SIFA của Phương
Start up - Ngày đăng : 09:35, 28/01/2011
![]() |
Thiên Phương mở cửa hiệu thời trang Sifa từ năm 2000, nhưng thật ra chị đã kinh doanh ngành này từ khi còn là nữ sinh trung học. Ngày ngày bán quần áo may sẵn ở cửa hàng của mẹ, Phương nhen nhóm ước mơ phải làm cái gì đó về thời trang riêng cho mình.
Vạn sự khởi đầu nan
![]() |
Hết sức vất vả Phương mới thuyết phục được các cổ đông của Công ty Bình Thiên đồng ý kinh doanh thêm thời trang bên cạnh dịch vụ giao nhận, vận tải biển sẵn có. Dù đã say mê thiết kế thời trang từ bé, nhưng khi kinh doanh thời trang, Phương mới dần hiểu sâu hơn về nó.
Lúc đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, Phương đã đầu tư vào trang trí cửa hàng Sifa tốn hết 85 triệu đồng, hơn phân nửa số vốn đầu tư ban đầu.
Vậy mà nhiều mẫu quần áo không đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Phương phải xem lại từng chi tiết và lắng nghe ý kiến của khách hàng để cải tiến. Phương còn phải đi tìm những mẫu vải lạ và đẹp ở các cửa hàng bán vải khúc.
Có những mẫu vải trông rất đẹp nhưng may thành quần áo thì lại không đúng ý. Vẫn trong năm đầu, có lúc việc kinh doanh không được như mong muốn, Phương nằm lỳ ở nhà cả chục ngày. Nhưng sau đó chị lại rót thêm tiền đầu tư, quyết vực dậy Sifa, chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”.
Sang năm thứ hai, khách hàng đã biết đến thương hiệu Sifa và mua quần áo Sifa ngày càng nhiều, Phương tự tin mở thêm cửa hàng thứ hai. Cứ thế, trong mười năm, Sifa đều đặn phát triển với 41 cửa hàng trên các tỉnh - thành.
Tìm hiểu thị trường, đáp ứng thị hiếu
Làm sao nắm được thị hiếu của khách hàng mà thiết kế? Ngoài tham khảo sách báo, catalogue, Phương thường đi đến những chỗ đông người, chăm chú ngắm nhìn các cô, các bà. Chị cố tìm ra thị hiếu thời trang công sở, dạo phố, dạ hội... của từng nhóm khách hàng, như: nhân viên văn phòng, người kinh doanh, lứa tuổi trung niên...
Phương phân tích kỹ càng, tỉ mỉ ưu, khuyết điểm của từng loại trang phục để trả lời câu hỏi: Dáng vóc, công việc và không gian đến của mỗi người mỗi khác thì nên thiết kế như thế nào để tôn lên vẻ đẹp tự nhiên và che bớt khuyết điểm cơ thể người mặc?
Chị còn sang các nước châu Á có ngành thời trang phát triển, như: Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông... để tham gia các tuần lễ thời trang, hội chợ thời trang...
Phương mong muốn Sifa dung hòa được giữa xu hướng thời trang quốc tế và bản sắc văn hóa Việt Nam. Sifa còn “mở lối đi riêng” bằng việc tìm mẫu mã riêng biệt, đặt sản xuất độc quyền nguyên phụ liệu: nút, ren, ruy băng, hoặc nhập khẩu vải mới lạ về sản xuất nên ít bị “đụng hàng”.
Nhờ có sự tham khảo xu hướng thiết kế từ các thị trường đi trước và vải vóc lạ, độc đáo với nhiều chất liệu: cotton, taffeta, xô, bố, thun xoắn, nhung, thun... nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan..., Sifa ngày càng được chị em thuộc giới nhân viên công sở và kinh doanh tìm đến.
Phương tuyển dụng và đào tạo nhân viên bán hàng khá khắt khe, từ cách tiếp xúc đến thái độ phục vụ, giúp khách hàng chọn và thử quần áo, phải luôn vui vẻ dù khách không mua hàng. Vì vậy, khách đến cửa hàng Sifa luôn có cảm giác dễ chịu.
Nhân viên bán hàng còn phải biết tư vấn sản phẩm phù hợp với vóc dáng và phong cách của từng khách hàng, giúp họ thấy mình đẹp hơn trong trang phục của Sifa. Đã có nhiều người đề nghị Sifa làm franchise (nhượng quyền), nhưng Phương từ chối vì sợ họ phục vụ khách hàng không tốt sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình.
Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai
Năm 2010 là năm “bật lên” của Sifa khi có tới hơn 10 cửa hàng mới được khai trương. Sifa cũng tham gia nhiều sự kiện thời trang như: Duyên dáng Việt Nam, Festival Biển, Thời trang và Cuộc sống... để thương hiệu ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Hiện đã có hơn chục nhà thiết kế chung tay sáng tạo với Sifa để tung ra thị trường hơn 50 mẫu trang phục hàng tháng.
Văn phòng Sifa vừa chuyển đến địa điểm mới ở đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM, với diện tích sử dụng hơn 3.000m2.
Khuôn viên rộng lớn giúp Phương tập hợp các công đoạn: nhập khẩu vải, thiết kế, ráp quần áo, kiểm phẩm, phân phối... tại cùng một địa điểm thay vì tới năm địa điểm như trước đây.
Công việc của chị còn nhẹ đi nhiều nhờ sử dụng các phần mềm quản lý, giúp chị nắm rõ đến từng con số chi tiết của từng công đoạn kinh doanh.
Có hơn 500 nhân viên, phương châm lãnh đạo của chị là giao quyền cho họ càng nhiều càng tốt, để giúp họ phát triển bản thân cũng là làm “nhẹ” bớt gánh nặng công việc cho chính mình.
Phương chia sẻ, bên cạnh sự say mê công việc thiết kế, việc học hành bài bản về kinh doanh ở Đại học Ngoại thương đã giúp chị rất nhiều trong việc phát triển Sifa đến quy mô hiện nay.
Nhìn về phía trước với tâm thế đầy lạc quan, Phương sẽ tiếp tục nhân rộng các cửa hàng Sifa trên toàn quốc. Chị cũng dự kiến tham gia thương mại điện tử - bán hàng trên mạng trong vài năm sắp tới.