông đánh giá cao tiêu chuẩn nào ở một Ủy viên Trung ương?

Ông Vũ Mão, sinh năm 1939, là Ủy viên trung ương 5 khóa 5,6,7,8,9. Ông từng đảm nhiệm cương vị Chánh Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

- Tiêu chuẩn đầu tiên của người lãnh đạo là phải có tư duy đổi mới và đồng thời phải dám hành động quyết liệt. Cái đó nhân dân đang rất mong chờ. Cái thứ hai là phải khiêm tốn, không kiêu ngạo, không chủ quan, không thỏa mãn; làm càng nhiều việc thì càng có nhiiều Khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhận khuyết điểm. Cái thứ ba là phải thực sự là công bộc của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; rèn luyện bản thân để sống trong sạch, không tham lam, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Thực tiễn, một số Ủy viên Trung ương có chủ quan, có kiêu ngạo. Lênin từng nói, bệnh kiêu ngạo cộng sản là một nguy cơ. Nhìn lại, chế độ Xô viết bị đổ vỡ cũng một phần vì những người lãnh đạo mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc kiềm chế tính tham lam, nhất là trong cơ chế thị trường - môi trường này dễ tạo cho người ta nhiều cơ hội không giữ được mình. Người lãnh đạo phải là công bộc của dân, lo cho dân, không thể theo kiểu lo cho dân một thì lại lo cho bản thân anh nhiều hơn một.