Tìm lối thoát cho kinh tế thế giới ở hội nghị G20

Quốc tế - Ngày đăng : 03:20, 20/02/2011

Chính thức khai mạc sáng 19/2 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 được kỳ vọng sẽ đưa ra những ý tưởng mới nhằm cải tổ hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu.
Tìm lối thoát cho kinh tế thế giới ở hội nghị G20

Chính thức khai mạc sáng 19/2 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 được kỳ vọng sẽ đưa ra những ý tưởng mới nhằm cải tổ hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu.

Chủ đề "Một thế giới mới, những ý tưởng mới" sẽ xuyên suốt Hội nghị G20 tại Pháp. Ảnh: AFP

Câu chuyện chính sẽ được thảo luận tại Paris lần này, theo giới phân tích sẽ là giải pháp cho sự mất cân bằng của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay. Theo đề xuất của nước chủ nhà Pháp, điều cần làm nhất đối với các thành viên G20 là xây dựng được một hệ thống chỉ báo nhằm đo đếm chính xác sự mất câng bằng của kinh tế thế giới. Từ đó, các nước đưa ra được các điều chỉnh cần thiết, giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững hơn.

Theo dự kiến của các chuyên gia kinh tế G20, bộ chỉ báo này sẽ bao gồm một số chỉ số lõi như tỷ lệ nợ, thâm hụt ngân sách, lạm phát (sau khi đã điều chỉnh tỷ giá) và dự trữ ngoại hối… của các quốc gia. Tuy vậy, các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc lại kiên quyết phản đối ý tưởng đưa chỉ tiêu lạm phát và dự trữ ngoại hối vào bộ chỉ báo này. Các nước này cũng cho rằng việc đưa mức thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai vào nhóm chỉ số nêu trên là không cần thiết.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm tại Hội nghị G20 lần này là chính sách kinh tế vĩ mô của của các nước. Mỹ vẫn kiên quyết chỉ trích chính sách đồng nhân dân tệ yếu của Trung Quốc nhưng những nền kinh tế còn lại cho rằng các bên nên tiếp tục những thành quả đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Seoul hồi cuối năm ngoái. Theo đó, các Chính phủ sẽ nỗ lực vì một hệ thống hối đoái theo định hướng thị trường trên phạm vi toàn cầu, thay vì giải quyết vấn đề ở quy mô quốc gia.

Bên cạnh đó, các bên cũng cho biết sẽ dành một thời lượng thích đáng trong 2 ngày làm việc để bàn thảo xung quanh vấn đề lạm phát giá lương thực và nhiên liệu vốn đang trở thành mối quan ngại ở hầu hết các quốc gia. Hiện Brazil là nước lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với chính sách tiền tệ mở rộng của Mỹ. Nước này cho rằng chính động thái này của nền kinh tế số một thế giới đã góp phần quan trọng làm tăng lạm phát toàn cầu.

Một điểm nhấn quan trọng khác cũng được lưu tâm tại hội nghị lần này là kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu được nước chủ nhà Pháp đưa ra. Phát biểu tại lễ khai mạc diễn ra đêm qua (theo giờ địa phương), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi các nước G20 xây dựng một hệ thống tiền tệ mới, tương tự hệ thống Bretton Woods của thế kỷ 20, nhằm kiểm soát các dòng vốn nóng và giảm sự lệ thuộc của kinh tế quốc tế vào đồng đôla. Tuy vậy, Tổng thống Pháp cũng thừa nhận, đây là một việc làm lâu dài và chưa thể đưa ra đồng thuận cuối cùng trong năm nay.

Ngay sau phiên khai mạc, đầu giờ chiều nay (theo giờ Hà Nội), các bên sẽ bước vào những phiên làm việc đầu tiên. Đức và Brazil sẽ chủ trì phiên đàm phán xung quanh vấn đề các dòng vốn toàn cầu, trong khi Pháp và Mexico sẽ điều phối phiên làm việc về hệ thống tài chính quốc tế.

G20 thống nhất về kiểm soát cân bằng kinh tế thế giới

Thỏa thuận lần này ghi nhận một sự nhượng bộ lớn của G20 đối với Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Thỏa thuận về một bộ chỉ số cho phép đo đếm tình trạng cân bằng của kinh tế toàn cầu đã được các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 thống nhất đưa ra sau 2 ngày làm việc tại Paris.

Bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên 2 thành tố chính là mức cân bằng cán thanh toán cân vãng lai và cân bằng cán cân thương mại của các nền kinh tế. Thể theo yêu cầu của Trung Quốc các khoản lãi đến từ dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ không được đưa vào bộ chỉ số nêu trên. Đây được xem là một nhượng bộ quan trọng của lãnh đạo G20 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngoài 2 thành tố nêu trên, bộ chỉ báo sẽ bao gồm một số thước đo khác như tỷ lệ nợ công, thâm hụt ngân sách, nợ tại khu vực tư nhân cũng như tỷ lệ tiết kiệm trong dân… Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Christine Lagarde cho rằng việc xây dựng được bộ chỉ số nói trên là một thành công lớn của G20 lần này khi các bên đã tìm được một giải pháp mang tính dung hòa vì lợi ích chung.

“Không khí hội nghị hết sức thẳng thắn, thậm chí là căng thẳng. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại rất dung hòa, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên”, Bộ trưởng Tài chính Pháp khẳng định. Cũng theo bà Lagarde, một thỏa thuận như vậy là cần thiết vào thời điểm này để tránh cho thế giới khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tiếp theo.

“Bộ chỉ số này không phải là một khuôn khổ mang tính ràng buộc nhưng nó mở đường cho những giải pháp tiếp theo để đi đến sự hợp tác toàn diện về kinh tế giữa các quốc gia” đại diện nước chủ nhà nhận định.

Tuy nhiên, theo hãng tin BBC, vấn đề đặt ra sau khi G20 xây dựng được bộ chỉ số này nằm ở việc họ sẽ sử dụng nó như thế nào để đo đếm tình trạng mất cân bằng của các nền kinh tế, từ đó đưa ra được những giải pháp chung.

“Câu hỏi lớn là các quốc gia G20 sẽ ứng phó như thế nào khi bộ chỉ số cho thấy sức khỏe kinh tế của họ đang bất ổn. Đạt được thỏa thuận nói trên đã khó, đi những bước tiếp theo thậm chí sẽ còn khó hơn”, bình luận viên kinh tế nổi tiếng Andrew Walker nhận định.