Cần “nhạc trưởng” để cá tra Việt Nam phát triển
Trong nước - Ngày đăng : 00:21, 13/06/2011
Cá tra đang được coi là mặt hàng “ăn khách” của thủy sản VN trên trường quốc tế. Tuy nhiên, do phát triển thiếu quy hoạch, thiếu sự liên kết và cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đang khiến thương hiệu cá tra VN giảm uy tín và thiếu tính bền vững. Hơn nữa, cũng cần một hiệp hội chuyên ngành - một “nhạc trưởng” để cá tra VN phát triển.
Chính vì con cá tra VN được ưa chuộng trên thế giới nên giá cá tra vài năm trước khá cao, rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng cơ sở nuôi trồng chế biến. |
1. Câu chuyện một số DN Việt đã hạ giá bán cá tra tại Hội chợ thủy sản Châu Âu 2011 ở Bỉ vừa qua một lần nữa cho thấy tính liên kết của các DN VN nói chung và DN XK cá tra nói riêng còn lỏng lẻo.
Lẽ ra trong bối cảnh nhu cầu thế giới vẫn còn cao và mặt hàng này chỉ VN gần như không có đối thủ, các DN cần liên kết chặt chẽ để nâng hình ảnh thương hiệu quốc gia và thương hiệu con cá tra VN nói riêng thì các DN lại đang làm điều ngược lại, nếu không muốn nói họ đang tự hủy hoại thương hiệu cá tra VN.
Thậm chí, đã có DN nói rằng xây dựng thương hiệu quốc gia là quan trọng nhưng sự tồn tại của DN còn quan trọng hơn. Và, để tồn tại trên thương trường DN phải cạnh tranh nhau bằng giá, khi đó khó để kêu gọi DN vì thương hiệu quốc gia.
2. Hiện nay, cả nước có trên 200 nhà máy chế biến và XK cá tra, chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là khí hậu phù hợp nhất để nuôi và chế biến XK cá tra. Chính vì con cá tra VN được ưa chuộng trên thế giới nên giá cá tra vài năm trước khá cao, rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng cơ sở nuôi trồng chế biến. Tuy nhiên, không phải DN nào khi đầu tư cũng thành công và có thị trường ngay.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, số lượng DN VN có uy tín trên thị trường thế giới không nhiều. Chính vì vậy mà tình trạng bán phá giá, thậm chí là “chơi xấu” đối thủ cũng đã diễn ra nhằm tiêu thụ sản phẩm. Điều này khiến cho hình ảnh con cá tra VN đang dần xấu đi trong mắt các nhà NK.
Trên thực tế, vẫn có một số bộ phận DN vì trục lợi nên đã làm ăn gian lận như tăng tỉ lệ mạ băng quá cao, sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Đó cũng là một phần nguyên nhân tạo ra một làn sóng chống đối con cá tra, ba sa trong thời gian qua.
3. Hiện, có rất nhiều tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản như Global Gap, SQF, ASC... mỗi DN, mỗi vùng nuôi lại áp dụng một kiểu theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Theo các chuyên gia, dù có áp dụng theo tiêu chuẩn nào thì vấn đề bảo vệ môi trường nuôi vẫn là điều mà các DN cần phải quan tâm nhất. Cũng chính vì không có một quy chuẩn cụ thể, rõ ràng nên nhiều tổ chức quốc tế đã lợi dụng “kẽ hở” để triệt đường đi của con cá tra VN tới tay người tiêu dùng.
Hàng loạt “chiến dịch” bôi xấu cá tra VN trên các phương tiện truyền thông tại một số thị trường nhằm hạ bệ hình ảnh cá tra trên trường quốc tế đã diễn ra thời gian qua mà điển hình là vụ Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đưa danh sách cá tra vào danh sách đỏ. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của các bộ, ngành thì không biết tình hình sẽ đi tới đâu.
4. Trước thực trạng như vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn con cá tra VN phát triển bền vững, trước hết ngành thủy sản cần áp dụng một quy chuẩn cụ thể, tốt nhất ngành thủy sản nên áp dụng Global Gap, một tiêu chuẩn đang được áp dụng tại nhiều địa phương và chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện tiêu chuẩn này.
Điểm mạnh của mô hình này là sản phẩm đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của thị trường XK nên DN có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu - bởi giấy chứng nhận Global GAP chính là “giấy thông hành”, là cam kết đảm bảo sự an toàn và chất lượng đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi cá tra, thiết nghĩ cần thiết phải thành lập Hiệp hội nuôi cá tra nhằm nâng cao tiếng nói của cộng đồng nuôi cá tra trước các vấn đề đặt ra của thị trường trong và ngoài nước.
Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất là các DN và cả người nuôi cá tra cần nâng cao tính liên kết, hỗ trợ và bảo vệ nhau trong mọi hoàn cảnh để cùng phát triển. Đây là điều quan trọng nhất để con cá tra VN có thể phát triển bền vững trong tương lai.