Các chương trình giải trí, lễ hội xuân tại Hà Nội
Thời sự - Ngày đăng : 04:58, 27/01/2011
Phố ông đồ Văn Miếu:
Phố ông đồ Văn Miếu - Ảnh: Tuấn Phùng |
Phố ông đồ được hình thành sau ngày 15 tháng chạp và bắt đầu nhộn nhịp sau ngày 20. Từ ông đồ già như tiến sĩ Cung Khắc Lược đến những ông đồ trẻ bất chấp cái lạnh của Hà Nội đều tụ về dãy phố Văn Miếu bên cạnh Quốc Tử Giám để viết chữ.
Bên cạnh các ông đồ viết chữ Hán, giờ xuất hiện ngày càng nhiều ông đồ viết thư pháp tiếng Việt. Thông thường, phố ông đồ sẽ kết thúc vào cuối tháng giêng.
Lễ hội xuân Hà Nội 2011:
Từ ngày 24 tới ngày 29 tháng chạp (tức 27/1 tới 1/2/2011), lễ hội xuân diễn ra tại khu vực hồ Thiền Quang.
Lễ hội bao gồm nhiều hoạt động: trưng bày các mô hình mỹ thuật và hoa, tiểu cảnh hoa về thủ đô Hà Nội, tranh, ảnh, hoa xuân, thư pháp, câu đối...
Hội chợ hoa xuân trưng bày và bán các loại hoa tươi, khô, các sản phẩm hoa, giống hoa, cây cảnh, các hàng hóa về hoa, đồ thờ cúng, một số mặt hàng quà tết truyền thống.
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ chèo, cải lương, kịch nói, múa rối...
Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều cuộc thi được tổ chức dành cho các nghệ nhân và công chúng như: hội thi nghề, các trò chơi dân gian, trò chơi xuân, các cuộc thi cắm hoa, làm hoa giấy, điêu khắc hoa, tranh hoa, ảnh hoa, đèn lồng hoa, thiệp hoa.
Lễ hội hoa xuân và đồ uống tết 2011
Hát giao duyên người Dao |
Diễn ra từ ngày 25 đến 30/1, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Điểm nhấn của lễ hội năm nay là triển lãm và lấy ý kiến người dân về “quốc phục”, “quốc hoa”, “quốc tửu” Việt Nam. Trong đêm hội “Hồn sen Việt” diễn ra lúc 20g ngày 29/1 (tức 26 tháng chạp), ban tổ chức sẽ công bố kết quả bình chọn “quốc hoa”.
Đặc biệt, sự kiện năm nay sẽ tái hiện một góc phiên chợ vùng cao Đồng Văn, Hà Giang. Khách sẽ được tham quan chợ phiên, mua bán các sản vật của địa phương như: mật ong, măng, mộc nhĩ, nấm hương… và được thưởng thức ẩm thực vùng cao như: thắng cố, mèn mén; tham gia các hoạt động lễ hội, múa khèn, hát đối… và chương trình nghệ thuật “Sắc hoa Hà Giang”.
Ngoài ra, hội chợ còn dành riêng khu giới thiệu cách nấu rượu cổ truyền, không gian văn hóa trà, cà phê. Bên cạnh đó, hơn 50 doanh nghiệp mang theo các sản phẩm trưng bày và phục vụ tết tại hội chợ gồm: đồ uống tết, hoa, đồ gốm sứ, sinh vật cảnh, sản phẩm của các nghệ nhân chuyên làm hoa giấy, hoa lụa, hoa khô, hàng tiêu dùng phục vụ tết…
Lễ hội hoa xuân và đồ uống tết 2011 sẽ tái hiện, giới thiệu những nét văn hóa tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam như: lễ hội ông Công ông Táo, các trò chơi dân gian ngày tết, trình diễn trang phục dân tộc.
Ngoài ra, lễ hội còn trưng bày 20 tác phẩm thư pháp có nội dung ca ngợi văn hiến Thăng Long - Hà Nội, mừng Đảng, mừng xuân và nhiều hoạt động văn hóa khác.
Lễ hội hoa đăng Tinh hoa tết Việt
Từ mồng 1 đến mồng 5 Tết Tân Mão, tại công viên nước Hồ Tây sẽ diễn ra sự kiện giải trí Lễ hội hoa đăng Tinh hoa tết Việt. Nằm trong sự kiện này có nhiều hoạt động khác nhau. Nổi bật là chương trình Bách tuyệt quần anh hội với sự tham gia của Thập đại kỳ nhân Trung Hoa mà đặc biệt là nghệ sĩ dân gian Dương Quang Hợp.
