Những dân chơi công nghệ trở thành doanh nhân
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:25, 30/03/2011
Kẻ mê âm thanh rồi mở hẳn chuỗi quán cà phê Hi-end, người sửa loa trở thành chủ nhãn hiệu loa tranh Art Audio hay Giám đốc Công ty Tầm Nhìn Số là thành viên của hội dân chơi HD Việt Nam.
Quán Hi-end ở Nguyễn Văn Thủ với hệ thống âm thanh phục vụ khách. Ảnh:Kiên Cường |
Vào những năm 2002-2003, ở Sài Gòn xuất hiện một địa chỉ vừa uống cà phê vừa thưởng thức nhạc rất hay. Quán cà phê mang tên gọi Hi-end trên đường Nguyễn Văn Thủ được mở ra đầu tiên ở TP HCM dùng âm thanh để thu hút khách.
"Thời đó, phong trào chơi Hi-end còn ít, đồ hơi đắt nên mọi người chỉ nghe trong nhà chứ ít đem ra ngoài. Tôi mở quán với niềm đam mê như là một địa điểm vừa thưởng thức cà phê vừa nghe nhạc chứ không đặt nặng vấn đề kinh doanh", anh Hồng Thanh Phong, chủ quán Hi-end cho biết.
Với sự "nghiện" âm thanh của mình, anh Phong đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống loa, ampli... tại đây. Hiện nay, dàn đồ của quán Hi-end Nguyễn Văn Thủ phải lên tới cả tỷ đồng, sau 7 năm mở quán đầu tiên, giờ Hi-end đã có thêm 2 cơ sở nữa trên đường Hồ Xuân Hương và Sương Nguyệt Ánh.
Thành công trong kinh doanh nhưng anh Phong lại là dân "ngoại đạo", xuất thân là sinh viên Y khoa, làm bác sĩ gây mê hồi sức, tới năm 37 tuổi mới bắt đầu mở quán từ chính "thú chơi" của mình. "Từ khi sinh viên, tôi đã bắt đầu mày mò, chơi đồ âm thanh có sẵn trong nhà, rồi đến khi mê phải tìm kiếm liên tục đồ hay hơn để nghe. Những lúc qua biên giới ở Lạng Sơn, tôi cũng thường tranh thủ mua đồ điện tử cùa Nhật về", anh Phong chia sẻ.
Có tiền là anh tái đầu tư nâng cấp dàn âm thanh cho quán. Giờ trong nhà anh có khoảng 10.000 cái đĩa CD, có những CD anh kiếm cả 10 năm trời mới thấy. Anh cũng là người tham gia tích cực trong các diễn đàn về hi-end ở Sài Gòn, thường xuyên tụ tập, trao đổi, thử đồ chơi cho những anh em có cùng đam mê với mình. Phong Hi-end đã trở thành cái tên gắn liền trong giới chơi âm thanh Sài Gòn.
Cũng bị "điên đảo" vì âm thanh, cũng gắn tên với thiết bị, anh Nguyễn Hùng Sơn, chủ thương hiệu loa tranh đầu tiên ở Việt Nam Art Audio, được mọi người biết tới với tên Sơn Loa.
Đúng như cái tên, loa như một phần không thể thiếu của anh Sơn. Năm 14-15 tuổi, từ quê nhà Đồng Tháp, anh khăn gói lên Sài Gòn với hành tranh duy nhất là ý nghĩ về loa. Bắt đầu bằng những việc làm như đẩy than ở quận 6, rồi phụ đóng thùng loa, chiều chiều anh lại ra chợ thiết bị Nhật Tảo để sưu tầm, tìm hiểu về các loại loa.
Sau đó, Sơn Loa bắt đầu bắt tay học sửa chữa, "xào nấu" loa, anh cũng treo một bảng sửa chữa loa ngay tại chợ Nhật Tảo. "Từ phục chế, làm quen các đời loa của các hãng, có những loại rất đắt tiền họ cũng tin tưởng đưa cho sửa lại. Sau 10 năm sửa loa, tôi hiểu dần quy luật về củ loa, thùng loa...", anh Sơn phân tích.
Chỉ với tay nghề sửa loa, anh Sơn tính nhẩm thời điểm đó có thể đủ tiền mua xe, mua nhà... nhưng anh quyết định làm một cái gì đó cho riêng mình. "Sau 7 năm nghiên cứu, chỉ để nghe chứ không bán, đến năm 2007-2008 khi loa tranh công bố rộng rãi thì lúc đó thị trường rất mới mẻ", chủ thương hiệu loa tranh nói.
Loa tranh đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Kiên Cường. |
Với một showroom trên đường Lý Nam Đế, quận 11, TP HCM, cùng các đại lý rộng khắp các tỉnh thành, hiện nay loa tranh được mọi người đón nhận với nét "độc" khi kết hợp giữa loa và tranh tạo nên một tác phẩm vừa ngắm vừa nghe, phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ trong các không gian.
Sản phẩm từng được xuất khẩu đi Australia. Chiếc loa tranh có kích thước lớn nhất dành làm tặng phẩm cho dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Loa tranh có hình Trịnh Công Sơn làm từ thiện... Loa tranh thương hiệu Việt đang dần khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Không chỉ riêng âm thanh, các công nghệ HD-3D cũng thu hút giới tay chơi Sài Gòn. Giám đốc Công ty Tầm Nhìn Số Võ Ngọc Tài hiện nay từng là người sáng lập ra hội HD Việt Nam, lập nên một website về HD.
Sinh năm 1982, là người Quảng Ngãi, khi vào TP HCM, anh Tài tốt nghiệp khoa toán tin Đại học Khoa học tự nhiên rồi đi làm cho công ty của Singapore. Tuy nhiên, sự đam mê HD-3D đã kéo anh về mở trang web diễn dàn HD để chơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm về "thú chơi" với bạn bè anh em.
"Khó khăn ban đầu là HD và 3D quá mới mẻ về cả thiết bị và kỹ thuật chuyên sâu, nhưng qua thời gian trải nghiệm có thể đúc kết kinh nghiệm của riêng mình", anh Tài chia sẻ.
Sau đó khi thấy nhu cầu của mọi người về thiết bị HD và 3D khá nhiều nhưng thị trường Việt Nam lại hiếm, giá cả thì đắt, nên anh Tài bắt đầu kinh doanh. Lúc đầu chủ yếu là phục vụ anh em bạn bè trong diễn đàn nhưng do thấy nhu cầu thị trường rất lớn nên anh Tài đã cho ra đời Công ty Tầm Nhìn Số.
Hiện Công ty Tầm Nhìn Số có thể lắp đặt, cung cấp thiết bị trọn gói các nhu cầu về âm thanh và hình ảnh. 'Lúc đầu tôi ra kinh doanh trái với ngành học cũng thấy tiếc nhưng rồi thấy nghề này cũng hợp với mình, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chuyên sâu về công nghệ, giải pháp hơn là chỉ buôn bán công nghệ đơn thuần.