Cần một đội ngũ tư vấn cho phim Việt
Đời thường - Ngày đăng : 08:52, 25/02/2011
Sau 10 ngày công chiếu, Cô dâu đại chiến thu được 14,2 tỷ đồng với khoảng 230.000 lượt người xem. Thổi hồn cho bộ phim Tết này là Victor Vũ, đạo diễn Việt kiều khá mặn mà với điện ảnh trong nước. Điều đặc biệt là Victor Vũ bắt tay thực hiện Cô dâu đại chiến ngay khi “nghi án” đạo phim của Giao lộ định mệnh được chính thức nêu lên.
* Được đánh giá là phim khá nhất trong ba phim Tết trình làng trong Tết Tân Mão vừa qua, doanh thu của bộ phim Cô dâu đại chiến có nằm trong dự đoán của anh?
- Bất cứ đạo diễn nào cũng kỳ vọng tác phẩm do mình thực hiện sẽ đạt doanh thu như mong muốn. Thế nhưng, thành công của một bộ phim bao gồm nhiều yếu tố, trong đó trách nhiệm của đạo diễn là làm cho bộ phim tròn trịa, đầy đủ chi tiết và có tính sáng tạo. Thú thật là khi đã hoàn thành Cô dâu đại chiến, tôi vẫn không dám tính trước doanh thu của phim.
* Có vẻ như anh không tự tin với tác phẩm này?
- Từ ngày trở về, làm nghệ thuật tại Việt Nam, tôi đã thử sức với thể loại phim tình cảm, phim kinh dị và bây giờ là phim hài. Có thể hài là thể loại mới đối với tôi nên tôi không tự tin lắm! Trong suy nghĩ của tôi, làm phim hài không đơn giản chút nào. Khiến khán giả cười thì dễ, nhưng để họ phải suy nghĩ sau nụ cười ấy lại là chuyện cực khó.
* Hễ nói đến phim Tết là từ nhà sản xuất đến khán giả đều nghĩ đến phim hài. Điều này dễ hình thành nên một lối mòn trong việc làm phim chiếu Tết. Anh có nghĩ vậy không?
- Hài là thể loại phim không dành cho mùa nào cả. Riêng tại Việt Nam, nhiều người có tâm lý ngày đầu năm cần không khí vui vẻ để may mắn tràn đầy trong những ngày kế tiếp. Điều này dẫn đến phần lớn phim Tết trước nay đều là phim hài, bởi sản xuất phải gắn liền với yếu tố thị trường.
Tất nhiên, cái gì quá nhiều, quá quen cũng sẽ không tốt. Tôi nghĩ, các nhà sản xuất phim sẽ chú ý đến vấn đề này trong thời gian tới. Bởi, cứ nhìn sự chọn lựa của khán giả trong dịp Tết vừa rồi là biết sự dễ dãi đang giảm đi rất nhiều. Khán giả càng khắt khe, người làm phim càng có nhiều áp lực.
* Nhưng hình như còn có một áp lực khác khi anh bắt tay vào làm Cô dâu đại chiến?
- Xác định làm nghệ thuật, điều đầu tiên tôi tập là làm quen với dư luận. Việc tôi có đạo kịch bản để làm phim Giao lộ định mệnh hay không, tôi và Saga Flim sẽ làm sáng tỏ trong thời gian tới. Tôi tin vào bản thân nhưng tâm trạng cũng không tránh khỏi chùng xuống khi sự việc xảy ra. Thế nên, bắt tay vào làm Cô dâu đại chiến là cách tôi lấy một nỗi lo mới để nguôi ngoai nỗi buồn cũ.
* Đã có khá nhiều đạo diễn Việt kiều về nước làm phim nhưng sản phẩm của họ không mấy thuyết phục, nhất là sau bộ phim được đánh giá là “thảm họa” Em hiền như ma sơ vào cuối năm 2010. Bản thân cũng là Việt kiều, anh nghĩ sao về sự thất bại này?
- Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy làm phim trong nước là cực khó. Chúng tôi sinh ra ở Mỹ, chỉ biết đến Việt Nam qua tranh ảnh, sách báo và lời kể, nên Việt Nam trong ý nghĩ của tôi chắc chắn không giống với Việt Nam trong thực tế.
Thế nên, tạo ra những bộ phim Việt Nam xa lạ với đời sống, con người... Việt là chuyện khó tránh. Vấn đề là những người làm phim sống ở nước ngoài khi trở về nước sẽ trang bị vốn sống thực tế cho mình thế nào để kéo Việt Nam trong tâm trí mình về gần với thực tế.
* Sống ở Việt Nam mấy năm nay, nhìn lại Chuyện tình xa xứ, tác phẩm đầu tay của anh khi trở về, anh thấy thế nào?
- Tất nhiên tôi cũng thấy được sự chênh lệch giữa phim với thực tế. Đây chính là lý do khiến tôi luôn muốn hợp tác với biên kịch trong nước, họ sẽ giúp tôi điều chỉnh những góc nhìn của mình.
Điều này tỏ ra có tác dụng và kết quả thể hiện rõ ở những tác phẩm như Giao lộ định mệnh và Cô dâu đại chiến. Tiếc là sự hợp tác này chưa đạt kết quả như tôi mong đợi. Tôi kỳ vọng ở bản thân mình nhiều hơn thế!
* Theo anh, cần thêm điều gì để phim không chệch choạc so với đời?
- Giá như có một đội ngũ tư vấn cho phim, bao gồm những chuyên gia về văn hóa, lịch sử, xã hội học... thì rất tốt cho nhữnng người làm phim nói chung và đội ngũ Việt kiều nói riêng. Có được đội ngũ này, nội dung phim sẽ được gọt giũa một lần nữa để trở nên hoàn hảo hơn.
Tiếc là những nhà làm phim Việt Nam chưa có điều kiện để thành lập đội ngũ chuyên gia như thế. Bản thân tôi cũng chỉ biết cố gắng tranh thủ hỏi han, trò chuyện khi có dịp tiếp xúc với các chuyên gia ấy.
Không phải làm gì cũng thành công ngay được. Cũng đừng gán cho Việt kiều cái tem sẽ làm tốt hơn người Việt trong nước để rồi so sánh. Với nền điện ảnh non trẻ và thiếu nhân lực chuyên môn như hiện nay, không dễ có nhiều phim hay. Hãy tin và cho những người làm nghệ thuật thời gian!