Kỳ 2: Sân khấu hóa... "hóa vàng" lễ hội

Đời thường - Ngày đăng : 05:07, 09/03/2011

Lễ hội văn hóa ở Việt Nam không chỉ phản ánh những vấn đề của sự cuồng tín tâm linh, đó còn là một sân khấu của các hoạt động thương mại phi văn hóa, trao đổi quyền lợi và thể hiện hội chứng hãnh tiến đến phản cảm.
Kỳ 2: Sân khấu hóa...

Lễ hội văn hóa ở Việt Nam không chỉ phản ánh những vấn đề của sự cuồng tín tâm linh, đó còn là một sân khấu của các hoạt động thương mại phi văn hóa, trao đổi quyền lợi và thể hiện hội chứng hãnh tiến đến phản cảm.

Kỳ 1: Cầu an gặp cảnh bất an

Cú sốc từ lễ hội đâm trâu

Một lần chúng tôi háo hức dự lễ hội đâm trâu, một phần chương trình của những festival cồng chiêng kể từ sau khi không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới.

Lễ hội đâm trâu

Buổi lễ hiến sinh tạ ơn thần linh phù hộ cho các tộc người Tây Nguyên có một mùa lúa thắng lợi diễn ra bên ngôi nhà dài kiểu Bana.

Hầu như không ai để ý đến thủ tục các già làng xem xét lễ vật và dâng rượu lên các vị thần, mà mọi người chỉ chờ đến tiết mục chính của lễ hội là lễ đâm trâu.

Chàng trai Ba Na được chọn cầm ngọn mác đã cố gắng trình diễn nghi lễ hiến sinh với các động tác múa. Con trâu bị chặt đứt gân hai đầu gối chân sau, khuỵu xuống, lết quanh cây cột Gơng kơpô lẩn trốn cái chết.

Lúc đầu khách dự lễ hội còn chen lấn để có thể chụp vài kiểu ảnh, nhưng dần dần cảnh con trâu đau đớn vật vã làm du khách choáng váng, không ai còn thiết tha ngắm thiếu nữ Ba Na xinh đẹp thướt tha trong điệu múa cúng mừng lúa mới đầu Xuân. Cuộc tế lễ kết thúc, những đoàn xe vội vã rời khỏi lễ hội.

Du khách không thể dự lễ đâm trâu khi phần đông không hiểu nhiều về nghi lễ, không lắng nghe được tiếng cồng, chiêng cầu xin thần linh điều gì khi lan tỏa trong không gian núi rừng, mà chỉ nhìn thấy cảnh đau đớn của con trâu đau đớn kéo dài trước khi chết.

Cuộc trò chuyện mang tính văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của các tộc người Tây Nguyên với thần linh qua lễ hiến sinh đã bị du khách (khác về đức tin, về môi trường văn hóa tâm linh) xem như tập tục dã man và không nên có trong chương trình của một lễ hội văn hóa.

Cứ tưởng những “tai nạn” như thế này sẽ không xảy ra với du khách nữa, nhưng hiện nay, các lễ đâm trâu vẫn được đem ra “chiêu đãi” khách khá hoành tráng ở nhiều khu du lịch Tây Nguyên.

Cùng với việc xếp lễ đâm trâu vào các lễ hội được tổ chức thành festival, các nhà tổ chức còn đưa hết lên sân khấu những lễ cúng và múa cồng chiêng (cúng mừng mùa mới, lễ cúng giọt nước, lễ bỏ mả) và đã vô tình tầm thường hóa một di sản văn hóa trong mắt các chủ thể là lớp trẻ các tộc người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê. Lớp người kế thừa này sẽ lẫn lộn những giá trị giữa lễ và hội, giữa đời sống tâm linh và sản phẩm du lịch.

Chúng ta đều biết lễ hội là thời điểm hội tụ sức mạnh tinh thần của cộng đồng, và khi tổ chức theo cách lôi cả thế giới văn hóa tâm linh lên sân khấu mà không phân biệt cái nào là giá trị nghệ thuật, cái nào là tâm linh, thì đã làm giá trị của “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trở thành tầm thường. Lớp trẻ kế thừa sẽ không đủ tự tin để bảo tồn giá trị văn hóa đích thực của dân tộc mình.