Ngoài ra chương trình còn có triển lãm hoa đăng, gala rock Việt, đặc biệt chương trình Lung linh Tây Hồ - Hoa đăng ước nguyện sẽ được tổ chức vào đêm giao thừa. Dự kiến khoảng hơn 10.000 đèn hoa đăng sẽ được thả trên mặt Hồ Tây trong thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Bên cạnh không gian ẩm thực vùng miền là các trò chơi dân gian như ném còn, chơi chữ, đẩy gậy, đi cà kheo... trong không gian ấm áp hương vị tết Việt ấy, các kỳ nhân đến từ Trung Quốc sẽ góp vui 3 suất/ngày, đan xen các chương trình giao lưu với các nhân vật hoạt hình như: Mickey, Donald, Chip & Dale, Heo mập, Mèo Sonic… các lễ hội đường phố Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Alibaba và 40 tên cướp; các tiết mục ca nhạc, tấu hài, xiếc... Vào các buổi tối sẽ có chương trình hái lộc đầu xuân. Giá vé vào cửa 60.000 đồng.
Vui xuân Tân Mão 2011 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội): từ ngày 6 đến 8/2 (mồng 4, 5, 6 Tết Nguyên đán).
Chơi kéo co ở Bảo tàng Dân tộc học |
Khách tham quan sẽ cùng đón tết với người Raglai đến từ Ninh Thuận, người Dao Lô với các điệu múa cầu an, cầu mùa, múa sư tử. Múa rối nước - đặc trưng văn hóa của làng quê Bắc bộ vẫn trình diễn trong dịp tết.
Trong chương trình vui xuân, khách tham quan có thể chơi trò chơi của các dân tộc như đẩy gậy (Tày, Nùng, Việt), nhảy bao bố (Nùng, Tày, Việt), đi cà kheo (Việt, Mông, Tày, Nùng), đánh quay (Mông, Dao, Việt, Nùng, Tày), cầu lông gà (Thái, Mông, Pà Thẻn), ném còn (Tày, Nùng, Thái), cờ gánh (Thái, Việt).
Bên cạnh đó là hàng loạt trò chơi thú vị khác. Người Thái có các trò mả mú sứa, tỏ hốn tá lòn, pa mạ na ố, tỏ mạ mằng. Người Việt có kéo co, đánh đu, đấu vật, đẩy lưng, đáo mẹt, đáo cọc, đáo đĩa, chọi trâu, pháo đất, ô ăn quan, cờ toán, kia - nọ.
Ngoài ra du khách có thể thưởng thức những hương vị cổ truyền của người Tày như: lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường treo gác bếp, xôi cẩm, bánh pẻng khô, bánh cóc mò, bánh khẩu si, rượu men lá…
Đêm nhạc Phú Quang “Biển, nỗi nhớ và em”
Đêm nhạc diễn ra vào các ngày 11 đến 14/2 tại Nhà hát lớn Hà Nội (số 1 Tràng Tiền), sẽ đưa người nghe về với không gian cổ xưa đầy nhớ thương của Hà Nội qua Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ..., nối liền yêu thương từ những trái tim trong Chuyện kể về tình yêu, Điều giản dị, Biển, nỗi nhớ và em, Mẹ và nỗi niềm trong Khúc mưa, Sinh nhật đen… Tất cả đều là những ca khúc đã trở nên quen thuộc của nhạc sĩ Phú Quang.
Đêm nhạc sẽ có sự xuất hiện của các ca sĩ Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ và nhiều ca sĩ khác như Tấn Minh, Hà Linh, Nhật Thu, nhóm Tik Tik Tắk... Ngoài ra, nhạc sĩ Phú Quang sẽ trực tiếp hòa âm, phối khí, chỉ huy dàn nhạc cùng con gái và con rể - hai tài năng piano Trinh Hương - violon Bùi Công Duy trong mỗi đêm biểu diễn.
Nhạc sĩ Phú Quang sẽ tặng một cuốn lịch bàn âm nhạc kèm đĩa nhạc mới của ông cho những khán giả đến tham dự chương trình này.