Khủng hoảng tại Nhật, cơ hội cho ASEAN
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:08, 31/03/2011
Rất nhiều cơ hội đang chờ đợi các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bối cảnh khủng hoảng ở Nhật Bản, Hội đồng cố vấn kinh doanh ASEAN (BAC) nhận định.
Nhật sẽ cần tới các hãng xây dựng nước ngoài để hỗ trợ tái thiết đất nước. |
Theo BAC, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, Nhật Bản sẽ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài cho công cuộc tái thiết đất nước, đặc biệt là cơ sở hạ tầng vốn đã bị thiệt hại nặng trong trận động đất và sóng thần hôm 11/3.
Chẳng hạn, Việt Nam và Thái Lan, cho hay Nhật Bản sẽ phải thuê các các hãng xây dựng từ các quốc gia khác nhằm hỗ trợ tái thiết các vùng bị tác động ở xứ sở hoa anh đào.
Trong một diễn biến khác, BAC đã công bố kết quả cuộc điều tra dư luận do cơ quan này tiến hành trong 6 tháng cuối năm 2010 cho thấy, các doanh nghiệp quốc tế coi ASEAN là một khu vực hấp dẫn về thương mại và đầu tư.
Khoảng 85% số người được hỏi cho biết, họ có kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại ít nhất một quốc gia thành viên ASEAN. Các điểm đến đầu tư hàng đầu là Việt Nam, tiếp theo là Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Cũng liên quan tới kinh tế Nhật, theo công bố của Chính phủ Nhật hôm qua, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 2/2011 tăng 0,4% so với tháng trước đó và là tháng thứ 4 tăng liên tiếp.
Mức tăng này trái với dự đoán trên thị trường đưa ra trước đó rằng, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm 0,1%.
Theo báo cáo, chỉ số về sản lượng tại các nhà máy và hầm mỏ đạt 96,4 điểm so với 100 điểm trong năm 2005. Chỉ số sản lượng trong vận tải công nghiệp tăng 1,7%, lên 98 điểm và hàng tồn kho công nghiệp tăng 1,5%, lên 101,8 điểm.
Trong khi đó, cùng với nỗ lực giải quyết hậu quả của thảm họa động đất và sóng thần, Nhật Bản đang phải đương đầu với những khó khăn trong giải quyết việc làm cho người dân.
Các văn phòng lao động ở tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima vừa qua đã nhận khoảng 7.000 đơn xin tư vấn việc làm, trong đó chủ yếu về vấn đề sa thải lao động và xin trợ cấp.
Số đơn này dự kiến còn tiếp tục tăng do cơ sở hạ tầng của rất nhiều doanh nghiệp ở vùng ven biển thuộc ba tỉnh này bị phá huỷ do thảm hoạ sóng thần.
Cũng hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo đã rót thêm 2.600 tỷ Yên vào thị trường tiền tệ ngắn hạn, nơi các ngân hàng và công ty chứng khoán tiến hành các giao dịch vốn cần thiết.
Đây là ngày giao dịch thứ 12 liên tiếp BOJ "bơm" tiền vào thị trường tài chính, kể từ sau khi xảy ra thảm họa động đất gây sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua, nâng tổng số tiền lên tới 120.900 tỷ Yên.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại trước việc nhiều nước tạm ngừng nhập khẩu hàng nông sản của Nhật Bản sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Nhật Bản đề nghị các đối tác thương mại không nên phản ứng thái quá và cấm nhập khẩu một cách bất công đối với hàng hóa của nước này. Nhật Bản đã đình chỉ xuất hàng nông sản bị nhiễm phóng xạ ra thị trường nội địa và có biện pháp giám sát chặt chẽ.
Tokyo cho rằng, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi thực hiện cấm nhập khẩu hàng nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, các nước và vùng lãnh thổ cần phải đưa ra căn cứ khoa học rõ ràng.
Trong trường hợp vi phạm hiệp định, Nhật Bản sẽ kiện nước thực hiện biện pháp cấm nhập khẩu ra WTO và yêu cầu chấm dứt biện pháp này.
Theo công bố hôm qua của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), kinh tế nước này trong năm 2010 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 8 năm, nhờ xuất khẩu bùng nổ, chi tiêu cá nhân cải thiện và các đầu tư cơ sở vật chất.
BOK cho hay, GDP năm 2010 của xứ sở kim chi tăng 6,2%, cao hơn so với ước tính sơ bộ được đưa ra trước đó là 6,1%. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Hàn Quốc kể từ năm 2002, khi đó GDP tăng 7,2%.
Cụ thể, trong năm 2010, xuất khẩu hàng hóa tăng 15,8%, xuất khẩu dịch vụ tăng 6,1%. Chi tiêu tư nhân tăng 4,1% và đầu tư cơ sở vật chất tăng vọt 2%.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy thừa nhận sự bế tắc của vòng đàm phán Doha, và cho biết vòng đàm phán này có nguy cơ thất bại, nếu không đạt được bước đột phá vào tháng 4 tới.
Ông Lamy cho biết, khoảng cách giữa các bên trong đàm phán còn quá lớn về một loạt lĩnh vực nên không thể ra được dự thảo văn bản đàm phán vào cuối tháng 4/2011 như các nước thành viên đã nhất trí.
Ông thừa nhận sự bế tắc trong đàm phán ở lĩnh vực tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp là cản trở lớn nhất đối với tiến trình. Lĩnh vực này đề cập đến các cam kết của các nền kinh tế về giảm thuế nhập khẩu khi mở cửa thị trường phi nông sản.
Các bên đàm phán cho biết, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong thương lượng không những lớn mà còn ngày càng khó, nếu không nói là không thể lấp được.
Tổng giám đốc Pascal Lamy thông báo sẽ tham vấn các nước thành viên trong tháng 4 tới nhằm tìm hiểu rõ hơn khoảng cách trong đàm phán vấn đề này, để từ đó ra những quyết định cho các bước tiếp theo.
Người đứng đầu tổ chức thương mại toàn cầu nhấn mạnh nếu vòng đàm phán Doha thất bại, nền kinh tế thế giới sẽ bị đe dọa, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển nhất và các nước nhỏ hơn phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống thương mại toàn cầu.