Lợi ích quốc gia hay đơn vị độc quyền?
Du lịch - Ngày đăng : 09:54, 02/03/2011
Theo TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, việc tăng giá các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện... đòi hỏi phải có căn cứ thuyết phục và minh bạch nhiều hơn.
* Sau điều chỉnh tỷ giá, giá xăng dầu, điện... cũng đã tăng. Ông nhận định thế nào về việc tăng “sốc” cùng lúc như vậy?
Đây là những đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Nhưng quá trình ngành xăng dầu giải trình, chuyển tiếp cơ quan chức năng và duyệt khép kín, gần như trong vòng bí mật.
Giá xăng tăng hơn 2.000 đồng/lít cho thấy, quá trình tăng giá được thông qua theo cơ chế cũ, chưa có đổi mới về cơ chế hình thành giá xăng dầu cũng như nguyên tắc hội nhập. Đây là điều khó được chấp nhận, khó tạo được đồng thuận xã hội.
Mặt khác, tăng giá xăng dầu dựa vào giải trình của ngành xăng dầu, giá trong khu vực mới chỉ đạt một nửa căn cứ cần thiết.
Việc điều chỉnh giá phải dựa trên các số liệu liên quan tới giá nhập khẩu được đấu thầu công khai, chi phí vận chuyển trong nước minh bạch và ở mức độ hợp lý nhất cộng với lợi nhuận bình quân của ngành xăng dầu.
Ngoài ra, việc lấy giá xăng dầu các nước trong khu vực làm chuẩn như một căn cứ thị trường để tăng giá xăng trong nước là so sánh khập khiễng, bởi mức sống, thu nhập bình quân của nước ta lệnh so với họ.
* Kinh tế Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố lạm phát: tỷ giá tăng, tăng giá sau Tết chưa kịp giảm, sức ép tăng lương... việc tăng giá các mặt hàng chiến lược có đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế?
Việc tăng tỷ giá người ta có thể hiểu, chấp nhận ít nhiều, đó là để tạo ra lợi ích lớn hơn bất lợi cho nền kinh tế. Còn tăng giá điện trong bối cảnh độc quyền thì lợi ích của nó chưa được biện minh.
Lấy lý do ngành điện tăng giá để lấy vốn kinh doanh là rất khó thuyết phục, nhất là khi lâu nay cơ chế đầu tư, kinh doanh của anh không hiệu quả.
Về nguyên tắc, để có vốn kinh doanh, ngành điện phải vay trực tiếp, xã hội hóa kinh doanh đầu tư chứ không phải lấy tiền tạm ứng của người tiêu dùng để tiếp tục độc quyền.
Ngành xăng dầu đang mập mờ giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của tư nhân. Trong hoạt động của ngành xăng dầu hiện nay, Nhà nước độc quyền nhập khẩu, nhưng tư nhân phân phối. Vì vậy, nói tăng giá xăng dầu như một lợi ích quốc gia là khó thuyết phục. Chỉ khi tự do hóa nhập khẩu, phân phối thì mới có thể nói vì lợi ích quốc gia.
* Vậy, theo ông, phải làm gì để tăng giá xăng dầu, điện... trước hết là vì lợi ích quốc gia?
Tiêu thức an ninh khác tiêu thức lợi nhuận. Đơn cử với xăng dầu, lâu nay ta đang nhập hai cái làm một. Đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam vừa độc quyền kinh doanh vì lợi nhuận, vừa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Như vậy, khi lãi, họ hạch toán như một đơn vị kinh doanh, nhưng khi lỗ, họ bảo đây là vì mục tiêu chính trị, lợi ích quốc gia.
Nếu đặt lợi ích quốc gia lên trên, ta phải bóc tách riêng hai tiêu thức này. Một là, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ xăng dầu, trên nền lợi ích lâu dài. Hai là tách riêng hoạt động kinh doanh sang một sân chơi khác, với cạnh tranh nhiều hơn.
* Có vẻ như việc tăng giá các mặt hàng chiến lược đang theo “lộ trình” như đã tuyên bố. Nhưng theo ông, lộ trình tăng giá này có hợp lý với bối cảnh nền kinh tế hiện nay?
Trong lộ trình thực hiện có hai điểm bất cập. Thứ nhất, ta lựa chọn thời điểm tăng giá không phù hợp. Về nguyên tắc, tăng giá trong điều kiện độc quyền phải lựa chọn thời điểm tác động thấp nhất.
Tháng 2, thời điểm hội tụ nhiều áp lực tăng giá, ta lại tăng giá xăng dầu, điện... khiến hệ quả lan truyền cao hơn.
Thứ hai, lộ trình tăng giá thị trường phải gắn liền với các cơ chế cạnh tranh, tự do hóa kinh doanh, tự do nhập khẩu, phân phối... Tăng giá như hiện nay, chỉ đơn thuần là lộ trình tăng giá độc quyền mà thôi.
* Xin cảm ơn ông!