Xuất khẩu lao động sang Malaysia: Nhiều rào cản từ... sân nhà

Trong nước - Ngày đăng : 06:14, 19/04/2011

Malaysia đang được đánh giá là thị trường hấp dẫn của xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2011 sau khi một số thị trường khu vực Trung Đông và Bắc Phi gặp sự cố.
Xuất khẩu lao động sang Malaysia: Nhiều rào cản từ... sân nhà

Malaysia đang được đánh giá là thị trường hấp dẫn của xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2011 sau khi một số thị trường khu vực Trung Đông và Bắc Phi gặp sự cố.

Tuy nhiên, để thị trường này hấp dẫn hơn với lao động, đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã cùng nhau “nhặt sạn” tại hội thảo “ Hợp tác thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Malaysia” do Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Cục Lao động, Bộ Nguồn lực Malaysia tổ chức sáng 15/4 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Malaysia là thị trường khá cởi mở và có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn và phù hợp với lao động Việt Nam. Đây cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện đề án “ Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020” theo chủ trương của Chính phủ.

Số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Malaysia cho thấy số lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia trong những năm gần đây đều lên tới 2 triệu người.

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002. Hiện cả nước có 138 doanh nghiệp được phép đưa lao động sang làm việc tại Malaysia. Từ 2002 đến nay, đã có trên 190.000 lượt lao động sang làm việc tại 12 trong tổng số 13 bang của Malaysia, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, hiện nay lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia có mức lương cơ bản khoảng 21RM/ngày, cộng với các khoản tiền làm thêm giờ, thu nhập của người lao động đạt khoảng 750RM/tháng (khoảng 5 triệu đồng) trở lên. Đây là mức thu nhập mà theo ông Quỳnh người lao động Việt Nam chấp nhận được.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau ảnh hưởng kinh tế thế giới 2008, từ cuối năm 2009, nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư của Malaysia đã tăng trở lại. Năm 2010, Việt Nam đã có gần 12 nghìn lao động sang thị trường này. Năm 2011, nhu cầu về lao động nhập cư của Malaysia lên đến 90 nghìn người.

Nhu cầu cao, điều kiện tiếp nhận khá dễ, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường Malaysia lại cho biết, họ vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa lao động sang Malaysia.

Khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là thủ tục calling visa. Lương đã thấp hơn so với nhiều thị trường khác, lại phải chờ đợi visa hơn 1 tháng khiến lao động thêm nản. Trong khi đó, thủ tục này thông thường chỉ mất khoảng 3 ngày, đại diện một doanh nghiệp nêu ý kiến.

Vấn đề vay vốn cũng được các doanh nghiệp đề cập. Đại diện Công ty Sona cho rằng, mặc dù chi phí đi Malaysia làm việc không nhiều, chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng lao động vẫn gặp không ít khó khăn khi làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng chính sách cho lao động đi làm việc trước, khấu trừ sau. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách này, doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro bởi có những lao động đã trốn ra ngoài làm việc sau khi sang Malaysia.

Trong khi đó, đại diện của Công ty Châu Hưng thì bức xúc chuyện nhiều địa phương không tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác nguồn. Cụ thể, tại Thanh Hóa, Nghệ an, Bắc Giang, giấy phép cấp cho doanh nghiệp tạo nguồn chỉ có thời hạn 6 tháng. Ngoài ra, một số tỉnh lại giới hạn địa phận tạo nguồn, chỉ cho phép doanh nghiệp tuyển dụng ở một hai huyện nhất định.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Cát cho rằng, phía Malaysia cần tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam cử cán bộ đại diện thường trực ở Malaysia để hỗ trợ người sử dụng lao động trong công tác quản lý lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Theo ông Sơn, lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia bị hạn chế về mặt ngôn ngữ nên thường gặp khó khăn trong giao tiếp với người sử dụng lao động và lao động nước khác nên rất dễ phát sinh nhiều va chạm do ngôn ngữ bất đồng. Nếu có đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ và giải quyết tình hình sẽ bớt phức tạp hơn.

Tuy nhiên, hiện nay tất cả các cán bộ của đại diện doanh nghiệp Việt Nam đều sang Malaysia bằng visa du lịch, thời hạn tối đa là 3 tháng. Điều này gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp và khá tốn kém về mặt tài chính.

Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra ý kiến, thu nhập của lao động nhập cư tại Malaysia hiện thấp hơn so với nhiều thị trường và mong muốn Chính phủ Malaysia nâng mức thu nhập cơ bản cho lao động Việt Nam.

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, ông Dato’Sh Yahya Bin SH. Mohamed, Cục trưởng Cục Lao động, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia cho biết, Malaysia không quy định mức lương tối thiểu nên chúng tôi không thể đề xuất tăng lương cho lao động nhập cư mà chỉ có thể cố gắng làm sao quyền lợi của lao động nhập cư cũng như lao động bản địa.

Tuy nhiên, vị Cục trưởng Lao động Malaysia cũng cho rằng, áp dụng chính sách tiền lương theo thỏa thuận của thị trường, cung cầu tự điều tiết cũng có lợi cho người lao động. Đơn giản, khi nhu cầu về lao động cao, cung không đáp ứng đủ thì mức thu nhập được chủ sử dụng đưa ra cao lên. Ví dụ, hiện mức lương sàn tại Malaysia là 21RM/ngày, nhưng với những lao động có tay nghề, hay những ngành nghề khó tuyển lao động thì lương cũng cao hơn.

P.V