Xứ dừa thiếu dừa
Trong nước - Ngày đăng : 06:25, 19/04/2011
Bến Tre là “vương quốc” dừa của VN, thế nhưng từ giữa năm 2010 đến nay nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến cơm dừa nạo phải hoạt động cầm chừng, chỉ đạt 20-30% công suất do hầu hết sản lượng dừa đều xuất qua Trung Quốc.
Chế biến dừa khô tại một cơ sở sản xuất ở Bến Tre - Ảnh: M.T. |
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, năm 2010 toàn tỉnh thu hoạch và đưa ra thị trường khoảng 400 triệu trái dừa. Trong khi đó, nhu cầu các DN sản xuất, chế biến dừa xuất khẩu chỉ cần hơn 350 triệu trái là đủ. Thế nhưng không có DN nào ở tỉnh này được hoạt động trên 70% công suất.
Hoạt động cầm chừng
Bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre, than: “Chúng tôi có bốn nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu, cần khoảng 600.000 trái dừa khô/ngày để chế biến 100 tấn thành phẩm. Nhưng từ tháng 7-2010 đến nay buộc phải giảm công suất còn 20%. Điều đó có nghĩa 80% lao động phải nghỉ việc, lý do là không mua được dừa”.
Tương tự, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh - cho biết nhà máy của ông cần 400.000 trái dừa/ngày. Vậy mà tám tháng qua chỉ duy trì hoạt động cầm chừng 30-50% công suất.
Ông Trần Văn Đấu, Phó giám đốc Sở Công thương Bến Tre, cho biết cả năm 2010 tất cả DN chế biến dừa ở tỉnh này chỉ gom được 250 triệu trái dừa, thiếu gần 100 triệu trái. Tình hình này buộc các DN phải hoạt động cầm chừng.
Theo ông Đấu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm trên là do xuất khẩu dừa khô ồ ạt đi các nước. Chỉ riêng năm 2010 toàn tỉnh xuất gần 100 triệu trái dừa thô sang Trung Quốc, chưa kể lượng xuất tiểu ngạch sang Thái Lan, Campuchia và các tỉnh khác.
Chờ thời điểm 20-5
Giá dừa tăng cao gần 3 lần Đầu năm 2010, giá dừa khô nguyên liệu ở Bến Tre chỉ 40.000 đồng/chục 12 trái. Tuy nhiên đến cuối năm 2010 vọt lên gần 110.000 đồng/chục, khiến các DN chế biến dừa xuất khẩu bị hụt hơi. Đã có một số DN thấy xuất khẩu dừa khô không thuế thu được lợi nhuận cao nên tạm ngưng sản xuất, chuyển sang mua, xuất khẩu dừa khô nguyên liệu càng làm tình trạng khan hiếm trầm trọng hơn. |
Ông Đấu cho biết tình trạng thiếu dừa khô nguyên liệu đã xảy ra từ nhiều năm nay. Bến Tre đã nhiều lần kiến nghị trung ương cho thu thuế xuất khẩu dừa khô để hạn chế tình trạng “chảy” nguyên liệu ra nước ngoài, cứu DN trong nước. Mới đây Bộ Tài chính đã chấp thuận kiến nghị này và chính thức quyết định kể từ ngày 20-5 bắt đầu thu thuế xuất khẩu dừa thô mức 3%.
Bà Lê Thị Cẩm Vân nói một trái dừa thô xuất trực tiếp chỉ mang lợi nhuận cho thương lái. Nhưng cũng trái dừa ấy nếu để DN chế biến thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu thì giá trị tăng thêm sẽ gấp nhiều lần xuất thô.
“Xuất dừa thô chỉ lãi được vài chục đồng/trái và chỉ có thương lái hưởng. DN chế biến xuất khẩu nhiều sản phẩm sẽ thu lãi vài trăm đồng/trái. Và lợi ích ấy được chia cho nhiều đối tượng: doanh nghiệp, công nhân, thuế xuất khẩu...” - bà Vân phân tích.
Trong khi đó, nhiều nông dân trồng dừa cho rằng việc áp thuế để hạn chế xuất khẩu dừa thô là giải pháp cần thiết để cứu ngành công nghiệp chế biến dừa. Tuy nhiên điều này chắc chắn dẫn tới hệ lụy là giá dừa sau ngày 20-5 sẽ giảm, nông dân bị thiệt.
Tuy nhiên, bà Vân cho rằng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến dừa ở Bến Tre hiện nay rất lớn. Nếu có đủ nguyên liệu thì nhà máy sẽ chạy hết công suất. Ngoài ra, nhiều DN, trong đó có Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre, đã có kế hoạch sản xuất thêm các sản phẩm mới như bột sữa dừa, nước cốt dừa, than hoạt tính... để nâng cao giá trị trái dừa. Chính vì vậy, tới đây giá dừa sẽ không bị giảm vì lý do tồn đọng, tiêu thụ không hết.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định sẽ đề nghị các DN chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu phải chú ý đầu tư sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới từ dừa để xuất khẩu, chứ không chỉ loanh quanh vài sản phẩm như hiện nay.