Những sân khấu lễ hội dành cho cái “nhất”

Làm lễ hội luôn có lãi và kết quả là kéo theo một phong trào lễ hội từ Bắc chí Nam trong suốt 5 năm qua. Tỉnh, huyện, làng, xã đều nghiên cứu quanh cái trục “Bảo tồn văn hóa - làm du lịch”, nôn nóng đưa những giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống hiện thực thông qua kết quả lễ hội thu hút được con số vạn khách.

Chưa kịp nghiên cứu thấu đáo những giá trị nào thật sự hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, đã có cả một làn sóng “tinh thần hãnh tiến” ùa vào.

Chính sự dung túng của mỗi địa phương cho cái dung tục xuất hiện thoải mái đã làm nên những lễ hội tín ngưỡng nhố nhăng.

Ban tổ chức các lễ hội luôn hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô của lễ hội, đánh giá sự thành công của lễ hội ở con số người đến tham dự, vì vậy mà các công ty tổ chức sự kiện “thầu lễ hội" tha hồ làm mưa làm gió với những chiêu thức hút khách không hề phù hợp với một lễ hội truyền thống.

Địa phương nào cũng cố gắng chen chân vào danh sách lễ hội quốc gia và một cơ chế “xin - cho” hành lang xuất hiện. Sau khi được dán “nhãn quốc gia", thì ngay cả lễ hội thuần tín ngưỡng cũng có một guồng máy làm thương hiệu bằng những hoạt động lấy lợi nhuận làm mục đích chính.

Người ta tạo đất cho tư tưởng hãnh tiến thể hiện hơn là lo tổ chức sao cho tinh tế, văn hóa và an toàn, bởi vì kèm theo sự hãnh tiến thường là lợi nhuận. Cho nên chúng ta mới thấy rượu vodka Nga, bánh chưng (thiu) to nhất xuất hiện ở lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

Ban tổ chức khuyến khích các doanh nghiệp đưa lễ vật đến (đương nhiên cũng phải đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội) và những lễ vật hạng nhất ấy thu hút hết tâm trí người đi hội, làm họ quên mất chuyện lễ, chỉ nhăm nhăm thọ “lộc”, tạo nên không khí trục lợi ám ảnh không gian lễ hội.

Thật vô lý nếu đổ lỗi cho hiện tượng “phú quý sinh lễ nghĩa”, hoặc bây giờ Nhà nước cho tự do tín ngưỡng nên lễ hội phát triển vô tội vạ. Chính sự dung túng của mỗi địa phương cho cái dung tục xuất hiện thoải mái đã làm nên những lễ hội tín ngưỡng nhố nhăng.

Cảnh người chen lấn, tắc đường thể hiện đức tin chứ không phải sự yếu kém về công tác tổ chức là cách mà tỉnh Nam Định đánh giá sự thành công của lễ hội Đền Trần.

Sau mỗi lần đi dự lễ hội văn hóa, ngẫm nghĩ lại mức độ văn hóa của lễ hội mà lo. Lễ hội, nơi tập trung đông người, với yêu cầu tập hợp một loạt những ứng xử văn hóa và văn minh đã bộc lộ tâm trạng xã hội bất an, sống vì danh, lợi trước mắt, thể hiện sự sa sút về đạo đức, văn hóa ngay chốn linh thiêng.

Cũng có ý kiến hãy để người dân được tự do chọn tín ngưỡng, để họ đặt niềm tin vào Đức thánh Trần hơn là giữ lại một ông Trần Hưng Đạo khô khan trong trang sử, để họ không đi tìm thờ Quan Công (miền Nam) hay Mã Viện (miền Bắc) thay thế cho các vị thần thánh người Việt. Đó cũng chỉ là một góc nhỏ của lễ hội và tín ngưỡng.

Vấn đề là chúng ta đã quá vội kinh doanh văn hóa khi chưa tìm ra công nghệ tổ chức những lễ hội lớn.

Kỳ 3: Đi tìm công nghệ tổ chức lễ hội

BÍCH HỒNG